|
Chị H’Yam BKrông- người góp phần giữ gìn nghề truyền thống của dân tộc. Ảnh: baodaklak.vn |
Trước thực trạng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của các dân tộc Tây Nguyên đang dần mai một, chị H’Yam BKrông, người dân tộc Êđê, ở xã Ea Kao, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk tìm mọi cách bảo tồn và phát huy nét văn hóa truyền thống này.
Xã Ea Kao – quê hương chị H’Yam là một xã vùng ven của thành phố Buôn Ma Thuột với gần 50% dân số là người dân tộc thiểu số. Kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên đời sống của bà con nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Là người làm công tác Hội phụ nữ lâu năm, chị H’Yam thấu hiểu hơn ai hết nỗi vất vả của người phụ nữ, nhất là những chị em dân tộc thiểu số. Chị luôn trăn trở phải làm sao tìm được một nghề nào đó giúp chị em làm lúc nông nhàn để tăng thêm thu nhập cho gia đình. Cũng từ lâu, chị H’Yam nung nấu ý định khôi phục nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình - một nghề đang dần bị mai một. Đó cũng chính là động lực khiến chị quyết tâm đứng ra thành lập Hợp tác xã Dệt thổ cẩm với mong muốn khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Tây Nguyên và lớn hơn là tạo việc làm, tăng thu nhập cho phụ nữ ngay trong xã.
Được sự ủng hộ của chính quyền xã, năm 2003 Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông do chị H’Yam làm chủ nhiệm ra đời với 10 xã viên. Do chị em còn nhiều khó khăn về kinh tế nên chị tự bỏ ra hơn 280 triệu đồng để làm vốn duy trì hoạt động của Hợp tác xã. Chị H’Yam cũng đã không quản ngại vất vả vào Nam, ra Bắc, tham gia nhiều hội chợ, triển lãm để tìm đầu ra cho sản phẩm. Chị tâm sự, khi mới thành lập, Hợp tác xã gặp khó khăn đủ bề do thiếu vốn, thiếu nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ..., mỗi xã viên phải tự nỗ lực tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm bằng cách mang hàng đi bán lẻ, hoặc ký gửi nhờ các cửa hàng lưu niệm trên phố bán giúp. Khó khăn là vậy nhưng không ai bỏ nghề.
Là người yêu thổ cẩm, lại làm chủ nhiệm Hợp tác xã nên chị H’Yam luôn tự nhủ phải làm mọi cách để chị em không ai xa rời khung cửi. Để đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu khách hàng, chị đã dày công tìm hiểu, nghiên cứu và sáng tạo ra mẫu mã, hoa văn mới; học thêm kỹ thuật thêu để đa dạng hóa sản phẩm thổ cẩm. Ngoài những sản phẩm truyền thống là váy, áo, khăn, Hợp tác xã còn dệt túi xách, ví, hộp đựng đồ trang sức… Vì thế, những sản phẩm chị em trong Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông làm ra đã dần dần được thị trường đón nhận.
“Thương hiệu” thổ cẩm Tơng Bông đang ngày một bay xa. Sản phẩm của Hợp tác xã sản xuất ra không chỉ được tiêu thụ ở trong tỉnh mà còn được nhiều khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội…đặt mua. Không những thế, sản phẩm còn được chọn trưng bày ở nhiều Hội chợ, triển lãm lớn trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, Hợp tác xã cũng ngày càng phát triển. Từ 10 thành viên ban đầu, đến nay Hợp tác xã đã có 42 xã viên, đều là người dân tộc thiểu số, trong đó có 12 chị thuộc diện hộ nghèo và trên 60 lao động làm theo mùa. Ngoài dệt thổ cẩm, Hợp tác xã còn làm thêm hàng thủ công mỹ nghệ và trồng 10ha cây ca cao để tăng thu nhập. Thu nhập bình quân của mỗi thành viên Hợp tác xã đạt 1,7 đến 2 triệu đồng/tháng, giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn trang trải nuôi sống gia đình hàng ngày và tích lũy cho con cái học hành. Nỗ lực của chị H’Yam không những giúp nghề dệt truyền thống được bảo tồn, phát huy mang lại thu nhập, mà còn giúp đời sống của chị em trong xã dần thay đổi.
Tích cực truyền nghề cho thế hệ trẻ, chị H’Yam phối hợp với Trường Cao đẳng Nghề Thanh niên dân tộc Tây Nguyên, Trung tâm khuyến công, Hội phụ nữ mở lớp đào tạo nghề miễn phí cho phụ nữ. Đã có vài trăm học viên được đào tạo thành nghề. Có những em mới chỉ mười bảy, mười tám như H’Ngói Niê, H’Phương Niê…nhưng đường kim mũi chỉ chẳng khác gì một nghệ nhân. Chị tâm sự: “Vất vả mấy mình cũng không sợ, chỉ sợ chị em không kiên nhẫn mà bỏ nghề thôi!”
Không chỉ dệt thổ cẩm, chị H’Yam BKrông còn khuyến khích chị em tham gia các hoạt động của Chi hội phụ nữ buôn Tơng Bông và Ea Bông, đặc biệt là duy trì mô hình kết nghĩa giữa chi hội người Kinh và chi hội đồng bào dân tộc thiểu số, tăng cường sự giao lưu học hỏi, gắn tình đoàn kết giữa phụ nữ các dân tộc.
Nói về hướng đi sắp tới của Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông, chị H’Yam tâm sự, bảo tồn và phát triển nghề truyền thống không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa các dân tộc. Vì vậy, dệt thổ cẩm cần có sự hỗ trợ đầu tư nhiều hơn nữa. Có như vậy thổ cẩm cũng như những sản phẩm của các làng nghề truyền thống mới được gìn giữ, phát triển, từ đó góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên./.