10h ngày 23/3, cuộc thi “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng” trên mạng xã hội VCNET bắt đầu tuần thi thứ nhất. Ngay khi cuộc thi bắt đầu, đông đảo cán bộ, đảng viên nhiều cơ quan, đoàn thể và đặc biệt là những người làm công tác tuyên giáo đã hưởng ứng nhiệt tình. Cuộc thi đã tạo nên một diễn đàn bổ ích, lan tỏa đến đông đảo các tầng lớp nhân dân trong cả nước, trong đó có hai thành phố là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Là một trong hai thành phố lớn của cả nước, ngay trong tuần thi đầu tiên, TP Hồ Chí Minh đã có mặt trong “Top 10” tỉnh, thành phố có số người tham gia dự thi đông nhất tuần thi thứ Nhất. Có được kết quả đó là do Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã có công văn chỉ đạo Ban Tuyên giáo quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở; Đảng ủy cơ sở trực thuộc Thành ủy; Ban Tuyên giáo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP và các tổ chức chính trị - xã hội TP; Sở Thông tin và Truyền thông; các cơ quan báo chí. Công văn phổ biến đầy đủ mục đích, ý nghĩa, kế hoạch tổ chức và thể lệ của Cuộc thi để cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân nắm rõ; tạo điều kiện để các địa phương, cơ quan, đơn vị tham gia cuộc thi; coi đây là một trong những việc làm thiết thực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị các cấp vững mạnh.
Đáng chú ý, để cuộc thi tạo sức lan tỏa, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị Ban Tuyên giáo các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở; đảng ủy cơ sở trực thuộc Thành ủy; Ban Tuyên giáo Ủy ban MTTQ Việt Nam TP và các tổ chức chính trị - xã hội TP tham mưu với cấp ủy, người đứng đầu đơn vị tổ chức triển khai cuộc thi với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị. Tuyên truyền, vận động rộng rãi các đối tượng là cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên và nhân dân tích cực tham gia cuộc thi.
Đặc biệt, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị các đơn vị tuyên truyền, vận động 100% cán bộ Tuyên giáo toàn TP tích cực tham gia Cuộc thi. Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình tham gia Cuộc thi của địa phương, cơ quan, đơn vị; thực hiện báo cáo kết quả tổ chức (cách thức tổ chức, hình thức tuyên truyền, số lượng đơn vị tham gia, thí sinh đạt giải…) về cho Ban Tuyên giáo Thành ủy sau khi Cuộc thi kết thúc.
Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông TP chỉ đạo các cơ quan báo chí TP tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về Cuộc thi; kịp thời đưa tin, bài phản ánh về Cuộc thi. Các cơ quan báo chí TP có chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền sâu rộng về 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng; kịp thời đưa tin, bài phản ánh về Cuộc thi; cập nhật câu hỏi và thông tin kết quả Cuộc thi hằng tuần…
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Tô Đại Phong cho biết, Ban Tuyên giáo Thành ủy sẽ xem xét đề xuất khen thưởng cho các địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai tốt Cuộc thi và có người dự thi đạt giải của Ban Tổ chức cuộc thi Trung ương và các cơ quan báo chí có nhiều tin, bài phản ánh về Cuộc thi.
Tương tự TP Hồ Chí Minh, tại Hà Nội, sau khi cuộc thi diễn ra một ngày, ngày 24/3, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội ban hành Công văn số 2400-CV/BTGTU, đề nghị Ban Tuyên giáo quận, huyện, thị ủy, Đảng ủy trực thuộc, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội TP, các sở Văn hóa và Thể thao, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp văn hóa nghệ thuật Hà Nội, Hội Nhà báo Hà Nội, các cơ quan báo, đài và bản tin TP tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng”.
Đồng chí Phạm Thanh Học, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội thông tin, để Cuộc thi tạo sự lan tỏa, thiết thực kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 - 01/8/2020), Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị chỉ đạo, tổ chức triển khai Cuộc thi, vận động cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, học sinh, sinh viên và nhân dân tích cực tham gia; mở chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng; giới thiệu, quảng bá về Cuộc thi; kịp thời đưa tin, bài phản ánh về Cuộc thi; cập nhật câu hỏi thi và thông tin kết quả Cuộc thi hằng tuần; tuyên truyền lễ tổng kết Cuộc thi.
Đồng chí Nguyễn Thị Lan, Trưởng phòng Báo chí, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, là một cán bộ Tuyên giáo, chị và các đồng nghiệp trong Ban cũng nhiệt tình hưởng ứng. Theo chị, với hình thức thi trực tuyến, đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia vào mọi lúc, mọi nơi, không bó buộc trong không gian, thời gian cụ thể. Về nội dung trắc nghiệm cũng khá phong phú, như: Kiến thức, hiểu biết về sự nghiệp của các lãnh tụ cách mạng; những thành tựu, kinh nghiệm của ngành tuyên giáo; các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư… về công tác Tuyên giáo.
|
Biểu đồ thống kê độ tuổi tham gia Cuộc thi tuần 1. |
Cùng với hai thành phố lớn nhất cả nước, rất nhiều các địa phương, cơ quan, đơn vị bằng nhiều hình thức khác nhau cũng đang triển khai Cuộc thi và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Chính các hoạt động của các địa phương, đơn vị hứa hẹn một cuộc thi sẽ được tổ chức thành công, lan tỏa nhằm thiết thực hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng.
Theo đánh giá của Ban tổ chức Cuộc thi, tuy mới là tuần thứ hai nhưng Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của mọi tầng lớp nhân dân. Trong quá trình tổ chức, Ban Tổ chức Cuộc thi cũng nhận được sự phản hồi tích cực từ những tập thể, cá nhân quan tâm đến cuộc thi thông qua các kênh thông tin như điện thoại, trang thông tin điện tử hoặc trực tiếp gặp gỡ để phản ánh những vướng mắc trong quá trình tổ chức, tham gia cuộc thi, đề nghị hướng dẫn, gợi ý về các nội dung như nguồn tài liệu tham khảo cũng như thông tin về kết quả cuộc thi.
Có thể nói, những kết quả ngay bước đầu của Cuộc thi tiếp tục góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng hơn đến mọi tầng lớp nhân dân, khơi dậy niềm tự hào 90 năm lịch sử vinh quang của Đảng ta, 90 năm Ngày tuyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng, cũng như những đổi thay của quê hương, đất nước. Từ đó, thôi thúc mỗi cá nhân tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc./.
Trước đó, Ban Tuyên giáo Trung ương đã phát động cuộc thi tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo trên mạng VCNET (http//:vcnet.vn).
Cuộc thi kéo dài 16 tuần, bắt đầu từ ngày 23-3 đến 13-7-2020. Tổng giải thưởng mỗi tuần trị giá 23,5 triệu đồng, gồm 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 5 giải Ba và 8 giải Khuyến khích. Thời gian thi mỗi tuần được tính từ 10h thứ hai hằng tuần và kết thúc vào 9h thứ hai tuần kế tiếp.
Đối tượng dự thi là mọi công dân Việt Nam trong và ngoài nước có tài khoản mạng xã hội VCNET (trừ các thành viên trong Ban Tổ chức, Ban Nội dung, Ban Thư ký Cuộc thi), có độ tuổi dự thi từ đủ 14 tuổi trở lên. Mỗi người có thể dự thi nhiều lần trong mỗi tuần thi, tuy nhiên chỉ được công nhận 1 kết quả đúng nhất và có thời gian trả lời sớm nhất trong số các lần dự thi.
Mỗi tuần thi, Ban Tổ chức sẽ ban hành một bộ câu hỏi thi gồm 10 câu theo hình thức trắc nghiệm. Mỗi câu hỏi thi có 4 đáp án để người dự thi lựa chọn, trong đó có ít nhất một đáp án đúng (có thể có từ một đến bốn đáp án đúng)
|