Lập Bia tưởng niệm cán bộ, chiến sĩ biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Hồ Chí Minh

Thứ sáu, 19/04/2024 19:21
(ĐCSVN) – Dự kiến, Bia di tích tưởng niệm sẽ hoàn thành trước ngày 30/4/2024, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

 Phương án thiết kế Bia di tích tưởng niệm các liệt sĩ Đội 3 Biệt động Sài Gòn

Đại tá Trần Đức Thơ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Truyền thống kháng chiến, Khối Vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định cho biết, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh vừa truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Dương Anh Đức giao cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư lệnh TP chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu đề xuất trình UBND TP Hồ Chí Minh, về việc lập bia tưởng niệm các liệt sĩ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang liệt sĩ TP.

Qua khảo sát thực tế của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư lệnh TP và Thường trực Ban chủ nhiệm CLB Truyền thống kháng chiến, Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định thống nhất thực hiện việc lập bia tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP. Kinh phí xây dựng ước tính khoảng 500-600 triệu, do CLB và Bảo tàng biệt động Sài Gòn - Gia Định đảm trách. Dự kiến bia tưởng niệm sẽ hoàn thành trước ngày 30/4/2024, nhân kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây cũng là công trình nhằm chào mừng kỷ niệm 57 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, đặc biệt tiến tới chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Việc lập Bia tưởng niệm cán bộ chiến sĩ biệt động Sài Gòn trực tiếp chiến đấu và hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Hồ Chí Minh là phù hợp với nguyện vọng của gia đình thân nhân liệt sĩ. Đây cũng là mong muốn của đại đa số hội viên CLB Truyền thống kháng chiến.

Trước đó, tại cuộc họp 8/4/2024, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Dương Anh Đức đã chủ trì cuộc họp, nghe báo cáo về đề nghị lập Bia tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ biệt động Sài Gòn trực tiếp chiến đấu và hy sinh trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại Nghĩa trang liệt sĩ Thành phố. Sau khi nghe Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thành phố báo cáo đề xuất và ý kiến của các đơn vị dự họp, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức nhấn mạnh: Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có truyền thống cách mạng hào hùng, luôn quan tâm, chú trọng thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, tri ân công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã cống hiến, hy sinh quên mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; công tác giáo dục thế hệ trẻ về phẩm chất đạo đức cách mạng, truyền thống yêu nước của dân tộc Việt Nam, xem đây là nhiệm vụ thiêng liêng cao đẹp, thể hiện truyền thống nghĩa tình của Thành phố.

 Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (quận 1, TPHCM) nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tư liệu quý giá gắn với từng giai đoạn hoạt động của lực lượng Biệt động Sài Gòn

Đối với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, thành phố đã chỉ đạo triển khai xây dựng 5 công trình tưởng niệm, trong đó có 3 công trình xây dựng Bia, Đài tưởng niệm đã hoàn thành tại các địa điểm: Đài Phát thanh Sài Gòn, Tòa Đại sứ Mỹ và Dinh Độc lập, 2 công trình đang trong quá trình thực hiện là công trình tưởng niệm các liệt sĩ Cụm Biệt động 679 hy sinh tại Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn và công trình tưởng niệm các liệt sĩ Đội 3 Biệt động hy sinh tại Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn.

Ngoài ra, Thành phố đang triển khai xây dựng Khu tưởng niệm chiến dịch Mậu Thân với quy mô hơn 2 ha tại huyện Bình Chánh, nhằm trân trọng ghi nhận, tưởng niệm công lao to lớn của các anh hùng, chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Theo đồng chí Dương Anh Đức, biệt động Sài Gòn là lực lượng đặc biệt, cần có hình thức đặc biệt để ghi nhận công lao đóng góp của lực lượng này và đồng thời để giáo dục về truyền thống và tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, là một bài học mà tất cả người dân thành phố không được quên về sự hy sinh thầm lặng của các anh hùng, chiến sĩ…

Thành phố rất trân trọng đề xuất của CLB Truyền thống kháng chiến - Khối vũ trang Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định về việc xây dựng Bia tưởng niệm các cán bộ chiến sĩ Biệt động Sài Gòn trực tiếp chiến đấu và hy sinh trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Để đảm bảo tiến độ hoàn thành các công trình chào mừng kỷ niệm 57 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968, đặc biệt tiến tới chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh thành phố và các đơn vị có liên quan khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 công trình tưởng niệm các liệt sĩ Cụm Biệt động 679 hy sinh tại Bộ Tổng tham mưu Sài Gòn và tưởng niệm các liệt sĩ Đội 3 Biệt động hy sinh tại Bộ Tư lệnh Hải quân Sài Gòn.

 Biệt động Thành ra đời vào thời kỳ chống Pháp, phát triển mạnh với những chiến công vang dội vào thời chống Mỹ. Đến nay tổ chức Biệt động không còn nữa, song lịch sử oai hùng, những chiến công lừng lẫy, những chiến sĩ Biệt động "xuất quỷ nhập thần", đánh hiểm, đánh trực tiếp vào đội quân hùng mạnh bậc nhất thế giới làm chúng bao phen hoảng sợ. Không những đã được ghi vào sử sách, phim ảnh mà còn thấm sâu vào trái tim, khối óc, lương tri của nhân dân ta và thế giới. Lịch sử biệt động Sài Gòn là bản anh hùng ca luôn rộn rã những chiến công thần kỳ, mỗi trận đánh của biệt động Sài Gòn là "thiên sử" không ai có thể quên lãng.

Trong gần 50 năm kể từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước, quân đội ta từ cấp Trung ương đến TP đã làm rất nhiều việc để tôn vinh, tri ân biệt động Sài Gòn như: tổ chức hội thảo khoa học, biên soạn lịch sử; thu thập tài liệu, hiện vật để xây dựng di tích, bảo tàng... Đó là biểu tượng ngời sáng của nghĩa tình đồng đội, là truyền thống "uống nước nhớ nguồn", văn hóa nghĩa tình của dân tộc, của TP mang tên Bác Hồ vĩ đại.

 

 

Đức Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực