Nhà báo vượt qua thách thức để phát triển

Thứ ba, 21/06/2022 15:59
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí cách mạng, 97 năm qua đội ngũ phóng viên, nhà báo cùng đồng hành và có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp phát triển đất nước hạnh phúc phồn vinh..
 Ảnh minh họa (Ảnh: VH)

Trong xã hội, ai cũng muốn có nghề nghiệp để duy trì cuộc sống, dù thu nhập cao hay thấp, thực tế cũng có người bỏ nghề này để tìm nghề khác với mong muốn thu nhập cao hơn. Nghề báo cũng vậy, không ít nhà báo, phóng viên phải lo toan gia đình mà phải kiếm thêm việc, có thêm thu nhập, nhưng ít ai bỏ hẳn nghề làm báo mà mình đã đam mê, theo đuổi, ngay cả khi cuộc sống khó khăn nhất, vẫn nghĩ cách khắc phục, tìm cách để viết, tìm cơ hội nắm thông tin. Chính từ thử thách của cuộc sống đã làm đội ngũ nhà báo, phóng viên  trưởng thành, vững vàng và có bản lĩnh hơn.

Hình như cái vẻ bên ngoài của phóng viên và cái thẻ nhà báo đã tạo nên sự nhìn nhận của xã hội, cho rằng đây là nghề nhàn hạ, lịch lãm và dễ kiếm tiền. Cũng có thể đúng với vài nhà báo nổi tiếng, đã có thành công và gây ấn tượng tốt, lan rộng trong cộng đồng, nhưng cũng chỉ đúng một phần, vì chính sự thành công ấy đã buộc nhà báo đó phải luôn nỗ lực tích lũy, tìm tòi, phát hiện mới cho tác phẩm mới của mình đồng thời cũng phải luôn biết giữ gìn để không bị lôi kéo rồi dễ bị lãng quên. Họ không thể dừng lại ở một tác phẩm đã được đánh giá cao, tạo cho họ sự nổi tiếng trong làng báo và cộng đồng mà phải tiếp tục những khám phá mới đúng với tài năng và đam mê của họ.

Cũng có người cho rằng, đã là kinh tế thị trường thì nhà báo cũng phải có “thị trường”! Điều đó dẫn đến nhà báo sẵn sàng tham gia tô vẽ sản phẩm cho doanh nghiệp, ca ngợi dây truyền sản xuất, công nghệ hiện đại, chất lượng sản phẩm tối ưu, khả năng cạnh tranh cao, giá thành rẻ…Nhưng thực tế thì sao? Thời gian gần đây, những kẻ từng tung hô sản phẩm của Công ty Việt Á sao không thấy thể hiện tiếp trên các trang báo, trong khi chính họ đã từng là lực lượng truyền thông đắc lực cho Việt Á. Những người ấy vẫn còn thẻ nhà báo, vẫn ngang nhiên sống trong làng báo mà không hề bận tâm sự xuống cấp đạo đức nghề nghiệp của mình, quá lắm thì cũng là phân bua lấy thông tin từ cấp này, cấp kia nên viết vậy. Tuy nhiên, nay sự việc đã khác họ cần phải có sự trăn trở, phải nhận thức đầy đủ và nghiêm túc về trách nhiệm của mình đã vấy bẩn lên uy tín của làng báo chúng ta, kẻ nào gây nhũng nhiễu thì lịch sử sẽ phán xét.

Một số ít nhà báo có tiếng vang trong làng báo, nhưng đã bị mua chuộc, lôi kéo tham gia các diễn đàn tưởng như vô hại, nghĩ mình đủ tầm để không thể gục ngã, nhưng thực tế cho thấy, ngòi bút của họ đã mất đi cái tâm của nhà báo, thậm chí họ có thể bị khống chế để viết theo ý chí của người khác, đồng nghĩa với việc họ đã đánh mất chính mình, độc giả và các đồng nghiệp rời xa họ, mặc dù họ vẫn giữ vẻ ngoài thành đạt, lịch sự, nhưng đã không còn là nhà báo cách mạng theo đúng nghĩa. Bài viết của họ đã đăng tải chỉ là viết theo đơn đặt hàng, lấy nhuận bút theo thỏa thuận của doanh nghiệp và cơ quan báo chí phải chi trả. Họ giàu nhanh, mua máy ảnh hiện đại, xe ô tô đời mới để củng cố mình trở thành nhà báo quan trọng, cần thiết cho mọi nhà, đánh bóng cho tên tuổi của mình như ngôi sao làng báo. Cũng có thể phóng viên, nhà báo viết theo sự chỉ đạo của lãnh đạo do sự thỏa thuận trước đó. Nếu tốt thì không sao những nếu bị phê phán có lẽ ít lãnh đạo cơ quan báo chí đứng ra bảo vệ, bênh vực nhà báo.

Chính cuộc sống và thử thách nghề nghiệp mới làm mỗi người trong làng báo nhận ra mình là ai trong bức tranh toàn cảnh của xã hội. Nhà báo chịu rất nhiều áp lực và phải vững vàng vượt qua nếu không muốn tụt hậu.

Điều đầu tiên mà nhà báo, phóng viên bị áp lực chính là kinh tế gia đình. Vẫn là phóng viên sao có người thu nhập cao, thậm chí rất cao, vợ con sung sướng, có phải họ là trí tuệ siêu phàm không? Có phải chỉ họ mới viết được những vấn đề gai góc và trở nên lừng lẫy, khiến nhiều lãnh đạo chính quyền, chủ doanh nghiệp phải săn đón, cưng chiều? Cũng có người có tiếng tăm nhờ giành giải thưởng sáng tạo từ các cuộc thi. Đã có cơ quan báo chí nào thống kê chính xác thu nhập của phóng viên đầy đủ và công khai chưa? Thực chất ai cũng có thể hiểu, có nhà báo là có sự tồn tại của cơ quan báo chí, nhà báo có thu nhập từ lương, từ nhuận bút, và từ kinh doanh quảng cáo mà tờ báo đăng tải. Lợi thế truyền thông giúp cho nhiều tờ báo trở nên phương tiện tuyên truyền hữu hiệu cho chính quyền, các nhà sản xuất, họ trả kinh phí cho tờ báo và coi như hoàn thành nghĩa vụ, nếu sản phẩm của họ không đúng như tờ báo đã thông tin, nhà sản xuất sẵn sàng đổ lỗi cho báo chí. Người tiêu dùng cũng lên án báo chí nếu họ mua phải loại sản phẩm không đúng chất lượng như quảng cáo. Nhà báo thì đổ lỗi cho nhà sản xuất, cơ quan báo chí thì chỉ rút kinh nghiệm về khai thác thông tin chưa kiểm chứng hoặc cho rằng nhà báo không có trách nhiệm phải kiểm chứng. Tất nhiên, độc giả là người nhận hậu quả nhiều nhất, mua phải sản phẩm không đúng như quảng cáo, như truyền thông, nhưng không kiện ai được vì họ đều có lý cả! Nhà sản xuất nếu bị cơ quan pháp luật “hỏi thăm” thì khi đó mới có thể nhận ở mức độ sẽ kiểm tra lại. Cơ quan báo chí chỉ nhận trách nhiệm một phần, cùng lắm lại đổ cho phóng viên chưa có kinh nghiệm..vv

Áp lực tiếp theo là kỹ năng, công nghệ cao đòi hỏi phóng viên, nhà báo phải tiếp cận với xã hội hiện đại, không thuần túy là tình cảm, tâm lý xã hội, mà phải len lỏi vào các khu công nghiệp, tìm hiểu các dây truyền sản xuất lớn, tiếp xúc với người lao động, chủ doanh nghiệp lọc lõi của nền sản xuất tư bản. Phóng viên, nhà báo vào doanh nghiệp đã khó, tiếp cận, khai thác thông tin càng khó hơn, đó là chưa kể đến khả năng ngoại ngữ, vai trò của các lực lượng hỗ trợ, lúc này thẻ nhà báo chưa đủ sức nặng để nhà báo lấy thông tin từ các đối tượng mình muốn khai thác. Các lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, kiểm toán…không phải nghề nào nhà báo, phóng viên cũng có thể tiếp cận thành công được. Các lĩnh vực chuyên biệt như lực lượng vũ trang hoặc công nghệ mới càng phải có sự cân đối xây dựng lực lượng phóng viên, nhà báo chuyên nghiệp cho các lĩnh vực đó.

