Thứ tư, 25/03/2015 10:45 (GMT+7)
Cầu Rạch Chiếc – một trong ba cây cầu quan trọng nằm trên Quốc lộ 1 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Đại úy Đồng Văn Tuyển – cựu chiến binh từng tham gia phục vụ chiến đấu trên cầu Rạch Chiếc ngày nào hiện ở xã Bạch Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định đã kể về những trận đánh trên cây cầu huyền thoại năm nào.
|
Cầu Rạch Chiếc xưa. Ảnh: ST/baohaiquan.vn |
Sinh năm 1955 ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định, ông Đồng Văn Tuyển đăng ký nhập ngũ khi vừa tròn 17 tuổi. Sau 3 tháng tham gia huấn luyện ở Tiểu đoàn 19, tỉnh Nam Hà, ông được điều vào chiến trường miền Nam, tham gia chiến đấu ở nhiều địa điểm, chiến dịch lớn trong suốt 3 năm liền. Đến năm 1975, ông được bổ sung vào Tiểu đoàn 81 và được giao nhiệm vụ tham gia phục vụ chiến đấu cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Ông Tuyển nhớ lại: Sau khi nhận nhiệm vụ được phân công, tôi cùng các đồng đội đều rất quyết tâm khi tham gia chiến dịch. Nhận thức đây là trận đánh quan trọng, có ý nghĩa lớn nên chúng tôi cũng có chút lo lắng. Khi đó đơn vị được giao nhiệm vụ vận tải, chủ yếu là vũ khí, đạn dược, thuốc, xăng dầu và lương thực thực phẩm phục vụ chiến dịch. Công việc hàng ngày rất khó khăn và nhiều nguy hiểm. Đến tháng 4/1975, tôi cùng nhiều đồng đội được điều đến tham gia tải đạn, phục vụ chiến đấu trên cầu Rạch Chiếc, nằm trên xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa. Chỉ dài hơn một trăm mét nhưng cầu Rạch Chiếc được địch coi là vị trí trọng yếu, là cửa ngõ trọng điểm,. Vì vậy mà tại đây từ tháng 3/1975, nhằm ngăn chặn bước tiến của quân ta, quân địch đã tăng cường thêm lực lượng rất hùng mạnh, đồng thời bố trí lực lượng dày đặc với hệ thống hàng chục lô cốt quanh cầu, hàng trăm lính được trang bị vũ khí hiện đại, sẵn sàng tử thủ hoặc đánh sập cầu để ngăn bước tiến của quân ta.
Đã trải qua những ngày tháng 4 lịch sử gần 40 năm nhưng đến nay ông vẫn không thể nào quên được những ngày tháng ác liệt cùng đồng đội tham gia trận đánh trên cầu Rạch Chiếc. Khi mới về nhận nhiệm vụ phục vụ chiến đấu trên cầu Rạch Chiếc ông cùng đồng đội rất lo lắng vì mọi người chưa quen địa hình, trong khi đó quân địch đánh phá rất ác liệt. Chính điều đó đòi hỏi ông cùng đồng đội phải có sự nhanh trí trong xử lý tình huống cũng như sự dũng cảm khi thực hiện nhiệm vụ. Trước khí thế quyết tâm lớn của cả đơn vị, ông cùng đồng đội đã luôn tự động viên nhau cùng cố gắng hết mình cho trận đánh, thực hiện đúng phương châm “thần tốc và bất ngờ”.
Sáng 28/4, cuộc chiến đấu ở cầu Rạch Chiếc diễn ra dữ dội hơn khi quân tiếp viện của địch từ Sài Gòn tăng cường với hỏa lực rất mạnh. Thế trận giằng co ác liệt suốt một ngày giữa một bên là quân ta và một bên là quân địch với máy bay, xe tăng yểm trợ. Tuy nhiên trước sự phản công của quân ta, quân địch đã phải rút lui. Các chiến sỹ của ta đã nhanh chóng làm chủ được cây cầu cùng vũ khí, đạn dược của địch. Đến rạng sáng 30/4 đơn vị của ông cùng với các cụm biệt động của Lữ đoàn đặc công 316 chiếm được 2 đầu cầu.
Vào sáng 30/4 quân địch bị thất bại thảm hại ở các chiến trường, chạy về Sài Gòn đến đầu cầu Rạch Chiếc bị các lực lượng của ta kiên cường đánh trả, địch phải vứt bỏ vũ khí tìm đường tháo chạy. Khi nhìn thấy đoàn xe tăng của quân ta xuất hiện trên cầu Rạch Chiếc, những chiến sỹ chiến đấu trên cầu vỡ òa niềm vui chiến thắng. Ông Tuyển xúc động: Giây phút đó đã in sâu vào tâm trí của tôi cùng với bao đồng đội. Sau những ngày chiến đấu ác liệt, nhiều đồng đội của chúng tôi đã nằm xuống nhưng sự hi sinh của họ đã không uổng phí.
Trận đánh cầu Rạch Chiếc đã đi vào lịch sử, là trận đánh quyết liệt cuối cùng trong chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 40 năm đã qua kể từ chiến thắng lịch sử đó nhưng mỗi lần nhớ lại về trận đánh trên cầu Rạch Chiếc năm nào ông Đồng Văn Tuyển vẫn không kìm được nước mắt. Những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt in hằn dấu vết thời gian của người cựu chiến binh dành cho đồng đội - những người đã mãi mãi nằm lại để vun trồng cho màu xanh hòa bình./.