Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Phủ ủy Tam Kỳ

Thứ bảy, 19/08/2023 23:00
(ĐCSVN) - 90 năm - một dấu son lịch sử vẻ vang, nơi ngọn lửa cách mạng đầu tiên ở vùng đất phía Nam tỉnh Quảng Nam được nhóm lên để thành lập Phủ ủy Tam Kỳ vào tháng 8/1933. Để rồi 90 năm đi qua, mảnh đất này dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên những thắng lợi vẻ vang trên quê hương Quảng Nam trung dũng, kiên cường…

Nhiều đồng chí lãnh đạo và đội ngũ cán bộ, người dân tham dự buổi Lễ. 

Tối 19/8, Huyện ủy, HĐND, UBND, Uỷ ban MTTQ Việt Nam huyện Núi Thành (tỉnh Quảng Nam) long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Phủ ủy Tam Kỳ (15/8/1933 - 15/8/2023) và 40 năm Ngày thành lập huyện Núi Thành (3/12/1983 - 3/12/2023).

Tới dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội; Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam. 

Tham dự buổi Lễ còn có các đồng chí lãnh đạo Tỉnh uỷ, HĐND - UBND - UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam; các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo và nguyên lãnh đạo các địa phương Núi Thành, Tam Kỳ; các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân. 

Trình bày diễn văn ôn lại quá trình Phủ uỷ Tam Kỳ ra đời và sự phát triển của vùng đất địa phương, đồng chí Nguyễn Tri Ấn, Bí thư Huyện ủy Núi Thành cho biết: Cách đây tròn 90 năm, ngày 15/8/1933, tại làng Định Phước, xã Tam Nghĩa, Núi Thành ngày nay, Phủ ủy Tam Kỳ được thành lập. Đây là sự kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân Tam Kỳ (gồm huyện Núi Thành, Phú Ninh và TP. Tam Kỳ ngày nay), đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân huyện nhà.

Đồng chí Nguyễn Tri Ấn cho biết, Cách mạng tháng Tám 1945 phủ Tam Kỳ được đổi thành huyện Tam Kỳ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tam Kỳ là một huyện có vị trí chiến lược quan trọng, là địa bàn rộng lớn. Vì vậy, để thuận lợi cho việc lãnh đạo, chỉ đạo, tháng 4/1963, Tỉnh ủy quyết định chia huyện Tam Kỳ thành ba đơn vị: Bắc Tam Kỳ, Nam Tam Kỳ và thị xã Tam Kỳ.

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, tháng 10/1975 huyện Tam Kỳ được thành lập trên cơ sở sáp nhập 3 huyện trên. Đến tháng 12/1983, theo Quyết định số 144 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), huyện Tam Kỳ được chia tách thành hai đơn vị hành chính: huyện Núi Thành và thị xã Tam Kỳ.

 Đồng chí Nguyễn Tri Ấn,  Bí thư Huyện ủy Núi Thành trình bày
diễn văn ôn lại quá trình Phủ uỷ Tam Kỳ ra đời và sự phát triển của vùng đất địa phương.

“90 năm - một dấu son lịch sử vẻ vang, nơi ngọn lửa cách mạng đầu tiên ở vùng đất phía Nam tỉnh Quảng Nam được nhóm lên để thành lập Phủ ủy vào tháng 8/1933. Để rồi 90 năm đi qua trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng như trong xây dựng hòa bình, mảnh đất này dưới sự lãnh đạo của Đảng đã làm nên những thắng lợi vẻ vang trên quê hương Quảng Nam trung dũng, kiên cường…” - đồng chí Bí thư huyện uỷ Núi Thành nhấn mạnh và cho biết thêm: Từ những vùng đất khó khăn, kém phát triển, Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành không ngừng lớn mạnh, sản xuất tăng trưởng vượt bậc, kết cấu hạ tầng đầu tư khá đồng bộ, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh thực hiện. Bộ mặt quê hương ngày càng khang trang, hiện đại. Đời sống của nhân dân ngày càng ấm no. Riêng đối với Núi Thành - từ một huyện rất nghèo, đất đai bạc màu, sản xuất lạc hậu, năng suất kém, cơ sở hạ tầng xã hội hầu như chưa có gì, nhân dân đa số nghèo, đói, các thế hệ tiền nhiệm cùng với toàn dân đã bắt tay xây dựng quê hương trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Bằng sự nỗ lực không ngừng, tinh thần trách nhiệm và nguồn nhiệt huyết to lớn, phát huy truyền thống quê hương, Núi Thành đã từng bước phát triển, đi lên, tạo tiền đề quan trọng cho những năm sau này.

Đồng chí Nguyễn Tri Ấn nhấn mạnh thêm: Bước ngoặt cho sự phát triển kinh tế xã hội của huyện bắt đầu khi Khu kinh tế mở Chu Lai ra đời, tháng 6/2003. Từ những năm đầu tái lập tỉnh, với khát vọng, trăn trở đưa tỉnh Quảng Nam từ một tỉnh nghèo, cơ sở hạ tầng lạc hậu, bứt phá phát triển kinh tế; bằng sự nghiên cứu cẩn trọng, khoa học, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề xuất và được Bộ Chính trị, Chính phủ thống nhất thành lập Khu kinh tế mở Chu Lai.

Với sự ra đời của Khu kinh tế mở Chu Lai, cùng với đó là sự hình thành các khu công nghiệp, thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là Nhà máy sản xuất và lắp ráp Ô tô Chu Lai - Trường Hải, Núi Thành có sự chuyển mình ngoạn mục. Đến nay, trên địa bàn huyện có trên 1.000 doanh nghiệp, với hơn 28.000 lao động; trong đó có 5 khu công nghiệp và 2 cụm công nghiệp đang hoạt động có 120 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 16.000 lao động. Núi Thành đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành vùng kinh tế động lực, vùng công nghiệp trọng điểm của tỉnh Quảng Nam. 

"Phấn khởi trước những thành tựu to lớn đã đạt được, Đảng bộ chính quyền và nhân dân huyện Núi Thành càng nhận thức sâu sắc trách nhiệm, nêu cao ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, ra sức phát huy lợi thế, tiềm năng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức. Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành của chính quyền; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; củng cố vững chắc hệ thống chính trị để cùng hiện thực hóa khát vọng phát triển quê hương Núi Thành" - Bí thư Huyện ủy Núi Thành Nguyễn Tri Ấn khẳng định. 

Đồng chí Phan Việt Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam phát biểu tại buổi Lễ.

Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Phan Việt Cường, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam đã ghi nhận, biểu dương và chúc mừng những thành tựu to lớn mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Núi Thành đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong suốt chặng đường qua.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường yêu cầu: Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện cần tiếp tục xác định phát triển công nghiệp, dịch vụ - du lịch, kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu để đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Khai thác hiệu quả lợi thế của một địa phương có sân bay, cảng biển, hệ thống giao thông tương đối đồng bộ, với bờ biển dài, nhiều địa danh nổi tiếng. Tích cực huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển, gắn với kiểm soát chặt chẽ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Khai thác không gian biển, đảo để phát triển du lịch, dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng chất lượng cao. Tích cực thúc đẩy phát triển các dịch vụ tài chính, logictis… gắn với hoạt động của Khu Kinh tế mở Chu Lai.

Kết nối với định hướng phát triển của Khu công nghiệp chế biến nông - lâm nghiệp của THACO để tổ chức lại sản xuất, hình thành các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hữu cơ, an toàn, công nghệ cao. Tập trung mọi nguồn lực kết nối Đông - Tây, xem đây là chìa khóa cho phát triển toàn diện của huyện.

Tập trung hoàn thiện quy hoạch phát triển đô thị Núi Thành theo hướng hiện đại, gắn với phát triển Khu Kinh tế mở Chu Lai, vùng Đông Nam tỉnh Quảng Nam. Tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất hạ tầng khung, các khu/cụm công nghiệp, hạ tầng giao thông, cảng biển đảm bảo đồng bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển.

Các tiết mục nghệ thuật tại buổi Lễ. 

Chú trọng nhiệm vụ phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân. Thực hiện tốt hơn nữa các chính sách an sinh xã hội; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực để thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát cho gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo. Nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững, chăm lo các đối tượng chính sách, người có công cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng yếu thế. Đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo của các cơ quan chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính và chuyển đổi số.

Xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Chủ động phòng ngừa, đấu tranh phòng chống các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác cán bộ, bảo đảm tính kế thừa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, từng bước thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và nền kinh tế số./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực