Nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ tư, 27/03/2024 19:35
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Tọa đàm khoa học “Giải pháp nâng tầm lễ hội Quán Thế Âm - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” nhằm góp phần chia sẻ, trao đổi, tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý về những giải pháp nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn. Trên cơ sở đó, có định hướng tốt hơn trong công tác tổ chức lễ hội, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản này trong những năm tiếp theo.
Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Tạ Tự Bình phát biểu tại Toạ đàm

Trong khuôn khổ Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng năm 2024 (diễn ra từ 26 - 29/3/2024), chiều 27/3, tại Khu Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) đã diễn ra Toạ đàm khoa học với chủ đề: “Giải pháp nâng tầm lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia”.

Toạ đàm do  Sở Văn hoá, Thể thao TP Đà Nẵng, UBND quận Ngũ Hành Sơn phối hợp tổ chức. Tham dự Toạ đàm có PGS.TS Bùi Chí Hoàng - Uỷ viên Hội đồng Di Sản văn hoá quốc gia; đại diện lãnh đạo UBND và các sở, ban, ngành TP Đà Nẵng; lãnh đạo quận Ngũ Hành Sơn; các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, nhà khoa học; đông đảo các thượng toạ, tăng ni, phật tử tại Đà Nẵng và một số địa phương trong cả nước…

Trình bày Đề dẫn Toạ đàm, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TP Đà Nẵng Hà Vỹ cho biết: Tọa đàm khoa học “Giải pháp nâng tầm lễ hội Quán Thế Âm - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia” nhằm góp phần chia sẻ, trao đổi, tiếp thu các ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý về những giải pháp nâng tầm Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn. Trên cơ sở đó, có định hướng tốt hơn trong công tác tổ chức lễ hội, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản này trong những năm tiếp theo. 

Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TP Đà Nẵng Hà Vỹ trình bày Đề dẫn Toạ đàm

Đánh giá kết quả đạt được và những hạn chế về công tác tổ chức lễ hội trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TP Đà Nẵng Hà Vỹ khẳng định: Công tác quản lý và tổ chức lễ hội đã được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà chùa và chính quyền địa phương và sự hưởng ứng mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân, gắn kết phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa nên lễ hội đã đi vào nề nếp, đúng quy định của Nhà nước. Trong đó, chịu trách nhiệm tổ chức về nghi lễ là các chức sắc tôn giáo Phật giáo; đồng thời phát huy được vai trò chủ thể, năng lực sáng tạo trong tổ chức của nhân dân.

Cùng với đó, nhiều hoạt động đặc sắc được tổ chức, thu hút sự tham gia đông đảo du khách, đặc biệt là các nghi lễ theo nghi thức Phật giáo được thực hiện trang trọng đã để lại dấu ấn tốt đẹp đối với đồng bào Phật tử, du khách. Ban Tổ chức lễ hội đã đầu tư, nghiên cứu và tổ chức thường xuyên nhiều hoạt động; phần hội phong phú đa dạng, sáng tạo, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp đồng bộ giữa quận Ngũ Hành Sơn và các ngành chức năng của TP. Các hoạt động của lễ hội đã góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân trên địa bàn TP và công chúng. Đồng thời quảng bá được hình ảnh du lịch của TP Đà Nẵng và quần thể Danh thắng quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn đến với du khách trong nước và quốc tế…

Tuy nhiên, bên cạnh các nội dung đạt được, lễ hội vẫn đặt ra cho chủ thể và các cơ quan quản lý những vấn đề nội dung hoạt động để phát huy hơn nữa giá trị của lễ hội trong thời gian tới như: Tạo sự lan toả hơn nữa giá trị vốn có của lễ hội cũng như giá trị văn hoá tự nhiên Danh thắng Ngũ Hành Sơn trong đời sống văn hoá địa phương và tạo sự liên kết với các địa phương khác trong khu vực; đa dạng hơn nữa các hoat động lễ hội trong điều kiện gắn kết các ý nghĩa sâu sắc, các giá trị vốn có của lễ hội; mở rộng không gian lễ hội gắn với thực hiện Quy hoạch Bảo tồn tôn tạo và phục hồi Danh thắng Ngũ Hành Sơn...

Các đại biểu đại diện các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu trao đổi tại Toạ đàm.

Tại Toạ đàm, trên cơ sở những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế mà đề dẫn đã nêu, các đại biểu là lãnh đạo quản lý các cơ quan, đơn vị có liên quan của TP Đà Nẵng và quận Ngũ Hành Sơn, các nhà nghiên cứu, nhà khoa học đã có nhiều ý kiến tham luận.

 
Phát biểu tại Toạ đàm, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn Tạ Tự Bình cho rằng, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn là một trong những lễ hội lớn diễn ra hằng năm tại TP Đà Nẵng, gắn liền với quần thể Khu Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đây là lễ hội mang đậm màu sắc Phật giáo, vừa có sự kết hợp hài hòa, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Năm 2021, Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong những năm qua, Lễ hội Quán Thế Âm đã được đánh giá là một trong những lễ hội tôn giáo được tổ chức quy mô, trang trọng và được nhiều tăng, ni, phật tử, du khách, nhân dân trong và ngoài nước về dự, để lại dấu ấn tốt đẹp. Lễ hội đáp ứng nhu cầu tâm linh tín ngưỡng, hướng con người đến điều thiện, nuôi dưỡng ý thức gắn kết cộng đồng, tình yêu với quê hương, đất nước và giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”…

Riêng năm 2024 này, đây là năm thứ hai lễ hội được nâng quy tổ chức lên cấp thành phố. Vì thế, các vấn đề được các đại biểu nêu ra tại Toạ đàm lần này đã góp phần định hướng tốt hơn về công tác tổ chức lễ hội hằng năm, với mục tiêu phát triển Lễ hội trở thành kênh thông tin quan trọng, tạo cầu nối để quảng bá hình ảnh du lịch TP Đà Nẵng đến với bạn bè trong nước và quốc tế; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản này trong thời gian tới./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực