Hưng Yên: Phát triển du lịch di sản tại làng Nôm

Thứ sáu, 07/10/2022 14:35
(ĐCSVN) - Làng Nôm được công nhận là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 2020, nơi có nhiều tiềm năng và thế mạnh phát triển du lịch di sản.

Quần thể di tích làng Nôm nằm trên địa bàn xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, là nơi diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc; nơi sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng cho nhân dân địa phương. Làng Nôm với nhiều di sản văn hóa được công nhận di sản quốc gia được lưu giữ khá nguyên vẹn, giao thông thuận tiện, nghề truyền thống hiện đang phát triển tốt, văn hóa ẩm thực khá đa dạng, lễ hội truyền thống thu hút đông du khách tới tham dự, người dân địa phương thân thiện, mến khách.

Một góc Chùa Nôm. Ảnh: Thu Giang

Làng Nôm (Hưng Yên) là một ngôi làng cổ được xếp hạng là Di tích lịch sử - kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 50/QĐ-BVHTTDL (ngày 17/1/2020) của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ở làng Nôm còn giữ được nhiều giá trị truyền thống của một ngôi làng cổ sứ Kinh Bắc, với đầy đủ các yếu tố để phát triển du lịch di sản. Như nhiều ngôi làng cổ khác, làng Nôm đang đứng trước thách thức của công nghiệp hóa – hiện đại hóa mạnh mẽ hiện nay, vì thế mà nghiên cứu về phát triển du lịch di sản và đưa các nghiên cứu vào thực tiễn ở nơi đây thực sự cấp thiết.
 
Với diện tích tự nhiên 7523,99 ha (với 10 xã, 1 thị trấn, 85 thôn, phố), dân số trên 121 nghìn người, làng Nôm nằm ở vùng trung tâm của đồng bằng Bắc bộ, mang đậm dấu ấn văn hóa Kinh Bắc. Làng cũng là nơi có mật độ di tích lịch sử dày đặc với 167 di tích (trong đó 1 di tích Quốc gia đặc biệt; 16 di tích quốc gia; 16 di tích cấp tỉnh), 1 bảo vật quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc, 18 làng nghề truyền thống, như: làng đúc đồng Lộng Thượng, xã Đại Đồng; làng dược liệu Nghĩa Trai, xã Tân Quang; làng nấu rượu, làm loa thùng, cơm nắm giò chả xã Lạc Đạo... Nơi đây cũng lưu giữ văn hóa làng xã, văn hóa ẩm thực đặc sắc. Đây là những lợi thế lớn để làng Nôm phát triển du lịch di sản, hình thành các tour – tuyến du lịch trong địa bàn huyện và liên tỉnh.

Quần thể di tích làng Nôm được công nhận di tích quốc gia với đầy đủ các yếu tố của làng việt sứ Kinh Bắc gồm: Đình Đại Đồng, chùa Nôm, cầu đá, giếng cổ, ao làng, chợ Nôm, hệ thống các nhà thờ họ/từ đường, văn chỉ,… nhiều di vật tiêu biểu như: Tượng phật, chuông đồng, câu đối, sập thờ, ngai thờ, đại tự, sắp phong,… Mỗi di tích trong quần thể đều mang dấu ấn thời đại và yếu tố đặc sắc riêng của vùng như di tích cổng làng (cổng đông) xây dựng năm 1915 còn khá nguyên vẹn và được xem là cổng đẹp làng truyền thống đẹp nhất miền Bắc; đình Đại Đồng gắn với câu truyện về thánh Tam Giang – một vị tướng tài thời Hai Bà Trưng đã nhiều lần đánh thắng trận, đình còn lưu giữ nhiều di vật quốc gia cần được bảo vệ; chùa Nôm hay còn gọi là chùa Đại Đồng/chùa Linh Thông với những bức tượng la hán bằng đất cổ, khuôn viên chùa cổ và khuôn viên mở rộng hài hòa và đẹp đẽ cùng với sự hấp dẫn tâm linh khiến cho nhiều năm nay chùa là điểm thu hút du khách chính của quần thể di tích làng Nôm, hàng ngày đều có nhiều đoàn khách tới thăm quan, tìm hiểu hoặc nghiên cứu; chợ Nôm – một ngôi chợ hiếm hoi ở miền Bắc còn khá nguyên vẹn; hệ thống các nhà thờ họ/từ đường nằm dọc theo hai bên đường cạnh ao làng tạo nên tổng thể kiến trúc làng Nôm tuyệt đẹp... Nhờ đó, du lịch làng Nôm có sự tăng trưởng đáng kể, chiếm phần lớn tổng lượt du khách đến huyện Văn Lâm.

Du lịch di sản là hoạt động chính yếu có tính chất chủ đạo tại quần thể di tích làng Nôm, song du khách tham gia du lịch mới chỉ dừng ở mức độ tham quan di sản và lễ chùa Nôm, chưa có các trải nghiệm sâu hơn các hoạt động du lịch như chưa được trải nghiệm lễ hội, các trò chơi dân gian tại làng, khi tham quan làng nghề đúc đồng du khách mới dừng ở việc xem và mua sản phẩm chưa được nghe thuyết minh viên giới thiệu về nghề đúc đồng truyền thống tại làng, cũng chưa có hoạt động trải nghiệm tạo tác sản phẩm đồng hoặc sản phẩm truyền thống khác. Mặt khác, du khách tham quan làng Nôm cũng tập trung rất đông vào dịp Tết và mùa lễ hội làng, các dịp này thường quá tải về lượng khách đến, phần lớn các ngày khác trong năm du khách thưa thớt chỉ khoảng từ 3 đến trên 10 đoàn khách nhỏ, chủ yếu du khách đi theo diện tự túc nên thời gian ở lại ngắn và chi tiêu tại địa phương rất thấp.

Làng Nôm với vẻ đẹp văn hóa qua hình ảnh của cây đa, bến nước, sân đình, những ngôi nhà mái ngói đỏ đơn sơ yên bình trong tĩnh lặng. Ảnh: Thế Dương/dangcongsan.vn

Để phát triển du lịch di sản tại làng Nôm theo định hướng chung của huyện là đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, huyện xác định du lịch di sản là loại hình du lịch chính tại địa phương, từ đó đặt việc bảo vệ di sản lên hàng đầu, đồng thời phát triển du lịch di sản theo hướng bền vững, coi trọng lợi ích của người dân, chú trọng phát huy giá trị di sản vật thể và di sản phi vật thể, khôi phục các hoạt động trong lễ hội làng, khôi phục trò chơi dân gian, phát huy và khai thác sâu hơn nữa nghề truyền thống phục vụ cho phát triển du lịch. 

Huy động thêm sự vào cuộc của các cấp, các ngành, chuyên gia trong lĩnh vực du lịch,…; lấy ý kiến và đưa ra các chiến lược phát triển cụ thể có tính chất lâu dài cho du lịch ở đây với định hướng theo sát việc đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Xây dựng, thiết kế quy hoạch tổng thể phát triển du lịch làng Nôm theo từng giai đoạn cụ thể hoàn thành các khu chức năng phụ trợ cho phát triển du lịch.

Thu hút đầu tư tư nhân và xã hội hóa hoạt động du lịch và bảo vệ di sản một cách chủ động, có mục tiêu cụ thể, phát huy tối đa sức mạnh của các bên liên quan trong phát triển du lịch tại địa bàn.

Kết hợp vừa bảo vệ di sản vừa khai thác hợp lý cho quá trình phát triển du lịch, quảng bá du lịch địa phương gắn liền với danh hiệu di sản làng cổ cấp quốc gia và đưa ra hình ảnh biểu tượng cho du lịch di sản tại làng Nôm; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch, quảng bá sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, xây dựng website du lịch của làng Nôm...

Tăng cường liên kết phát triển du lịch từ điểm du lịch làng Nôm với các điểm du lịch khác trong địa bàn huyện Văn Lâm, xây dựng tour, tuyến du lịch trong và ngoài địa bàn, liên kết với tuyến du lịch tâm linh tỉnh Bắc Ninh để kích cầu du lịch của địa phương, cũng như thu hút khách du lịch tỉnh Bắc Ninh lân cận (cụm di tích Làng Nôm – Chùa Nôm – Đình Nôm –di tích Kinh Dương Vương Bắc Ninh). Kết nối tour du lịch sinh thái, làng nghề (khu du lịch Ecopark – Làng Nôm). Kết nối du lịch làng nghề - làng di sản trong địa bàn tỉnh.

Làng Nôm thuộc xã Đại Đồng, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên là một làng di sản cấp quốc gia nhưng lại nằm trong khu vực huyện công nghiệp trọng điểm, do vậy việc bảo vệ làng di sản kết hợp phát huy giá trị di sản tại làng Nôm thông qua hoạt động du lịch là một bước phát triển tất yếu, cấp thiết trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại địa phương./.                                                                                                                                                                                                          

 
Nguyễn Thị Thu Giang
Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực