Tối 1/11, tại Nhà hát Kịch Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức khai mạc Liên hoan sân khấu Hà Nội mở rộng 2024.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Nghệ sỹ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết: Hà Nội nghìn năm văn hiến luôn là niềm tự hào của người Hà Nội nói riêng và của người dân cả nước nói chung, được gìn giữ, khơi nguồn trong dòng chảy lịch sử, tạo sức sống trường tồn đặc biệt là tạo niềm cảm hứng mạnh mẽ cho văn học nghệ thuật. Đó là hào khí, trí tuệ Thăng Long, là bản lĩnh và phẩm chất hào hoa, thanh lịch riêng có của Hà Nội, là khát vọng hòa bình, khát vọng hội nhập quốc tế.
|
Tặng cờ lưu niệm cho các đoàn tham dự liên hoan. |
Với tinh thần cả nước hướng về Hà Nội, Hà Nội cùng cả nước, Hà Nội là trái tim của cả nước. Đảng bộ và nhân dân Hà Nội luôn cùng nhịp đập để đồng hành với cả nước. Thông qua hoạt động văn học nghệ thuật để Hà Nội tỏa sáng giá trị tinh hoa văn hóa Hà Nội hơn bao giờ hết trên con đường phát triển, sánh bước cùng các quốc gia trên thế giới.
Liên hoan Sân khấu Hà Nội mở rộng năm 2024 với 12 vở diễn của các loại hình sân khấu: Nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói, Múa Rối... của 12 đơn vị nghệ thuật thuộc Trung ương, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng Quân đội nhằm nâng cao giá trị văn hóa nghệ thuật Thủ đô; giáo dục và phát huy truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng vẻ vang của của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hà Nội, trong suốt chặng đường đấu tranh, xây dựng và phát triển Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình. Đây cũng là cơ hội cho các đơn vị nghệ thuật sân khấu cùng đông đảo nghệ sĩ cả nước, được giao lưu, học hỏi về học thuật, kỹ năng sáng tạo nghệ thuật, để không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, xây dựng tác phẩm có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao, đáp ứng sự mong mỏi của khán giả trong xu thế hội nhập và phát triển.
|
Tặng hoa Hội đồng giám khảo. |
Phát biểu chào mừng Liên hoan Sân khấu Thủ đô mở rộng năm 2024, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Xuân Tài khẳng định, Thủ đô Hà Nội trong nhiều năm qua đã quan tâm đầu tư và tạo cơ chế cho các nghệ sĩ được thoả sức sáng tạo; Hà Nội đã và đang là điểm sáng tiêu biểu trong lĩnh vực sân khấu cả nước. Thành phố có nhiều tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc phục vụ cho các tầng lớp nhân dân.
“Việc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan sân khấu mở rộng, định kỳ 2 năm 1 lần tiếp tục khẳng định mục tiêu, quan điểm phát triển của thành phố. Đó là, văn hoá là nền tảng, là động lực cho sự phát triển; coi trọng giá trị văn hóa và chăm lo đời sống tinh thần của người dân là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu” - ông Phạm Xuân Tài nhấn mạnh.
|
Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy phát biểu khai mạc liên hoan. |
Theo ông Phạm Xuân Tài, trên địa bàn Thành phố có hệ thống thiết chế văn hóa lớn nhất và đồng bộ nhất cả nước, nhờ hệ thống các thiết chế văn hoá của Trung ương, các bộ ngành trên địa bàn. Các thiết chế này có quy mô lớn, là sân khấu quen thuộc của các nghệ sĩ hàng đầu quốc gia và quốc tế. Do đó, các nghệ sĩ của Thủ đô có không gian và môi trường để sống với nghệ thuật và sáng tạo ra những tác phẩm để đời. Cũng nhờ đó đời sống tinh thần của người dân Thủ đô được quan tâm và chăm lo phong phú.
Với Liên hoan Sân khấu Thủ đô sau 06 lần tổ chức đã dần định hình thành thương hiệu của Thủ đô Hà Nội. Liên hoan không chỉ là sàn diễn thi tài của các nghệ sỹ, mà còn là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của Trung ương, lực lượng vũ trang trên địa bàn Hà Nội và một số địa phương trong cả nước giới thiệu đến người dân Thủ đô những thành tựu nghệ thuật biểu diễn sân khấu của mình. Liên hoan cũng chính là món quà mà Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cùng Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam dành tặng cho khán giả Thủ đô.
|
Ông Phạm Xuân Tài phát biểu phát biểu chào mừng liên hoan. |
Diễn ra từ ngày 1 - 9/11 với sự tham gia của 12 nhà hát, đơn vị nghệ thuật, với 12 vở diễn sân khấu. Liên hoan năm nay có sự mở rộng, quy tụ các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp ở Trung ương, Hà Nội, lực lượng vũ trang và các địa phương lân cận.
Theo Ban Tổ chức, mỗi tác phẩm có thời lượng từ 90 phút đến không quá 150 phút. Riêng với nghệ thuật xiếc và múa rối, Ban Tổ chức sẽ xem xét cụ thể thời lượng của từng tác phẩm. Các tác phẩm phải đáp ứng tiêu chí chưa từng tham dự các Cuộc thi, Liên hoan nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức.
|
Cảnh trong vở kịch "Khoảng trống". |
Các tác phẩm dự liên hoan phải có chủ đề, tư tưởng, nội dung rõ ràng; phản ánh sinh động mọi mặt đời sống xã hội, đất nước, con người Việt Nam. Ban Tổ chức khuyến khích tác phẩm có nội dung gắn với địa danh, lịch sử, văn hóa, con người Hà Nội; đề cao cái đẹp, các giá trị nhân văn; lên án cái xấu, cái ác, sự thấp hèn, có tác động tích cực đến đời sống xã hội, thể hiện rõ các chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ… Bên cạnh đó, tác phẩm cũng cần thể hiện sự hấp dẫn, mang tính dự báo; có bố cục, kết cấu chặt chẽ với nhiều tìm tòi sáng tạo mới lạ, hiệu quả trong phương pháp nghệ thuật, hình thức thể hiện; giữ được những đặc trưng cơ bản của loại hình nghệ thuật.
Ngay sau lễ khai mạc, các đại biểu cùng khán giả Thủ đô được thưởng thức vở kịch “Khoảng trống” của Nhà hát Kịch Hà Nội. Nội dung vở kịch kể câu chuyện về cuộc tình tay ba đầy giông bão, oan nghiệt của những con người thuộc tầng lớp tri thức. Để giữ thanh danh và sự bình yên cho bản thân và gia đình nên họ vẫn nén lòng để chấp nhận nhau, tôn trọng nhau, chấp nhận thứ hạnh phúc chơi vơi, tính toán và giả dối... Thông điệp của vở diễn mang lại là, trong tình yêu, ngoài những cảm xúc yêu thương lãng mạn, những trách nhiệm, nghĩa vụ ràng buộc thì con người ta còn có những thứ khác lớn hơn để song hành cùng nhau - đó chính là sự kính trọng, sự biết ơn, sự tử tế.../.