“Nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu - một tấm lòng son sắt”

Thứ sáu, 01/11/2024 15:03
(ĐCSVN) – Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề "Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt" nhằm góp phần tôn vinh nhà báo Lý Văn Sáu - một trong những gương mặt tiêu biểu, có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.

Ngày 1/11, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Tọa đàm và Trưng bày chuyên đề "Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt". Sự kiện nhằm hướng tới kỷ niệm 100 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2025), 75 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam (21/4/1950 – 21/4/2025) và đúng vào dịp 100 năm ngày sinh Nhà báo Lý Văn Sáu (5/11/1924 – 5/11/2024).

Tham dự Tọa đàm có các đồng chí: Phạm Quang Nghị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các cơ quan báo chí, các đơn vị, địa phương; lãnh đạo các tổ chức trong và ngoài nước; các nhà báo lão thành… và gia đình nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm. 

Trưng bày và Tọa đàm nhằm góp phần tôn vinh nhà báo Lý Văn Sáu - một trong những gương mặt tiêu biểu, có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Suốt cuộc đời ông làm báo và có nhiều cống hiến trên lĩnh vực thông tin - tuyên truyền đối ngoại và xây dựng ngành phát thanh và truyền hình, thống tấn; để lại nhiều dấu ấn quan trọng trên mặt trận chính trị - ngoại giao phục vụ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam.

Phát biểu tại Tọa đàm, nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Sinh ra trong thời kỳ đất nước đầy biến động, khi tuổi đời còn rất trẻ, người thanh niên Lý Văn Sáu đã sớm bước vào con đường báo chí đầy gian nan, thử thách; ông năng nổ tham gia các hoạt động tuyên truyền của Đội Thanh niên Cứu quốc, được giao nhiệm vụ Trưởng Ty thông tin tỉnh Khánh Hoà, trở thành chủ bút báo “Thắng” (tiền thân của báo Khánh Hòa ngày nay). Ông vừa làm báo tiếng Việt, vừa làm báo tiếng Pháp, trước khi chuyển sang làm báo phát thanh tại Đài Tiếng nói miền Nam Liên khu V.

Được tôi luyện và trưởng thành trong môi trường sôi nổi của báo chí kháng chiến, Lý Văn Sáu đã nỗ lực vượt khó, kiên trì học tập chính trị, trau dồi chuyên môn, mài sắc ngọn bút để hoàn thành tốt mọi công việc được giao.

Nhà báo Lê Quốc Minh phát biểu khai mạc Tọa đàm. 

Cũng theo nhà báo Lê Quốc Minh, năm 1954, tập kết ra miền Bắc và tiếp tục làm công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại,tham gia phái đoàn thường trực của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Cuba, trở thành cố vấn, người phát ngôn của phái đoàn Mặt trận và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris, Lý Văn Sáu đã trở thành một cái tên vượt ra ngoài biên giới Việt Nam, vang lên tại nhiều diễn đàn và sự kiện quốc tế. Ở đó, ông đã thể hiện xuất sắc bản lĩnh, tài năng, sự sáng tạo và trí thông minh, khéo léo của một người làm báo cách mạng khi tham gia hoạt động thông tin tuyên truyền đối ngoại.

Đất nước thống nhất, người tự nhận mình là “sống với báo, chết với báo” ấy đã tiếp tục có nhiều đóng góp cho lĩnh vực phát thanh - truyền hình, thông tấn, cho hoạt động của Hội Nhà báo Việt Nam và Hội hữu nghị Việt Nam - Cu Ba.

Nhà báo lão thành Hà Đăng chia sẻ tại Tọa đàm. 

Dù ở vị trí, công việc nào, nhà báo Lý Văn Sáu cũng dành nhiều tâm huyết, hiến dâng trọn vẹn những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp báo chí cách mạng.

“Cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo Lý Văn Sáu đã minh chứng cho phẩm chất cao quý của một nhà báo cách mạng, một nhà báo chiến sĩ, sống và cầm bút vì lợi ích của đất nước, vì hạnh phúc của nhân dân” - Nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh. 

Nhà báo Lê Quốc Minh khẳng định: "Trưng bày chuyên đề và Tọa đàm khoa học về nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về những đóng góp, những di sản to lớn của các thế hệ đi trước để lại cho mai sau, đồng thời cũng là sự nhắc nhở, khơi gợi, khích lệ cho thế hệ trẻ hôm nay với niềm tự hào, nhân lên những khát vọng, những nỗ lực, vươn lên mạnh mẽ trong hành trình đổi mới và hội nhập".

Đồng chí Phạm Quang Nghị phát biểu tại Tọa đàm. 

Tại Toạ đàm, nhiều nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao đã trao đổi, làm sáng rõ hơn những đóng góp, những di sản của nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu. Các ý kiến, tham luận góp phần tôn vinh nhà báo Lý Văn Sáu và khẳng định ông là một trong những gương mặt tiêu biểu, có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.

Theo nhà báo Hà Đăng, ngay những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Lý Văn Sáu đã theo đoàn quân “Nam tiến” vào hoạt động ở mặt trận Nha Trang (Khánh Hòa). Từ rất sớm, anh đã chứng tỏ là một chiến sĩ năng động, sáng tạo trên mặt trận tuyên truyền báo chí, diễn thuyết và viết báo đều hay. Từ năm 1947, anh đã là chủ bút tờ báo Thắng, tiền thân của báo Khánh Hòa ngày nay.

Sau Hiệp định Pari về Việt Nam (27/1/1973), cuộc chiến đấu gian khổ của ta còn tiếp diễn thêm hơn hai năm ba tháng nữa mới đi đến thắng lợi hoàn toàn vào ngày 30/4/1975. Lý Văn Sáu và các đồng nghiệp trở lại mặt trận tuyên truyền, báo chí quen thuộc của mình trong thời kỳ mới. Anh lần lượt đảm nhiệm nhiều chức vụ: Phó Chủ nhiệm Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Việt Nam kiêm Tổng biên tập Đài Truyền hình Việt Nam, Tổng Biên tập Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Tổng biên tập Thông tấn xã Việt Nam. Anh còn là Ủy viên thư ký Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam. Trong khi giữ cương vị lãnh đạo và quản lý ấy, anh vẫn tiếp tục viết báo, trả lời các phương tiện thông tin đại chúng. Ngòi bút của anh sắc sảo, giọng văn thanh thoát, dễ đi vào lòng người. Lúc đã nghỉ hưu, anh vẫn miệt mài với công việc, tham gia biên tập nhiều tập sách có giá trị nói về cuộc chiến đấu của chúng ta.

Công chúng tham quan Trưng bày chuyên đề "Nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu: Một tấm lòng son sắt".

Chia sẻ tại Tọa đàm, đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội bày tỏ: "Từ trước đó, tôi đã nghe danh, biết tiếng nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu. Khi được sống gần, làm việc gần tôi càng thêm yêu mến, kính trọng một con người có một phong cách rất bình dị, đức độ, lịch lãm, thân ái, dễ gần; một tài năng nghề nghiệp rất cần phải có đối với một cán bộ tuyên giáo: nói hay viết giỏi và một đức tính khiêm nhường, hiền hậu. Đồng chí Lý Văn Sáu là một người dường như có năng khiếu báo chí, ngoại giao thiên bẩm. Vừa giàu tri thức, kinh nghiệm, lại vừa có kỹ năng, phương pháp nói và viết rất tốt để làm công việc ấy. Với tôi, đấy là những năm tháng vừa làm, vừa học".

Cùng với Tọa đàm, tại phần Trưng bày tư liệu hiện vật, các đại biểu đã tham quan gần 100 tài liệu, hiện vật, hình ảnh trưng bày trên 10 vách và 5 tủ hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu. Các hình ảnh, hiện vật đã nêu bật những đóng góp của nhà báo - nhà ngoại giao Lý Văn Sáu đối với sự nghiệp báo chí cách mạng và sự nghiệp ngoại giao Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước. Tiêu biểu như tài liệu, hiện vật, hình ảnh trong thời gian nhà báo Lý Văn Sáu hoạt động tại Cuba, tại Hội nghị Paris 1968-1973, sổ ghi chép và quá trình hoạt động báo chí…

Đại diện gia đình nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam.

Cũng tại Tọa đàm, người thân và gia đình nhà báo, nhà ngoại giao Lý Văn Sáu đã trao tặng Bảo tàng Báo chí Việt Nam một số tư liệu hiện vật quý lần đầu tiên được công bố, như: Đài bán dẫn hiệu National do Tổng tư lệnh Cuba Fidel Castro gửi tặng trong buổi chia tay gia đình ông Lý Văn Sáu về nước tháng 8/1966; Chiếc máy chữ ông Lý Văn Sáu dùng để viết bài, làm báo từ những năm 1960 đến đầu năm 1980...

Nhà báo Lý Văn Sáu (1924 – 2012) là một trong những nhà báo thuộc lớp trí thức đã dành trọn những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình cho lý tưởng cách mạng, cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và dựng xây đất nước. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, ông tham gia sáng lập báo Thắng khi mới 22 tuổi (1946); góp phần gây dựng Đài Tiếng nói Nam Bộ và Đài Tiếng nói miền Nam ngay từ thời kỳ đầu; trở thành người phát ngôn xuất sắc của phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam tại Paris (1968-1973). Đất nước thống nhất, ông gắn bó với công tác quản lý báo chí, với hoạt động nghề nghiệp của Hội Nhà báo Việt Nam, là một trong những lãnh đạo kỳ cựu của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và tiếp tục có nhiều đóng góp đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao.
Tin, ảnh: Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực