“Gia tài” mà bác Phạm Tuệ gây dựng sau 10 năm nghỉ hưu chính là hơn 1.500 bức ảnh về Hải Phòng xưa và nay. Với những bức ảnh sưu tầm và tự chụp, nhiếp ảnh gia Phạm Tuệ - phóng viên nhiếp ảnh của Thông tấn xã Việt Nam từ những năm 1954-1955 đã góp phần tái hiện hình ảnh Hải Phòng suốt chiều dài hơn 100 năm.
Bộ ảnh của bác Phạm Tuệ tạm chia thành các phần: Hải Phòng thời kỳ đầu thực dân Pháp đặt chân đến; Hải Phòng trong những ngày tiếp quản và Hải Phòng ngày nay. Trong bộ ảnh này có những bức ảnh quý như Khu nhượng địa của Pháp tại Hải Phòng ở ngã ba sông Cấm và sông Tam Bạc (khu vực Ngân hàng Nhà nước và UBND thành phố Hải Phòng ngày nay). Có tài liệu cho rằng, bức ảnh này chụp từ năm 1875, cách đây 140 năm; bức ảnh viên toàn quyền Đông Dương Pháp đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà máy xi măng Đông Dương ngày 25/12/1899. Cũng với hình ảnh Nhà máy xi măng Đông Dương, bác Phạm Tuệ có bức ảnh quân Pháp bàn giao nhà máy cho Quân đội ta trong ngày giải phóng thành phố Hải Phòng 13/5/1955, đánh dấu sự chấm dứt chế độ đô hộ của thực dân Pháp tại Hải Phòng và toàn miền Bắc.
Điểm độc đáo trong những bức ảnh bác Tuệ sưu tầm không chỉ là những hình ảnh về một thời xa xưa của Hải Phòng, mà đó còn là bằng chứng về những dấu mốc lịch sử, những hình ảnh trường tồn hàng trăm năm qua. Nhiều tài liệu khẳng định Nhà hát lớn Hải Phòng được xây dựng từ năm 1904 đến năm 1912. Song các tư liệu của Pháp lại khẳng định, Nhà hát lớn Hải Phòng được khánh thành vào năm 1900, sau Nhà hát lớn Sài Gòn và trước Nhà hát lớn Hà Nội. Bác Tuệ đưa ra dẫn chứng, trong cuốn Chosest et Gens en Indochine 1898-1908 (tạm dịch Đông Dương ngày ấy 1898-1908) của tác giả Claude Bourrin, dịch giả Lưu Đình Tuân cho thấy, Nhà hát lớn Hải Phòng được khánh thành vào tháng 9/1900. Hay hình ảnh quán hoa Hải Phòng được xây dựng từ khoảng nửa cuối năm 1944 - một trong những công trình tiêu biểu từ thời Pháp và đến thời điểm này chỉ còn Hải Phòng lưu giữ được.
|
Đông đảo du khách tham dự "“Triển lãm ảnh Hải Phòng Xưa và Nay” nhân kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ lần thứ IV, trong đó có nhiều tác phẩm quý của tác giả Phạm Tuệ. (Nguồn: haịphong.gov.vn) |
Trò chuyện với chúng tôi, bác Phạm Tuệ cho biết, niềm đam mê sưu tầm ảnh về Hải Phòng bắt nguồn từ tình yêu rất mộc mạc của bác với thành phố Cảng. Được sinh ra tại Hà Nội, đến năm 5 tuổi, bác Tuệ cùng gia đình về sống tại Hải Phòng, ở ngay khu vực trung tâm thành phố. Ngày Hải Phòng giải phóng, lúc đó bác Tuệ 11 tuổi, bác đã được chứng kiến không khí hào hùng, phấn khởi của ngày thành phố giải phóng. Tình yêu thành phố Hoa Phượng đỏ của Bác Tuệ cứ lớn dần lên. Đến khi về nghỉ hưu, với vốn tiếng Pháp và tiếng Anh, bác Tuệ bắt đầu “phục dựng” hình ảnh Hải Phòng qua các bức ảnh. Nhờ có người quen bên Pháp, bác đã xin được rất nhiều tài liệu quý từ Thư viện Quốc gia Pháp - nơi lưu giữ hầu hết những tài liệu liên quan đến quá trình đô hộ của Pháp tại Hải Phòng. Tài liệu đã có song để tìm ra những sự thật lịch sử từ bức ảnh hoàn toàn không dễ nếu chỉ dựa vào chú thích ảnh. Bác Tuệ lại phải dịch, đối chiếu với nhiều tài liệu khác nhau. Bác còn lặn lội đi chụp lại dấu tích của những công trình cũ, có những công trình vẫn được giữ nguyên vẹn kiến trúc như quán hoa, Hội Phụ nữ thành phố Hải Phòng, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hải Phòng. Để chụp ảnh những dấu tích xưa, bác Phạm Tuệ phải chọn những thời điểm vắng người, thường vào dịp Tết Nguyên đán, cũng có những bức ảnh, bác phải lội xuống sông Tam Bạc để chụp và tái hiện đúng góc ảnh cũ.
Từ niềm vui sưu tập ảnh, bác Phạm Tuệ đã giúp ông Tréboal - một người Pháp, tìm lại được quê hương tiên tổ sau 2 thế hệ bị gián đoạn. Ông nội của ông Tréboal là người ở làng Liễn Luận, nay thuộc xã An Thắng, huyện An Lão, Hải Phòng và đã từng học tại một trường tiểu học ở Hải Phòng, nay là trường Nguyễn Tri Phương, quận Hồng Bàng (Hải Phòng).
Mong muốn của bác Phạm Tuệ với bộ ảnh quý giá và đồ sộ của mình là xuất bản một cuốn sách với chủ đề “Hải Phòng- đi tìm chút dấu tích xưa”. Nếu cuốn sách được xuất bản, đây sẽ là tài liệu quý hiếm bác Phạm Tuệ tặng lại cho thành phố Hải Phòng. Còn hiện tại, rất nhiều người khi xem bộ ảnh mà bác Phạm Tuệ sưu tầm và chụp về Hải Phòng trong một chặng đường dài của lịch sử đều không chỉ quý trọng, ngưỡng mộ tình yêu của bác với Hải Phòng, mà còn thêm quý, thêm yêu thành phố Cảng qua các chặng đường lịch sử - nơi một thời từng là vùng đất huy hoàng của khu vực Đông Dương với những nhà máy xi măng, nhà máy điện… đầu tiên trong khu vực Đông Dương./.