Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, người lao động

Chủ nhật, 26/11/2023 11:15
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bên cạnh việc chăm lo để có việc làm ổn định, cải thiện mức thu nhập thì nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, người lao động cũng là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của các cấp công đoàn.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hơn 60% công nhân ở các khu công nghiệp không xem ti vi, nghe đài; 85% không đọc sách, báo; 80% không tập thể dục, thể thao thường xuyên; 65% không tham gia vào các hoạt động văn nghệ quần chúng… 

"Giờ thứ 9" - sân chơi bổ ích cho công nhân viên chức lao động.

Báo cáo của Liên đoàn lao động TP Hà Nội cũng cho thấy, trên địa bàn thành phố có 3 khu công nghiệp là Thạch Thất - Quốc Oai, Thăng Long, Phú Nghĩa có dự án nhà ở nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 20% nhu cầu của công nhân lao động. Do vậy, phần đông công nhân lao động đang phải thuê nhà trọ tại các khu dân cư để sinh sống với diện tích chật hẹp, các công trình phúc lợi công cộng như nhà văn hóa, khu thể thao, vui chơi giải trí, trường học cho con em công nhân hầu như chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu.

Anh Nguyễn Văn Lộc, làm việc cho một công ty đóng trên địa bàn huyện Đông Anh cho hay, bản thân anh cũng như đồng nghiệp dành phần lớn thời gian trong ngày để làm việc, tăng ca kiếm thêm thu nhập, trang trải cuộc sống. "Đi làm về mà không mệt thì lướt điện thoại giải trí, trò chuyện cùng người thân, bạn bè rồi đi ngủ lấy sức làm việc chứ thực sự không có thời gian thể dục thể thao", anh Lộc nói.

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội thông tin, Hà Nội có 10 khu công nghiệp thì đến 9 khu công nghiệp đang hoạt động với tỉ lệ lấp đầy là 95%. Khoảng 166 nghìn công nhân lao động đang làm việc tại đây nhưng điểm sinh hoạt văn hóa dành cho công nhân còn rất ít ỏi, chỉ có 7 điểm. Dù vậy, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay, các điểm sinh hoạt văn hóa nằm trong khu công nghiệp này đều được duy trì, là địa chỉ quen thuộc để nhiều lao động tìm đến, giải tỏa căng thẳng sau giờ làm việc.

Cùng nhận định đời sống tinh thần của người lao động tại các khu công nghiệp còn khá nghèo nàn, phần đông chưa có điều kiện để tham gia sinh hoạt văn hóa, thể thao, ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó Trưởng ban Tuyên giáo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, thời gian qua, Tổng Liên đoàn đã chỉ đạo mạnh mẽ, triển khai nhiều mô hình, cách làm tới các cấp công đoàn để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, người lao động.

Công nhân Hưng Yên tham gia tập thể dục giữa giờ. 

"Trong tổng số 18 triệu công nhân lao động cả nước thì công nhân khu công nghiệp có khoảng 6 triệu, cung cấp trên 50% sản phẩm tiêu dùng cũng như xuất khẩu. Điều này cho thấy, đóng góp của họ cho sự phát triển của đất nước, của địa phương là rất lớn. Cùng với sự chăm lo về vật chất, nhiệm kỳ 2018-2023, các thiết chế văn hóa cơ sở được phát huy tối đa, xuất hiện nhiều mô hình, sân chơi lành mạnh, phục vụ người lao động như: các Ngày hội công nhân, "Hát cho công nhân nghe - Nghe công nhân hát", cuộc thi video clip "Thể dục giữa giờ", chương trình "Giờ thứ 9", tổ chức các cuộc thi  kết hợp với tuyên truyền chính sách, pháp luật bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến... thu hút hàng chục nghìn công nhân, người lao động tham gia. 

Đáng chú ý, để góp phần nâng cao văn hóa đọc cho công nhân, viên chức, lao động đồng thời phản ánh hiện thực đời sống, việc làm, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân và hoạt động công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức thành công cuộc thi sáng tác văn học về đề tài công nhân – công đoàn giai đoạn 2021 – 2023 với gần 500 tiểu thuyết và truyện ngắn của 312 tác giả, có nhiều tác phẩm có chất lượng, được dư luận đánh giá cao. Giải Vô địch bóng đá công nhân toàn quốc năm 2023 lần đầu tiên được tổ chức nhận được sự quan tâm, ủng hộ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, thu hút sự tham gia tích cực của các cấp công đoàn, công nhân, lao động, tạo sân chơi lành mạnh, góp phần nâng cao sức khỏe, tăng cường sự đoàn kết trong công nhân, lao động. 

Để nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, người lao động, thời gian tới, Tổng Liên đoàn tiếp tục đầu tư xây dựng thiết chế công đoàn, tạo nhiều sân chơi mới để thu hút công nhân, người lao động", ông Tiêm cho hay.

 Chương trình văn nghệ tổ chức tại Khu nhà ở công nhân lao động xã Kim Chung, huyện Đông Anh thu hút đông đảo người quan tâm.

Triển khai khá hiệu quả 61 điểm sinh hoạt văn hóa công nhân tại công ty trên toàn thành phố (tính đến cuối tháng 10/2023), Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Khánh cho hay, đây là mô hình Liên đoàn lao động thành phố tập trung đầu tư trên cơ sở hợp tác của chủ doanh nghiệp. Tại đây, tùy theo diện tích, có thể bố trí tủ sách hay vị trí đặt bàn bóng bàn, cờ vua, cờ tướng hay đơn giản là những chiếc ghế nghỉ để người lao động nghỉ ngơi chợp mắt đôi chút. Có công ty còn trang bị thêm hệ thống ti vi, loa, amply để tổ chức công đoàn dễ dàng phát bản tin, người lao động hát karaoke, tổ chức sinh nhật... "Việc chăm lo đời sống tinh thần cho người lao động theo cách này sẽ giúp họ thêm gắn bó với doanh nghiệp, tái tạo sức lao động, tăng cường khả năng sáng tạo, góp thêm sức cho sự phát triển của các doanh nghiệp", ông Khánh khẳng định./.

Anh Sơn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực