|
Mê tín dị đoan vẫn đang là một vấn nạn đang hoành hành trên mạng gây nhức nhối trong xã hội. |
Mê tín hay mê tín dị đoan thường được dùng để chỉ niềm tin, sự say mê, tin tưởng mãnh liệt vào một điều gì đó vô hình, siêu thực, trái với khoa học…. Xuất phát từ phạm trù tôn giáo, khác với mê tín dị đoan, tín ngưỡng cùng với những giá trị tâm linh tốt đẹp đến từ phong tục tập quán truyền thống xa xưa, nó đã trở thành chỗ dựa tinh thần, niềm an ủi vững chãi đối với nhiều người dân, hướng họ đến một lối sống thiện, sống đẹp.
Trong niềm tin tín ngưỡng có chính tín và mê tín. Mỗi người khi hiểu rõ lợi ích của niềm tin đưa tới kết quả tốt đẹp, điều thiện, niềm vui an lạc, trong Phật giáo gọi đó là chính tín. Ngược lại, tin theo điều mù quáng, chưa được kiểm chứng, hậu quả là ảnh hưởng sức khỏe, kinh tế, tài chính, mất đoàn kết, trái ngược văn hóa truyền thống…, trong giáo lý Phật giáo gọi là niềm tin mù quáng hay mê tín dị đoan.
Con người cần có niềm tin, nếu không sẽ dẫn đến sự vô định. Tuy nhiên, niềm tin phải đặt trên nền tảng chính tín. Niềm tin tốt lành cần cổ súy. Ngược lại, nếu cứ chạy theo và thực hành theo những niềm tin mù quáng, vốn dĩ không phải là truyền thống của một dân tộc hay của một cộng đồng tôn giáo thì rất nguy hại cho xã hội và chính bản thân. Chính vì vậy mê tín dị đoan cũng chính là một vấn nạn làm mất đi những giá trị tinh thần tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, tạo nên những vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Lợi dụng vấn đề này, từ nhiều năm nay nhiều đối tượng đã truyền bá và gieo rắc mê tín dị đoan nhằm trục lợi. Trong quá khứ, dân tình đã từng bày tỏ sự lo ngại trước thông tin về một tổ chức có tên gọi là “Hội Thánh Đức Chúa Trời” – một hội nhóm tôn giáo xuất phát từ Hàn Quốc được du nhập vào Việt Nam vào khoảng năm 2001, với những hành vi lôi kéo bất chấp pháp luật và những hệ quả nghiêm trọng đến từ những tư tưởng sai lệch.
Bỏ cha mẹ, bỏ chồng con, đập bát hương, đổ bàn thờ, “cống” toàn bộ tài sản cho tổ chức,… đó là những hành vi của đa số những tín đồ trực thuộc tổ chức tôn giáo này. Nhiều gia đình đã phải chịu cảnh “tan cửa nát nhà” vì “những đứa con mê muội của Chúa”, họ ngu muội đến mất hết lý trí, tin vào những thuyết giáo trái với luân thường đạo lý, coi nhẹ những giá trị truyền thống đã có từ hàng trăm năm.
Hơn thế nữa, những tín đồ khi tham gia sinh hoạt hội nhóm được cho rằng đã rơi vào trạng thái mất tự chủ, không kiểm soát được hành vi là do sự ảnh hưởng của một thứ “nước thánh” có màu đỏ “thần kỳ”. Một số người may mắn thoát khỏi sự “thao túng” của tổ chức cũng kể lại rằng, khi họ muốn vùng khỏi sự trói buộc thì hội nhóm sẽ ra sức níu kéo, nếu không thành còn bị dọa nạt đến mức phải chuyển nhà, đổi cả phương thức liên lạc…
Gần đây hơn, trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành, nhiều người dân do lo lắng cho tình trạng sức khỏe của bản thân và gia đình mà đã cả tin, bị lợi dụng, lôi kéo vào những hình thức chữa bệnh tâm linh bằng bói toán, bùa ngải, cúng bái hay thậm chí sẵn sàng chi hàng đống tiền cho một thứ “thuốc tiên” vô lý – trứng gà, những chuỗi vòng hạt sở hữu những sức mạnh “đáng nể” xua đuổi tà ma, bệnh tật…
Nhắc đến mê tín dị đoan thì không thể bỏ qua một hiện tượng vô cùng nổi tiếng gần đây trên mạng xã hội nền tảng TikTok. Không rõ cụ thể từ lúc nào mà cụm từ “đúng nhận, sai cãi” đã dần phủ kín các trang mạng, trở thành câu cửa miệng, “hot trend” của đa số thế hệ Z. Những video bổ cau đoán mệnh tràn lan với nhân vật chính là cô đồng Trương Hương, thu hút hàng triệu lượt xem trên TikTok. Vận dụng thuần thục kĩ thuật “nói nước đôi”, áp dụng thành thạo thủ thuật tâm lý sơ đẳng “đọc nguội”, “cô” đã thành công “thao túng” được một bộ phận những người cả tin, yếu lòng.
Không chỉ có hiên tượng cô đồng Trương Hương mà hiện nay trên không gian mạng chỉ cần gõ từ khóa “xem bói online”, sẽ có rất nhiều kết quả; vô số cá nhân tự xưng là Thầy, Cô, Cậu… nhận xem bói về tình duyên, làm ăn, công danh, học hành… Thậm chí, các đối tượng còn lập các hội, nhóm lôi kéo nhiều thành viên, đa phần các đối tượng ban đầu sẽ xem bói miễn phí để thao túng tâm lý của những người cả tin, sau đó trục lợi, yêu cầu họ lập đàn, cúng bái, giải hạn... Sự lan tỏa vô cùng nhanh chóng của hiện tượng trên, ta cũng nhận ra mặt trái của đời sống hiện đại với sự phát triển vượt bậc của công nghệ kỹ thuật số đã tạo điều kiện cho cái xấu xâm chiếm, len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống thường nhật, gây ảnh hưởng trực tiếp mỗi người đặc biệt là những “mầm non mới nhú” còn chưa hình thành đầy đủ nhận thức.
Trước tình trạng mê tín dị đoan lan tràn đặc biệt trên không gian mạng, các cơ quan Nhà nước đã nhanh chóng vào cuộc và ngăn chặn kịp thời và thành công nhiều hoạt động, hành vi cổ xúy mê tín dị đoan, lợi dụng tín ngưỡng buôn thần, bán thánh, phát ngôn nhảm nhỉ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thuần phong mỹ tục…
Liên quan đến những hành vi bói toán, mê tín dị đoan trên không gian mạng, thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook ngăn chặn, gỡ bỏ những video, clip có nội dung vi phạm. Bộ cũng đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng có nhiều biện pháp đồng bộ, quyết liệt để chấn chỉnh, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá mê tín dị đoan, kinh doanh tâm linh.
Cụ thể, Bộ đã chủ động đàm phán với những nền tảng mạng có số lượng người dùng lớn tại Việt Nam như Facebook, YouTube và các kho ứng dụng như Apple Store, Google Play. Khi quét phát hiện nội dung vi phạm pháp luật, nội dung xấu độc, nhảm nhí, sai trái, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử yêu cầu gỡ, ngăn chặn. Đồng thời, tham mưu Chính phủ ban hành một số Nghị định để bổ sung các quy định quản lý chặt chẽ hơn, chế tài răn đe mạnh hơn…..
Tuy nhiên, để vấn nạn này thực sự bị đẩy lùi, Nhà nước và các cơ quan chức năng cần phải sát sao hơn trong việc kiểm duyệt, sàng lọc thông tin, ngăn chặn tối đa những kiến thức “độc hại” tiếp cận xã hội. Bởi dù đã được lọc, giới hạn trên các nền tảng mạng xã hội nhưng không biết bằng cách nào các “thầy”, các “cậu”, các “cô”… vẫn ngang nhiên xuất hiện trên các mạng điện tử với những nickname là những từ khóa rất dễ tìm như: xem bói tướng số…, xem tử vi…, bói bài Tarot…, xem chỉ tay… Thậm chí những phần mềm này còn tự động nhảy vào Facebook của nhiều người để mời chào, chiêu dụ… Nếu không có bản lĩnh cũng như nhận thức đúng nhiều người, nhất là giới trẻ sẽ rơi vào bẫy ma trận bói toán trên mạng với những chiêu bài hết sức tinh vi mà mục tiêu cuối cùng thường là phải làm lễ, giải hạn… tốn tiền, tốn của mà vô ích. Chính vì thế sự quan tâm của gia đình cũng góp phần không nhỏ trong việc ngăn chặn tình trạng này. Bố mẹ cần phải tham gia nhiều hơn vào sự trưởng thành của con trẻ, kịp thời nhận ra và chặn đứng “âm mưu” của những kẻ tâm cơ đang chờ chực lôi kéo, “đầu độc” con trẻ bằng các hành vi trái với luân thường đạo lý... Trên tất cả, mê tín dị đoan cốt lõi xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, thiếu nhận thức của một số bộ phận người dân, vì vậy, việc tăng cường giáo dục và tuyên truyền về vấn đề này cũng cần được đẩy mạnh và lan tỏa rộng khắp đến mọi người trong xã hội.
Để làm lành mạnh hóa đời sống văn hóa tâm linh, đời sống tinh thần của xã hội là điều rất quan trọng và cần phải có giải pháp đồng bộ. Bên cạnh đó cũng rất cần nâng cao nhận thức của các tín đồ, đội ngũ tu sĩ của các tôn giáo phải nhìn nhận đúng đắn để hướng dẫn người dân theo chính đạo, đúng quy định pháp luật…./.