Tranh Đông Hồ khi xưa được gọi bằng cái tên nôm na, thân mật hơn, đó là tranh Tết, bởi nó được sản xuất và bán vào dịp Tết Âm lịch cho khắp nơi ở chợ quê. Vào những ngày đó, trên từng vách nứa nhà tranh đơn sơ, màu sắc của tranh tưng bừng như tiếng pháo, niềm vui và mơ ước đầu năm.
Tranh Đông Hồ có nhiều đề tài khác nhau, loại chúc tụng như Đàn gà, ước cho ai nấy đều xum xuê con cháu. Đứa bé ôm con gà Vinh hoa, ôm con vịt Phú quý. Bên cạnh đó là tranh sinh hoạt: Đánh vật, đánh đu, tiến sĩ vinh quy... Rồi tranh lịch sử như Bà Trưng, Phù Đổng thiên vương, Ngô Quyền... Tranh truyện như Kiều, Thạch Sanh…
Trong thẩm mỹ của nghệ thuật dân gian nói chung, đó là sự giản dị, chân thật, có lúc ngây ngô đến vụng về. Nhưng nó bao hàm một vẻ đẹp không thể cưỡng lại của một tâm hồn xa xưa, như thật còn phảng phất đâu đây của dân tộc, như sự nối tiếp âm thầm của một nền văn hóa lâu đời.
Kinh Bắc là cái nôi sản sinh ra những làn điệu quan họ mượt mà, những ngôi đình làng cổ kính, những làng nghề rất nổi tiếng, trong đó có làng tranh Đông Hồ. Làng tranh Đông Hồ là làng nghề nổi tiếng về tranh dân gian, thuộc xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh cách Hà Nội chừng trên 50 km. Theo chân người dân địa phương của làng nghề trong một ngày giáp Tết Bính Thân, phần nào giúp chúng ta hiểu sâu hơn về loại hình nghệ thuật này của văn hóa dân gian Việt Nam.
Khi được hỏi về nguyên liệu được sử dụng để làm ra những bức tranh thời xưa, ông Hoàng Bá Toán (52 tuổi), là người sinh ra và lớn lên tại làng nghề truyền thống thuộc xã Song Hồ cho biết: “Tranh Đông Hồ được khắc trên ván gỗ, trước hết là một bản nét, rồi tranh có bao nhiêu sắc thì thêm bấy nhiêu bản màu. Nền tranh là giấy gió, giấy được làm một cách thủ công từ vỏ cây dó và được phết một lớp điệp làm từ vỏ sò biển. Thậm chí những chiếc chổi lông dùng để phết giấy và khuôn in cũng được làm bằng lá cây vân sam dát phẳng. Các màu thường lấy từ chất liệu thiên nhiên: màu đen thì đốt lá tre rồi lấy than của nó; màu xanh lấy từ vỏ và lá tram; màu vàng lấy từ hoa hòe; màu đỏ thắm lấy từ thân, rễ cây vang, màu sơn lấy từ sỏi núi; màu trắng là điệp...Những chất màu thô này được trộn với nhau và hoà với một lượng bột nếp trước khi in để tạo một lớp hồ, làm cho giấy tranh cứng hơn sau khi phơi khô”.
Như vậy, có thể thấy để sản xuất ra một bức tranh Đông Hồ, người xưa đã phải mất rất nhiều công sức và thời gian, cũng như đòi hỏi một kĩ thuật làm thủ công điêu luyên, tỉ mỉ. Tranh được vẽ bằng cách bôi màu vào bản khắc gỗ, mỗi màu một bản sau đó ấn khuôn lên giấy. Tranh được phơi khô sau mỗi lần in ba hay năm màu. Sau khi in thành tranh, kể cả cả lúc tranh khô, người xem vẫn cảm nhận được màu sắc của tranh thật tươi tắn như lúc tranh ướt. Các hình khối, mảng nọ đặt cạnh mảng kia có sự ăn ý hài hoà một cách tự nhiên.
Tranh Đông Hồ - dòng tranh dân gian vẫn còn đó nét sắc son của văn hóa dân tộc qua hàng thập kỷ lưu truyền và gìn giữ. (Ảnh: QT)
Theo chân ông Toán vào một gia đình có truyền thống làm nghề tranh dân gian, còn được lưu truyền đến hiện tại, có thể dễ dàng nhận thấy sức sáng tạo kì lạ của dòng tranh Đông Hồ. Bà Nguyễn Thị Lam (60 tuổi) chủ gia đình chia sẻ: “Sáng tạo nghệ thuật trong tranh Đông Hồ không phải là cảm hứng trong sáng tác. Mỗi bản in thể hiện một truyền thuyết hoặc một câu chuyện ngụ ngôn mang tính triết lý, một bức thông điệp đầy màu sắc về đạo đức, luân lý và tín ngưỡng sâu sắc. Tranh in cũng thể hiện tính dí dỏm, khung cảnh ấm cúng của Tết Nguyên đán đó là: hạnh phúc, may mắn và thịnh vượng. Các con vật gần gũi với làng quê như gà trống, trâu, rồng và cá là biểu trưng cho hạnh phúc, thịnh vượng, sự chăm chỉ cần cù, thông minh”. Cầm bức tranh “Đám cưới chuột” trong tay, bà cười và nói thêm: “Đây là sự thể hiện tài tình các thói hư tật xấu của xã hội phong kiến thông qua hình tượng các con vật một cách dí dỏm và sâu sắc”.
Tuy nhiên, ngày nay theo đà phát triển của xã hội, tranh Đông Hồ đang được sản xuất theo phong cách sống hiện đại, vội vã của con người. Những năm gần đây có một số người khi in tranh đã từng dùng một số màu và hoá chất hiện đại, như thế sản phẩm có tăng nhưng chất liệu màu của tranh không tươi màu sắc nét như tranh làm truyền thống. Và chỉ trong một thời gian ngắn màu sắc bị phai nhạt. Đến với chợ tranh Đông Hồ bây giờ, người ta không còn được thấy cảnh tấp nập bán mua, cũng không còn cảnh người người, nhà nhà ưa chuộng tranh Đông Hồ như ngày xưa nữa. Các thế hệ sau cũng ít muốn học và theo nghề tranh truyền thống của cha ông vì quá vất vả mà lại ít lợi nhuận. Chính điều đó đang khiến người ta quên đi một dòng tranh dân gian nổi tiếng vùng Kinh Bắc. Nhưng dù có nhiều phương thức sản xuất khác nhau, chúng ta vẫn dễ dàng nhận thấy một sức sống mãnh liệt của dòng tranh dân gian xa xưa trong đời sống hiện tại. Nó không bị mai một hay mất đi mà vẫn còn lưu truyền nguyên bản tại các làng nghề truyền thống.
Có thể nói, chỉ một ngày ở làng tranh Đồng Hồ thuộc xứ sở Kinh Bắc, cũng đã giúp chúng ta hiểu thêm nhiều về nghệ thuật tranh dân gian Việt Nam. Tranh Ðông Hồ không áp dụng chặt chẽ về cơ thể học, các nguyên tắc về ánh sáng hay luật xa gần của tranh hiện đại. Những nghệ sĩ sáng tác tranh dân gian mang nhiều tính ước lệ trong bố cục, trong cách miêu tả về màu sắc. Tất cả đều sử dụng lối vẽ đơn tuyến bình đồ để thể hiện, do đó xem tranh dân gian ta thường bắt gặp cái thú vị ở những nét ngây ngô đơn giản nhưng hợp lý hợp tình.
Tranh Đông Hồ hay tranh Tết từ lâu đã trở thành một nét văn hóa đặc trưng mỗi dịp Tết đến xuân về của dân tộc. Những ngày giáp Tết 2016, trên khắp các nẻo phố cổ ở Thủ đô Hà Nội, hay thậm chí ở các vùng quê, người ta vẫn bày bán những bức tranh mang đậm giá trị nhân văn của một nền văn hóa lâu đời. Đó là một món ăn tinh thần, những đức tính cao đẹp, lối sống bình dị mộc mạc của người Việt xưa mà thế hệ trẻ ngày nay cần chung tay lưu truyền và gìn giữ.