Thứ hai, 19/01/2015 21:34 (GMT+7)
Tối 19/1, tại khu di tích và tượng đài chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút, xã Kim Sơn, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang long trọng tổ chức lễ mít tinh kỷ niệm 230 năm chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút (20/1/1785- 20/1/2015).
Các đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; Trần Thế Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang cùng lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh Tiền Giang đã đến dự.
Tại buổi mít tinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Khang đã ôn lại truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm hào hùng của cha ông, khẳng định thiên tài quân sự Nguyễn Huệ với lối đánh mưu trí, sáng tạo đã làm dầy thêm những chiến tích lẫy lừng trong sự nghiệp dựng và giữ nước, tinh thần bất khuất trước các thế lực thù địch, quyết tâm bảo vệ bờ cõi cũng như sự toàn vẹn, thống nhất đất nước.
Chiến thắng Rạch Gầm- Xoài Mút cách đây 230 năm mãi mãi là thiên anh hùng ca, là dấu mốc sáng chói trong sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước oai hùng của quân dân Nam bộ. Tinh thần và khí thế chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút được quân dân Nam bộ nói chung, quân dân Tiền Giang nói riêng phát huy trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ đưa đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc ngày 30/4/1975. Tinh thần và ý chí đó tiếp tục hun đúc để Tiền Giang tiếp tục giành thêm những thắng lợi mới trong công cuộc xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đổi mới và hội nhập, cùng cả nước đi lên công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
Giữa năm 1784, lấy lý do Nguyễn Ánh cầu viện để chống lại nghĩa quân Tây Sơn nhưng thực ra là có ý đồ thôn tính vùng đất Nam bộ, quân Xiêm chia làm 2 đạo: thủy bộ tấn công xâm lược nước ta. Đạo quân thủy gồm 2 vạn quân và 300 chiến thuyền theo đường biển vào Rạch Giá rồi theo hệ sông Cửu Long âm mưu tiến chiếm thành Gia Định. Quân Xiêm đi đến đâu là đốt phá, cướp của, giết người, gây nhiều tội ác, nhân dân hết sức ta thán, căm phẩn. Khi đến địa phận tỉnh Định Tường xưa (nay là tỉnh Tiền Giang), quân Xiêm đã bị nghĩa quân Tây Sơn do người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ chỉ huy chặn đánh cho tan tác. Địa điểm quyết chiến trên đoạn sông Tiền dài khoảng 7 km từ vàm Rạch Gầm đến vàm rạch Xoài Mút nằm sát bên Thành phố Mỹ Tho.
Với mưu trí, tính sáng tạo trong chỉ huy của thiên tài quân sự Nguyễn Huệ và lòng quả cảm, can trường của nghĩa quân Tây Sơn quyết tâm chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, đêm 19/1/1785 rạng sáng ngày 20/1/1785, nghĩa quân Tây Sơn đã đánh tan tác 300 chiến thuyền và 2 vạn quân Xiêm xâm lược. Chủ tướng Xiêm là Chiêu Tăng và Chiêu Sương may mắn thoát chết, bỏ thuyền cùng tàn quân trốn chạy về nước theo đường bộ. Sử cũ còn ghi: “Sau trận này, quân Xiêm sợ quân Tây Sơn như sợ cọp”.
Trong dịp kỷ niệm 230 năm chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút, Tiền Giang cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhân dân địa phương, tổ chức Hội chợ đưa hàng Việt về nông thôn tại khu di tích chiến thắng Rạch Gầm – Xoài Mút trên địa bàn xã Kim Sơn (Châu Thành) – nơi chiến trường ác liệt năm xưa. Qua đó, vừa đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần của nhân dân miệt vườn sông nước nơi đây vừa giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thấn bất khuất chống giặc ngoại xâm, tình yêu quê hương và lòng căm thù giặc trong các thế hệ con cháu hôm nay./.