|
PGS,TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phát biểu khai mạc Hội thảo. |
Ngày 16/12, tại TP Hồ Chí Minh, Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ phối hợp với Quỹ Phát triển Sử học Việt Nam, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và họ Trương Thanh Hóa tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Họ Trương trong lịch sử Nam Bộ”.
Phát biểu Đề dẫn Hội thảo, PGS,TS Nguyễn Minh Tường, Viện Sử Học cho biết: Sách “Đại Nam thực lục chép: vào tháng 2 năm Mậu Dần (1698) “Nguyễn Hữu Cảnh kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay), mỗi dinh đều đặt chức Lưu thủ, Cai Bạ, Ký lục và các Cơ đội thuyền thủy, bộ tinh binh, và thuộc bộ Binh. Mở rộng đất nước được nghìn dặm, được hơn 4 vạn hộ, bèn chia mộ những dân xiêu tán từ Bố Chính trở về Nam, cho đến ở cho đông…”.
“Nhưng để góp công sức và trí tuệ khai phá, mở rộng, rồi phát triển vùng đất Nam Bộ của Tổ quốc ngày nay, đâu chỉ có người dân “Bố Chính, Quảng Binh trở về Nam” mà còn cả của người dân Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ” – PGS,TS Nguyễn Minh Tường nhấn mạnh.
|
Chủ trì Hội thảo. |
Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ (1914-1977), từng viết hai câu thơ tuyệt bút, mà không một người Việt Nam nào không thuộc “Từ độ mang gươm đi mở cõi/Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”. Từ Thăng Long- Hà Nội thuở trước, qua Phú Xuân-Huế, đến Sài Gòn -TP Hồ Chí Minh hôm nay là cả một chặng đường dài để ghi lại những đánh giá về quá trình Nam tiến, mở cõi, làm giàu vùng đất trời Nam, góp phần hưng thịnh Tổ quốc Việt Nam. Đó là một chặng đường dài, để lại những bài học vô cùng quý báu về sự kế thừa và phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước và ý chí nghị lực kiên cường, sát đá của dân tộc…
Cũng như mọi vùng của Tổ quốc Việt Nam, như Bắc Bộ, Trung Bộ, vùng đất Nam Bộ, không phải hình thành và phát triển từ cư dân bản địa mà là nơi hội tụ biết bao bậc anh kiệt, anh thư hữu danh và vô danh của các dòng họ Việt Nam mọi nơi khác đến.
Trong số các dòng họ Việt Nam có công mở mang, phát triển và bảo vệ vùng đất Nam Bộ, có dòng họ Trương, một dòng họ nổi tiếng đã cư trú lâu đời tại nơi đây.
Ban Tổ chức nhận được 63 tham luận của các tác giả đến từ các Viện nghiên cứu, các trường đại học, các Hội Sử học ở cá địa phương… Các tham luận gửi đến Ban Tổ chức tập trung làm rõ về những công lao, đóng góp to lớn của 5 danh nhân họ Trương: Trương Tấn Bửu (1752-1827) – Vị Phó Tống trấn Gia Định thành; Trương Minh Giảng (?-1841) – Vị tướng triều Nguyễn góp phần đánh bại quân Xiêm xâm lược, bảo vệ vùng đất Nam Bộ; Trương Đăng Quế (1793-1865) – Vị danh thần tài đức song toàn, có công lớn trong sự nghiệp duyệt tuyển, lập địa bà vùng đất Nam Kỳ Lục tỉnh; Trương Định (1820-1860) – Vị Bình Tây Đại Nguyên soái, danh tướng ở tuyến đầu chống thực dân Pháp trên vùng đất Nam Bộ; Trương Vĩnh Ký (1837-1898) – Nhà bác học, nhà văn, nhà khảo cứu tài ba, người có công đầu trong việc sưu tầm, phiên âm các tác phẩm về đề tài Nam Bộ.
|
Các đại biểu chia sẻ về những đóng góp của những danh nhân lịch sử họ Trương. |
Hội thảo nhằm kỷ niệm 325 năm hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ, đây là dịp để các đại biểu trao đổi, thảo luận đi đến thống nhất và đánh giá về những đóng góp to lớn của 5 danh nhân lịch sử họ Trương.
Các đại biểu đã tập trung thảo luận làm rõ hơn vai trò, đóng góp của 5 danh nhân lịch sử họ Trương trong công cuộc ổn định đời sống nhân dân, phát triển kinh tế trên vùng đất Nam Bộ, vào cuối thế kỷ XVIII-thế kỷ XIX. Tiếp tục khẳng định vai trò của các danh tướng Trương Minh Giảng, Trương Định trong sự nghiệp chống giặc ngoại xâm trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam; Làm rõ hơn vai trò của Trương Đăng Quế, Trương Vĩnh Ký trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị những di sản, văn hóa dân tộc đối với nhân dân trong nước và thế giới.
Các đại biểu cũng trao đổi, kiến nghị các cấp chính quyền cần có thêm những hành động cụ thể nhằm tôn vinh với 5 danh nhân họ Trương như: Tu bổ nhà thờ, dựng tượng đài kỷ niệm, xuất bản các tác phẩm… qua đó giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” trong thế hệ trẻ hôm nay và mai sau./.