Áp lực tiếp theo là khắc phục rủi ro nghề nghiệp. Đã có không ít nhà báo bị hành hung, cướp phương tiện, thậm chí người thân, gia đình bị đe dọa. Không thể để phóng viên, nhà báo tự vật lộn với những thử thách ấy, không chỉ là tấm lòng chia sẻ mà phải có hành lang pháp lý bảo vệ phóng viên, nhà báo. Chúng ta đã có Luật Báo chí, tuy nhiên cần khắc phục những hạn chế của Luật Báo chí để trình Quốc hội nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi phù hợp hơn.

Áp lực về giới cũng là điều cần trao đổi. Phóng viên, nhà báo nam giới khi đi khai thác thông tin có thể ở lại, tiếp xúc nhiều đối tượng để lấy dữ liệu viết bài. Nhưng nếu nhà báo, phóng viên nữ thì không hề đơn giản khi xa nhà, còn việc con cái, gia đình, đó là chưa kể những hoàn cảnh buộc phóng viên, nhà báo nữ phải nghĩ đến sự an toàn cho mình mà bỏ cuộc, mặc dù không phải là thiếu ý chí. Áp lực về tuổi tác và sức khỏe cũng không thể xem nhẹ. Nhà báo, phóng viên trẻ hăm hở, nhiệt tình sẵn sàng đi xa, dấn thân khó khăn, thử thách nhưng lại dễ bị cám dỗ và chưa có nhiều kinh nghiệm. Nhà báo, phóng viên lớn tuổi hơn thì nhiều kinh nghiệm, từng trải, bản lĩnh nhưng lại đối mặt với sức khỏe, bệnh tật, tuổi tác. Do vậy trong một nhóm đi công tác  cần cân đối các đối tượng này để có kết quả tốt sau một chuyến đi cụ thể.

Một nội dung cần chia sẻ là chế độ, chính sách cho nhà báo, phóng viên. Hội nhà báo, các cơ quan chủ quản báo chí cần chủ động tham mưu đề xuất với cấp có thẩm quyền tính toán lại, cân nhắc để cải thiện chế độ nhuận bút cho nhà báo, phóng viên, các chính sách hỗ trợ về nhà ở, việc làm, ngạch lương và phụ cấp của nhà báo, phóng viên; Các chính sách về thi đua, khen thưởng, các hoạt động khoa học, sáng tạo….Các tiêu chí đánh giá chất lượng tin, bài, đánh giá phóng viên, nhà báo phải thực sự tường minh, tạo ra động cơ cống hiến cho đội ngũ phóng viên, nhà báo. Nhà báo, phóng viên họ có niềm tin nghề nghiệp và sự nhạy cảm của thông tin cần khai thác, nhưng phải làm gì để họ có cuộc sống ổn định và giúp họ yên tâm hơn trong tương lai, sự nghiệp, bởi họ cũng như bao người khác, họ cần có sự đãi ngộ phù hợp.

Kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925- 21/6/2022). Chúng ta tự hào mình là phóng viên, nhà báo với lịch sử hào hùng mà nhiều nhà báo đi trước tâm huyết, đã viết nên trang sử vẻ vang cho làng báo, thế hệ chúng ta đang kế thừa và viết tiếp những trang sử truyền thống ấy. Dù khó khăn, thử thách đến mấy, chúng ta đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến cho nền báo chí Việt Nam ngày càng phát triển trong sự nghiệp đổi mới của đất nước. Chúng ta tin tưởng vào nghị lực và bản lĩnh những người làm báo, chắc chắn thời gian tới sẽ có nhiều tác phẩm hay, có sức lan toản sâu rộng, khẳng định giá trị của nền báo chí cách mạng./.

Quỳnh Giao- Giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực