Lễ mở rừng của người Dao ở Lạng Sơn

Thứ sáu, 19/02/2010 15:23
Lạng Sơn là tỉnh địa đầu của Tổ quốc, có thiên nhiên tươi đẹp và hùng vĩ, cũng là nơi ghi dấu biết bao chiến công chống giặc ngoại xâm của cha ông;  là mảnh đất có nhiều dân tộc anh em, chung sống hòa thuận từ nhiều đời nay, như: Nùng, Tày, Kinh, Hoa, Dao, Mông, Sán Chay,... Mỗi dân tộc ở Lạng Sơn đều có một sắc thái riêng  trong đó, có dân tộc Dao. 

Ở Lạng Sơn, làng bản của người Dao được xây dựng trong không gian thoáng, rộng, men theo các sườn núi và thường thấp hơn nguồn nước. Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, đồng bào Dao thường sống du canh du cư trên các triền núi cao, phương thức canh tác chủ yếu là đốt nương làm rẫy, trồng ngô hoặc trồng lúa nương.  Khi nước Việt Nam DCCH ra đời, 2-9-1945, nhất là khi đất nước bước vào sự nghiệp đổi mới, đời sống của người Dao đã có những bước phát triển rõ rệt, phần lớn bà con đã chuyển sang định canh định cư, làm ruộng nước và chăm sóc bảo vệ rừng, trồng cây ăn quả, cây đặc sản. Tuy thế, trong đời sống của người Dao ở Lạng Sơn, nhiều nét bản sắc của văn hóa truyền thống vẫn được duy trì và phát triển, đặc biệt là hệ thống các nghi lễ, như thờ cúng tổ tiên, lễ Chẩu đàng, lễ phùn voòng... Trong đó nổi lên có lễ Mở rừng.

Từ cuộc sống du canh du cư, xưa kia khi chuyển đến bất cứ nơi nào có điều kiện thuận lợi để sinh sống, đồng bào người Dao lại tổ chức một buổi lễ gọi là khoi kìm hay goi kìm, tiếng Việt có nghĩa là "mở rừng". Lễ Mở rừng là dịp để con cháu người Dao báo cáo với tổ tiên và thần linh về sự có mặt của mình tại nơi đang cư trú. Ðây cũng là dịp để đồng bào tạ lễ, cảm ơn tổ tiên và thần linh đã phù hộ trong những năm vừa qua, sau đó là cầu mong thần linh phù hộ cho một mùa sản xuất, đồng thời cầu mong gia đình luôn mạnh khỏe, bình an, ấm no và hạnh phúc, và cứ ba hoặc năm năm lại tổ chức lễ Mở rừng một lần. Nghi lễ này được tổ chức theo đơn vị làng bản hoặc theo dòng họ. Có thể dòng họ lớn nhất (đông dân nhất) đứng ra tổ chức và các dòng họ khác góp thêm để cùng làm, hay có thể nhiều làng cùng đóng góp và tổ chức chung tại một nhà nào đó.

Với Lễ Mở rừng của người Dao ở Công Sơn, bà con di cư đến Công Sơn cách nay khoảng một thế kỷ và sống định canh định cư từ đó. Lễ Mở rừng được tổ chức tại nhà ông Triệu Sáng Toòng, thôn Nhọt Nặm, có sự tham gia của các hộ gia đình ở năm bản thuộc xã Công Sơn. Sau khi hoàn thành các nghi lễ quan trọng của lễ Mở rừng, đồng bào tổ chức một bữa cơm rượu cho tất cả mọi người, mọi gia đình tham dự lễ cùng liên hoan. Ðồ ăn, thức uống sử dụng trong bữa ăn này do các gia đình mang đến góp chung. Ðây là dịp để mọi người hỏi thăm sức khỏe, trao đổi kinh nghiệm trong lao động sản xuất, giáo dục con cái... Công Sơn là một xã vùng cao hẻo lánh, còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng, về điều kiện phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào ở đây lại rất phong phú. Hiện nay, những phong tục tập quán của người Dao ở Công Sơn vẫn được bảo lưu một cách khá nguyên vẹn. Qua lễ Mở rừng, đồng bào thêm tin tưởng, lạc quan vào một tương lai tốt đẹp và chuyên tâm với công việc làm ăn hơn. Ðây cũng là nghi lễ nông nghiệp truyền thống mang tính tập thể, tính cộng đồng và tăng cường khả năng cố kết cộng đồng. Văn hóa ẩm thực trong ngày lễ cũng rất được coi trọng, các món ăn trong dịp này thể hiện sự cầu kỳ trong chế biến và đa dạng của các món ăn, khác hẳn với những bữa ăn hằng ngày.

Cho đến nay, lễ Mở rừng vẫn phát huy giá trị trong đời sống tinh thần của đồng bào người Dao. Nhiệm vụ đặt ra là cần có những giải pháp tích cực để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa trong đời sống đồng bào các dân tộc nói chung và nghi lễ Mở rừng của đồng bào người Dao nói riêng, nhằm góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng, tránh rơi vào tình trạng mai một, đánh mất bản sắc dân tộc trong quá trình phát triển ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Vì thế, trước hết cần có sự quan tâm của Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất cũng như quan tâm phát triển đời sống tinh thần của đồng bào Dao, của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung. 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực