Long An: Đa dạng các phong trào thi đua toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa

Thứ ba, 10/10/2023 09:42
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thời gian qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh Long An triển khai rộng khắp, gắn với nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trên địa bàn tỉnh.
 Diện mạo nông thôn mới ở Long An ngày càng khởi sắc.

Phong trào được đông đảo quần chúng tích cực hưởng ứng tham gia, tạo ra hiệu quả chính trị - xã hội rộng lớn, góp phần nâng cao đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của người dân, nhất là tạo chuyển biến bộ mặt nông thôn qua việc đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng khang trang (điện, đường, trường, trạm,…), tạo nền tảng vững chắc để xây dựng nông thôn mới. Phong trào làm chuyển biến nhận thức, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc như: Tinh thần tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm, giúp nhau phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, giảm nghèo; xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố hệ thống chính trị ở địa phương vững mạnh.

Việc phúc tra, kiểm tra công nhận các danh hiệu văn hóa được thực hiện nghiêm túc, thực chất, từng bước chấn chỉnh tình trạng chạy theo thành tích, nhất là việc phúc tra đề nghị công nhận xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị ngày càng đi vào thực chất.

Các ban ngành, đoàn thể tỉnh tiếp tục có những đóng góp thiết thực qua các phong trào cụ thể như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh với cuộc vận động “ Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; Hội Nông dân có phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi” và “Xây dựng gia đình nông dân văn hóa”; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với phong trào “5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ tổ quốc”, phong trào “4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; Liên đoàn Lao động với phong trào xây dựng “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”; Hội Cựu chiến binh với phong trào “Cựu chiến binh gương mẫu”; Hội Liên hiệp Phụ nữ với phong trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, phong trào “Phụ nữ 2 giỏi” gắn với phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Hội Chữ Thập đỏ với phong trào “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; Hội Khuyến học với phong trào “Khuyến học, khuyến tài” gắn với mô hình “Cộng đồng học tập”, “Xã hội học tập”, “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”; Công an với phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”, các mô hình: “Camera an ninh trật tự”; “Cổng an ninh trật tự”; “Ánh sáng đèn đường”; Bộ Chỉ huy Quân sự với phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”…

Việc tuyên truyền văn hóa, các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước cho người dân vùng biên giới được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú.

Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tổ chức hội quần chúng ở cơ sở tổ chức tập huấn, quán triệt, hướng dẫn triển khai các văn bản của Trung ương, tỉnh và của địa phương ban hành có liên quan đến thực hiện Cuộc vận động Nhân dân đoàn kết phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao cuộc sống, khuyến khích làm giàu chính đảng, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền cho đoàn viên, hội viên và nhân dân thông qua các cuộc họp dân, sinh hoạt Ban Công tác Mặt trận, các Chi, tổ Hội và qua các phương tiện thông tin đại chúng được 8.264 cuộc với 384.176 lượt người tham dự. Với phương châm lấy sức dân để chăm lo cho đời sống nhân dân.

Việc huy động người dân đóng góp xây dựng thôn mới thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và không có tình trạng huy động quá sức dân, nên được nhân dân đồng thuận đóng góp với số tiền trên 245 tỷ đồng, hiến 184.765 m2 đất, góp trên 4.430 ngày công lao động và được đầu tư vào lĩnh vực: Giao thông, thuỷ lợi, môi trường (nước sạch, rác thải...), cơ sở vật chất văn hoá. Từ cuộc vận động, cảnh quan ở khu dân cư được thay đổi, vệ sinh môi trường được cải thiện, đường liên xóm, liên ấp, liên xã đã được cứng hóa…

Các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị và quần chúng nhân dân. Thực hiện nghiêm chỉnh quy chế nơi cơ quan, đơn vị, nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt Đảng và nhất là việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tích cực trong đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn quan liêu, tham nhũng, lãng phí… gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chị thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XII) đã tác động lớn đến tư tưởng, nhận thức của mọi người trong xây dựng đạo đức, lối sống, phù hợp với việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư…

Phong trào xây dựng “Ấp, khu phố văn hóa”; “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị” đạt hiệu quả cao. Toàn tỉnh có 995/996 ấp, khu phố đạt chuẩn mô hình ấp, khu phố văn hóa (đạt 99,89%). Hầu hết các ấp, khu phố văn hóa đều có Ban Vận động, xây dựng quy ước, quy chế hoạt động gắn với việc triển khai thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; có trạm thông tin, cổng chào và trên 94% ấp, khu phố có Nhà Văn hóa - là nơi sinh hoạt văn hóa, thể thao, hội họp của nguời dân.

 Chất lượng giáo dục, đào tạo được nâng cao.

Tuy nhiên, theo đánh giá từ tỉnh Long An, những thành tựu và tiến bộ đạt được trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng với tiềm năng, chưa đủ mạnh để tác động có hiệu quả đối với các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tỉnh Long An xác định thời gian tới, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo các cấp gắn với Ban Chỉ đạo Chương trình đầu tư xây dựng và phát triển nông thôn mới đề ra kế hoạch công tác cụ thể, có phân công nhiệm vụ đối với các thành viên, duy trì hội họp, kịp thời chỉ đạo hướng dẫn và thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền vận động nhân dân tham gia thực hiện phong trào; chú ý tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình từ cơ sở (phát huy vai trò của các đoàn thể như: Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh...).

Tập trung giữ vững và nâng cao chất lượng phong trào, nhất là phong trào xây dựng gia đình văn hóa; ấp, khu phố văn hóa; xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh; xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, theo đó, Ban Chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở đề ra kế hoạch cụ thể triển khai công tác kiểm tra, phúc tra công nhận các danh hiệu, chấm điểm thi đua phong trào theo định kỳ…/.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực