Lan tỏa những giá trị lịch sử vô giá từ di vật của các liệt sĩ

* Tiếp tục nhân rộng "Tủ sách Đặng Thùy Trâm"
Thứ hai, 20/11/2023 20:38
(ĐCSVN) – Đại diện diện thân nhân các gia đình liệt sĩ tâm sự trong nước mắt, sau bao năm người thân hi sinh, lại được cộng đồng xã hội biết đến, thông qua các di vật đã được để trên bàn thờ. Cũng từ nay, các di vật sẽ được lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cùng Trung tâm Tư liệu và Không gian Văn hóa “Trái tim người lính”.
Ban tổ chức ký Thỏa thuận ghi nhớ Chương trình “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”. 

Ngày 20/11, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Tổ chức “Trái tim người lính; Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20”; Hội đồng họ Đặng Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt chương trình “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”, tiếp nhận kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh”; Giới thiệu và trao tặng sách Á hậu “Lọ lem”.

Ra mắt Chương trình “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”

Tiến tới kỷ niệm 50 năm ngày hòa bình và thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025), nhằm góp phần “Tiếp lửa truyền thống Mãi mãi tuổi 20”, tiếp tục lan tỏa những năng lượng tích cực, những điều tốt đẹp cho thế hệ trẻ và cộng đồng xã hội đồng thời, hưởng ứng các hoạt động nhân ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam thường niên; Hội đồng Họ Đặng Việt Nam đã phối hợp với Tổ chức “Trái tim người lính”; Tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam; Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam; Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” cùng thực hiện Chương trình “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”, trao tặng sách cho các Trường học và Bệnh viện trên toàn quốc trong 3 năm (2023 – 2025). 

Đây cũng là hoạt động chào mừng thành công của Đại hội Hội đồng Họ Đặng TP. Hà Nội lần thứ Nhất (nhiệm kỳ 2023 – 2028). Một thỏa thuận ghi nhớ về việc thực hiện Chương trình nêu trên,  được đại diện của 5 cơ quan đơn vị ký kết công khai, với sự chứng kiến của đại diện thân nhân gia đình Anh hùng liệt sĩ Đặng Thùy Trâm.

Theo Đại tá, Nhà văn Đặng Vương Hưng, Chủ tịch Tổ chức “Trái tim người lính”, người khởi xướng chương trình ý nghĩa này, điểm khác biệt của “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” so với nhiều Tủ sách khác là: Sách sẽ được bổ sung hàng năm và “Tủ sách” sẽ được chăm sóc thường xuyên, với nhiều hoạt động phong phú như: Giao lưu giữa các tác giả, các nhân vật và bạn đọc. Trao thưởng cho “Bạn đọc thông minh và sáng tạo”… Mặc dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, nhưng trong 3 tháng qua, đã có tới 6 “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” được trao tặng cho các địa chỉ cụ thể như sau: Trường THCS Kinh Bắc (TP. Bắc Ninh); Trường THCS thị trấn Bố Hạ (huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang); Trường THCS thị trấn Đồng Mỏ (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn); Trường Nuôi trẻ mồ côi Thiên Thần - TP. Thủ Đức; Trường THPT Lý Thường Kiệt - TP. HCM và Trường THCS Đức Long (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình). Hiện nay, có thêm 02 “Tủ sách Đặng Thùy Trâm” đã chuẩn bị xong, sắp được trao tại huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi – nơi người nữ liệt sĩ đã hi sinh hơn 50 năm trước. Đó là Trường THCS xã Phổ Cường và Trường THCS Nguyễn Nghiêm, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi...

Chương trình phấn đấu trong 3 năm (2023 – 2025) sẽ có ít nhất 15 “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”, mỗi Tủ sách trị giá từ 100 triệu đến 150 triệu đồng, bằng nguồn kinh phí xã hội hóa; được trao tặng cho các trường học, hoặc bệnh viện, ở nhiều vùng, miền trên cả nước trước sự chứng kiến của báo giới và đại diện chính quyền địa phương.

Đối với các trường học, bệnh viện đã có sẵn Thư viện, Tủ sách đang hoạt động, nếu có nhu cầu bổ sung sách và đề nghị (bằng văn bản) gửi cho Chương trình qua số điện thoại - Zalo: 0368 653 748; hoặc qua facebook: Chương trình “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”, Ban tổ chức sẽ xem xét và gửi sách tặng miễn phí qua đường bưu điện. Số lượng sách tặng, sẽ tùy thuộc điều kiện cụ thể từng thời gian. Các nhà văn, tác giả, các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm… nếu có sách, hoặc thiết bị thư viện, muốn trao tặng để lan tỏa, có thể thông qua Chương trình “Tủ sách Đặng Thùy Trâm”, Ban tổ chức sẽ trợ giúp và tạo điều kiện hết mức, trong điều kiện cho phép.

Tiếp nhận di vật của 4 gia đình liệt sĩ trao tặng

Gia đình cụ Trần Thị Thức, hiện trú tại thôn Táo 1, xã Tam Thuấn, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội trao tặng thư, nhật ký và di ảnh của liệt sĩ Nguyễn Văn Lộc tới đại diện Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. 

Trong khuôn khổ của sự kiện, hưởng ứng cuộc vận động viết và sựu tầm kỷ vật “Tình yêu qua chiến tranh” do Tổ chức Trái tim người lính” phối hợp với Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” và Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức (2020 – 2025) cùng với sự nỗ lực sưu tầm của cán bộ Bảo tàng và sự vận động của chị Lê Thy Bình có 4 gia đình, thân nhân liệt sĩ đã trao tặng thêm các di vật, cụ thể:

Gia đình ông Lê Văn Sang, trú tại xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ là thân nhân của Liệt sĩ Lê Công Tấn (1953 - 1972) trao tặng 3 lá thư, 01 giấy báo tử và 01 di ảnh liệt sĩ.

Gia đình cụ Trần Thị Thức, trú tại xã Tam Thuấn là thân nhân của Liệt sĩ Nguyễn Văn Lộc (1937 - 1973); trao tặng 08 bức thư, 02 cuốn nhật ký và di ảnh của liệt sĩ.

Ông Phan Đình Giám, đại diện thân nhân Liệt sỹ Phan Đình Kha (1949 – 1972), trú phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng trao tặng 3 lá thư và 1 cuốn nhật ký.

Ông Trần Văn Sơn, nguyên Phó Trưởng Ban cơ yếu Chính Phủ, trú tại phường Quán Thánh, Quận Ba Đình trao tặng 18 lá thư của người cha là Trần Sa (1915 -1998), lão thành cách mạng tại Quảng Nam, viết gửi con trai, từ năm 1968 - 1975.

Các đại biểu tham gia dự chứng kiến sự kiện đều xúc động, khi nghe đại diện diện thân nhân các gia đình Liệt sĩ tâm sự trong nước mắt, sau bao năm người thân hi sinh, lại được cộng đồng xã hội biết đến, thông qua các di vật đã được để trên bàn thờ. Và từ nay, các di vật ấy sẽ được lưu giữ tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cùng Trung tâm Tư liệu và Không gian Văn hóa “Trái tim người lính”.

 Cuốn sách "Á hậu Lọ Lem" lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng, cuốn sách nằm trong tủ sách Đặng Thùy Trâm.

Trong khuôn khổ sự kiện, tác giả, Á hậu Lê Thy Bình đã trao tặng 1.000 cuốn sách cho Tổ chức "Trái tim người lính", để gửi tặng các Thư viện, Tủ sách của các nhà trường và bệnh viện có nhu cầu.

Cuốn sách có tên gọi "Á hậu “Lọ Lem” " dày 268 trang, là cuốn tự truyện về một số phận độc đáo, một chân dung không giống ai, rất khác với những cô gái Hà Thành mặc áo dài thướt tha bên Hồ Gươm, đang mùa thay lá. Tác giả cũng là nhân vật tự truyện chính là một góc nhìn mới, đại diện cho hàng triệu những người phụ nữ nông thôn đã và đang lao động chăm chỉ, thầm lặng kiếm sống ở những ngõ chợ khuất lấp, hay những quán hàng nhỏ, trong con phố nhỏ Hà Nội, vừa quen vừa lạ... Đây cũng là lần đầu tiên có một nữ nhân vật "vừa bước ra từ chợ Đồng Xuân, đi tắt qua những hè phố Thủ đô, vượt qua những con ngõ nhỏ để bước thẳng vào… trang sách", với cả 2 tư cách: vừa là nhân vật chính, vừa là tác giả./.

Tin, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực