Khai mạc Lễ hội Phủ Dầy năm 2023

Thứ bảy, 22/04/2023 15:04
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Sáng 22/4 (tức 3/3 âm lịch), tại Khu Di tích lịch sử - văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái, huyện Vụ Bản (Nam Định) đã diễn ra Lễ khai hội Phủ Dầy năm 2023 sau 3 năm bị gián đoạn vì dịch COVID-19.
Quang cảnh Lễ khai hội Phủ Dầy năm 2023. (Ảnh: Kim Chiến)

Lễ hội Phủ Dầy (còn có tên gọi khác là Lễ hội Phủ Giầy, Lễ hội Thánh Mẫu, Lễ hội Tháng Ba...) gắn liền sự tích về Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một biểu tượng trong “tứ bất tử” của dân gian Việt Nam, là lễ hội truyền thống nổi tiếng, quy mô nhất Việt Nam do cộng đồng sáng tạo, nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần, tâm linh, được các thế hệ gìn giữ, tiếp nối, kế thừa và phát triển.

Từ khi việc thực hành tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ của người Việt được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại với các nghi lễ chầu văn – hầu đồng đặc sắc, Lễ hội Phủ Dầy ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch tâm linh với du khách trong nước và quốc tế.

Hằng năm vào mùa lễ hội, hàng nghìn du khách thập phương đổ về Phủ Dầy để thực hiện tín ngưỡng tâm linh theo tục thờ Mẫu, đồng thời tham quan, chiêm ngưỡng quần thể kiến trúc độc đáo, nơi khởi nguồn của nghệ thuật hát chầu văn.

 Một tiết mục nghệ thuật hầu đồng được biểu diễn tại Lễ khai hội Phủ Dầy 2023. (Ảnh: Kim Chiến)

Phát biểu tại lễ khai mạc,  Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Trần Lê Đoài nhấn mạnh: Quần thể di tích và lễ hội Phủ Dầy từ lâu đã khẳng định được vị thế và trở thành điểm đến du lịch văn hoá tín ngưỡng tâm linh đối với du khách trong nước và quốc tế. Những năm qua các cấp chính quyền địa phương cũng như các đơn vị quản lý chuyên trách đã thực hiện nghiêm Luật Di sản văn hoá, Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các văn bản pháp luật của Trung ương, địa phương về công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Đẩy mạnh tuyên truyền quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Quần thể di tích Phủ Dầy. Từng bước nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước về di tích, lễ hội theo hướng giao cho cộng đồng nhân dân là chủ thể văn hoá trực tiếp tham gia quản lý di tích và thực hành tín ngưỡng, tránh những biểu hiện sai lệch, biến tướng...

Theo truyền thống, lễ hội Phủ Dầy được tổ chức vào tháng ba âm lịch hàng năm (ngày mùng 3 tháng 3 là ngày chính kỵ Thánh Mẫu Liễu Hạnh). Trong không gian thiêng với quy mô trên 20 di tích đền, phủ, chùa, lăng trong hệ thống di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại xã Kim Thái, trung tâm là phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, lăng Mẫu (đã được Nhà nước xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1975), lễ hội Phủ Dầy lại long trọng diễn ra.

 Đoàn hành lễ từ các đền, phủ, miếu trong quần thể Di tích Phủ Dầy tham gia các nghi lễ tâm linh của lễ hội. (Ảnh: Kim Chiến)

Lễ hội Phủ Dầy năm 2023 gồm phần lễ và phần hội. Trong đó phần lễ có khai hội, tế, rước thỉnh kinh, rước đuốc. Còn phần hội có liên hoan nghệ thuật Chầu văn, kéo chữ, biểu diễn nghệ thuật, cùng nhiều hoạt động văn hoá thể thao dân gian cổ truyền. Lễ hội năm nay đã thu hút hàng vạn người dân trong và ngoài tỉnh Nam Định cùng du khách thập phương tham gia.

Sau 03 năm gián đoạn do COVID-19, tỉnh Nam Định và huyện Vụ Bản quyết tâm tổ chức Lễ hội Phủ Dầy năm 2023 xứng tầm là lễ hội cấp quốc gia, là trung tâm lưu giữ, bảo tồn, giới thiệu những giá trị độc đáo của Di sản “Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 

Chương trình lễ hội Phủ Dầy năm 2023:

Ngày mùng 3/3 âm lịch: Khai mạc lễ hội, tại sân vận động xã Kim Thái.
Dâng hương, hoạt động văn hóa thể thao dân gian cổ truyền tại các di tích thuộc quần thể Phủ Dầy.

Ngày mùng 4/3 âm lịch: Buổi sáng liên hoan nghệ thuật hát chầu văn, tại Phủ Chính Tiên Hương. Buổi chiều liên hoan nghệ thuật hát chầu văn, tại Phủ Vân Cát. Buổi tối Chương trình Nghệ thuật biểu diễn của Nhà hát Chèo tỉnh Nam Định tại Phủ Chính Tiên Hương.

Ngày mùng 5/3 âm lịch: Buổi sáng rước Mẫu thỉnh kinh từ Phủ Vân Cát, đến Chùa Báng (Linh Sơn tự). Thả rồng bay, múa rồng, múa sư tử. Buổi tối rước đuốc tại Phủ Chính Tiên Hương.

Ngày mùng 6/3 âm lịch: Buổi sáng rước Mẫu thỉnh kinh, từ Phủ Chính Tiên Hương, đến Chùa Tiên Hương, (Tiên Linh tự). Thả rồng bay, múa rồng, múa sư tử. Thi đấu cờ người tại Phủ Vân Cát. Buổi tối Chương trình Nghệ thuật biểu diễn của Nhà hát Chèo tỉnh Nam Định tại đền Cây đa Bóng.

Ngày mùng 7/3 âm lịch: Kéo chữ tại Phủ Vân Cát, với bộ chữ “THIÊN HẠ THÁI BÌNH”.

Ngày mùng 8/3 âm lịch: Kéo chữ tại Phủ Chính Tiên Hương, với bộ chữ “MẪU NGHI THIÊN HẠ”.

Kim Chiến

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực