Tái hiện cảnh vua Lê Đại Hành cày ruộng tại lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2018. Ảnh: QC
Diễn ra vào ngày mùng 7 tháng Giêng hàng năm, lễ hội Tịch điền mang ý nghĩa khuyến nông, cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng tốt tươi, cuộc sống no ấm.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn 2018 được tổ chức trong ba ngày từ 20 đến ngày 22/2 (tức từ ngày mùng 5-7 tháng giêng năm Mậu Tuất). Đây là năm thứ 10 lễ hội Tịch điền được UBND huyện Duy Tiên (Hà Nam) duy trì, tổ chức nhằm quảng bá đến du khách trong và ngoài nước về những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu, độc đáo của quê hương Hà Nam với hai phần: Phần lễ và phần hội.
Phần lễ gồm: Lễ rước chân nhang vua Lê Đại Hành từ đền Lăng ở Bảo Thái (xã Liêm Cần, huyện Thanh Liêm), Lễ cáo yết mở cửa đình, Lễ rước nước lên Đàn tế Thần nông, Lễ sái tịnh, Lễ cầu an trên Chùa Đọi, Lễ rước kiệu vua Lê Đại Hành, kiệu Thành hoàng làng và kiệu Tổ nghề trống, Lễ Khai hội tịch điền, Lễ dâng hương trước bàn thờ Thần nông và Linh vị vua Lê Đại Hành…Nghi lễ chính trong toàn bộ lễ hội là lễ Tịch điền.
Phần hội có các hoạt động: Hội thi vẽ và trang trí trâu; Giải vật mùa xuân thượng võ tỉnh Hà Nam năm 2018; tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm nông nghiệp, làng nghề truyền thống, các giải thể dục - thể thao; chương trình ca múa nhạc; trò chơi dân gian và màn bắn pháo hoa...
Tại lễ hội năm nay, tỉnh Hà Nam tiếp tục phát động phong trào “Ngày hội xuống đồng, công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Cũng tại lễ hội, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam đã trao cờ, bằng công nhận 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017.
Theo UBND huyện Duy Tiên, sau nhiều năm bị gián đoạn, Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được khôi phục lần đầu vào mùng 7 tháng giêng năm Kỷ Sửu (năm 2009) nhằm tái hiện huyền tích vua Lê Đại Hành làm Lễ tịch điền, nhà vua xuống đồng cày ruộng ở chân núi Đọi từ hơn một nghìn năm trước. Từ đó, lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được tổ chức trang trọng vào mùng 7 tháng giêng hàng năm.
Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tâm linh, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đậm đà bản sắc văn hóa không chỉ riêng Hà Nam mà toàn dân tộc. Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn được cấp Bằng Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017.
Theo sử sách ghi lại, lễ Tịch điền đầu tiên được vua Lê Đại Hành tổ chức và đích thân vua xuống đồng cày ruộng vào đầu xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (năm 987). Lần đầu vua cùng bá quan văn võ cày ruộng tịch điền ở Đọi Sơn và bắt được chum vàng, năm sau cày ở Bàn Hải bắt được chum bạc. Vì thế những thửa ruộng này còn được gọi là Kim Ngân Điền, người dân Hà Nam thì gọi là ruộng vàng, ruộng bạc. Từ đó, hàng năm cứ vào đầu xuân các triều đại Lý, Trần, hậu Lê, Nguyễn nối tiếp nhau long trọng cử hành nghi lễ tịch điền, đích thân vua xuống đồng cày ruộng với các hình thức khác nhau để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu...