Khai hội Tịch điền Đọi Sơn 2024

Thứ sáu, 16/02/2024 15:12
(ĐCSVN) - Lễ hội Tịch điền được tỉnh Hà Nam tổ chức hàng năm, đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, bởi đây là một lễ hội giàu tính nhân văn, khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng, đề cao tinh thần gần dân, trọng nhà nông, nghề nông...
 Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hà Nam cùng các đại biểu thực hiện nghi lễ tâm linh tại lễ hội. Ảnh: Trần Chiến

Sáng 16/2 (tức mùng 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn), tại cánh đồng Đọi Tín, xã Tiên Sơn, Thị xã Duy Tiên, UBND tỉnh Hà Nam đã tổ chức Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024 trong không khí hân hoan đầu Xuân mới.

Được phục dựng và tổ chức từ năm 2009 đến nay, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn là ngày hội xuống đồng lớn nhất vùng đồng bằng Bắc Bộ, mang ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, đề cao vai trò của sản xuất nông nghiệp, gắn với tên tuổi vua Lê Đại Hành là người khởi xướng.

Trải qua 1.037 năm, Lễ hội Tịch điền hàng năm được tái hiện và duy trì đều đặn ở cánh đồng Đọi Tín, xã Tiên Sơn, Thị xã Duy Tiên với những sá cày đầu tiên mở ra mùa vụ mới...

 Màn múa rồng mãn nhãn phục vụ nhân dân, đại biểu và du khách tham dự lễ hội. Ảnh: Trần Chiến

Theo Chủ tịch UBND Thị xã Duy Tiên Ngô Văn Liên: Bên cạnh những giá trị nhân văn tốt đẹp, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2024 là dịp quan trọng để giới thiệu, quảng bá với du khách trong và ngoài nước những giá trị văn hóa truyền thống, tiêu biểu, độc đáo của nước ta. Đồng thời, là thông điệp lớn tiếp tục tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với những kết quả quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại Hà Nam; góp phần bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa địa phương theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước".

 Tái hiện hoạt cảnh vua Lê Đại Hành cày ruộng tại cánh đồng Đọi Tín, xã Tiên Sơn năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (987). Ảnh: Trần Chiến

Tại Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2024, sau nghi lễ bái yết Thần Nông, cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu; là màn trống khai hội do đội trống nữ làng Đọi Tam biểu diễn, kết hợp với múa rồng. Buổi lễ đã tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng cày do người cao tuổi trong làng thực hiện, theo sau là các thôn nữ đi gieo hạt giống.

Lễ hội Tịch điền của Hà Nam được tổ chức hàng năm, đã trở thành nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng bởi đây là một lễ hội giàu tính nhân văn, khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai phá, mở mang ruộng đồng, đề cao tinh thần gần dân, trọng nhà nông, nghề nông...

Sử sách ghi chép lại, cách đây 1.037 năm, tức năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987), vua Lê Đại Hành, người vốn coi trọng nông nghiệp, đã về vùng đất núi Đọi sông Châu (thị xã Duy Tiên ngày nay) khởi xướng và đích thân cầm cày trong lễ xuống đồng đầu năm. Được lưu truyền từ đó đến nay, Lễ hội Tịch điền mang ý nghĩa nhân văn khuyến nông sâu sắc.

 Nhân dân tham dự lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2024. Ảnh: Trần Chiến

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2024 ngoài màn múa trống, màn múa rồng năm nay phần trang trí khánh tiết cũng có sự thay đổi khi kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, phù hợp với thực tiễn. Và mùa hội năm nay, lần đầu tiên nhân dân và du khách thập phương sẽ có cơ hội tham gia hội thi cày do địa phương tổ chức. Trong không gian lễ hội, Ban tổ chức cũng bố trí nhiều gian hàng phục vụ nhân dân và du khách tham quan, mua sắm các mặt hàng nông sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn và OCOP của Hà Nam; tham gia nhiều trò chơi dân gian truyền thống.

Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm 2024 tổ chức trong 3 ngày từ 14 - 16/3/2024 (tức từ 5 - 7 tháng Giêng năm Giáp Thìn). Trong đó, ngày mùng 5 và mùng 6 tháng Giêng Âm lịch tổ chức các nghi lễ tâm linh như lễ rước nước, sái tịnh, lễ cầu an; hội thi vẽ và trang trí trâu, các hoạt động thể thao, các trò chơi dân gian, biểu diễn nghệ thuật do nhân dân xã Tiên Sơn và nhân dân các xã, phường thị xã Duy Tiên thực hiện, tham gia. Ngày mùng 7 tháng Giêng (chính hội) tổ chức khai mạc và lễ cày Tịch điền.

Trần Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực