Hưng Yên: Đưa Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) thực sự đi vào đời sống

Thứ tư, 03/07/2013 15:55
(ĐCSVN) - Là một trong những vùng “địa linh nhân kiệt” ở Đồng bằng sông Hồng, 15 năm qua, với sự chung tay của các cấp lãnh đạo, chính quyền và nhân dân, Hưng Yên đã biết phát huy thế mạnh, thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

 Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, nhiều gia đình ở
Hưng Yên đạt gia đình văn hóa tiêu biểu. (Ảnh: baohungyen.vn)


Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện, 15 năm qua, Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã thấm sâu vào đời sống nhân dân. Trong tỉnh đã xuất hiện nhiều phong trào thi đua ở các ngành, đoàn thể như: Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư của Mặt trận Tổ quốc; phong trào Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc của Hội Phụ nữ; phong trào Phát huy bản chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ của Hội Cựu chiến binh; phong trào Sản xuất kinh doanh giỏi của Hội nông dân; phong trào Lao động giỏi, lao động sáng tạo của tổ chức Công đoàn...

Là một trong những cái nôi của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, 15 năm qua, Hưng Yên luôn phát huy truyền thống quê hương văn hiến, số lượng các gia đình văn hóa hàng năm không ngừng tăng lên. Toàn tỉnh có 81% số làng, khu phố đạt danh hiệu văn hoá; 86% số gia đình được công nhận gia đình văn hoá; trên 47 nghìn gia đình được công nhận danh hiệu: Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con trung hiếu, cháu thảo hiền; hơn 480 dòng họ hiếu học xuất sắc; 91,2% số cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hoá; thành lập gần 1.300 câu lạc bộ các loại hình (trong đó, có trên 500 câu lạc bộ văn hoá) và trên 500 đội văn nghệ quần chúng.

Về phát triển văn học - nghệ thuật, trong thời gian qua, ở Hưng Yên, nhiều tác giả có triển vọng được cử và lựa chọn tham gia các hội thi, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, các trại sáng tác của các hội chuyên ngành ở Trung ương. Nhiều bài viết, công trình nghiên cứu, thơ ca được đăng tải trên tạp chí, bản tin của tỉnh với chất lượng ngày càng nâng cao. Toàn tỉnh có 117 tác phẩm đoạt giải thưởng văn học, nghệ thuật Phố Hiến.

Đối với công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá, các cấp chính quyền đã lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác trùng tu, tôn tạo di tích, xây dựng các công trình tưởng niệm các danh nhân, liệt sỹ và tổ chức, quản lý các lễ hội.

Cùng với các lĩnh vực trên, việc phát triển hệ thống thông tin đại chúng và củng cố, xây dựng thiết chế văn hoá được chú trọng. Các cơ quan, phương tiện thông tin đại chúng từ tỉnh đến cơ sở từng bước được hiện đại hoá về cơ sở vật chất và trang thiết bị, đáp ứng nhu cầu cung cấp thông tin, định hướng dư luận, góp phần nâng cao dân trí, biểu dương tập thể điển hình, cá nhân tiên tiến....

Bên cạnh các thành tích đã đạt được 15 năm qua, việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" ở Hưng Yên vẫn còn có những hạn chế: Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hoá chưa đáp ứng kịp so với yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; còn thiếu những nghệ sỹ, nghệ nhân, cán bộ chuyên môn giỏi, tâm huyết với nghề. Công tác tuyên truyền, vận động và phối hợp thực hiện của các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên; chưa kịp thời biểu dương nhân rộng điển hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội… Công tác xã hội hoá trong lĩnh vực văn hoá chưa được coi trọng đúng mức...

Xác định việc xây dựng và phát triển văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tỉnh, trong thời gian tới, Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII), phát huy thế mạnh, khắc phục hạn chế,  đưa Nghị quyết thực sự đi vào đời sống của nhân dân, là động lực để phát triển kinh tế - xã hội của toàn tỉnh./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực