Nhà khoa học có tầm ảnh với nền kiến trúc Việt Nam

Thứ sáu, 15/05/2020 15:03
(ĐCSVN) – Cuốn sách tranh “Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh” được chính thức ra mắt độc giả và những người yêu kiến trúc hội họa là lời tri ân tới cố GS.KTS Ngô Huy Quỳnh - một trong những cánh chim đầu đàn của nền kiến trúc Việt Nam.
Banner của Hội Kiến trúc sư Việt Nam tri ân GS.KTS -Họa sỹ Ngô Huy Quỳnh nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh (19/5/1920-19/5/2020). 

Sáng ngày 15/5, tại trụ sở Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam và Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam phối hợp cùng gia đình GS.KTS Ngô Huy Quỳnh tổ chức kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

GS.KTS Ngô Huy Quỳnh là nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn đối với nền kiến trúc Việt Nam, một trí thức lớn với nhân cách cao đẹp, một người thầy giáo tận tụy, tài năng đã đào tạo nhiều thế hệ kiến trúc sư Việt Nam.

Ông sinh ngày 15/5/1920 trong một gia đình giàu truyền thống yêu nước. Ông là sinh viên khoa cuối cùng của trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương – một ngôi trường nổi tiếng ở Việt Nam và Đông Dương lúc bấy giờ, đã đào tạo ra những tên tuổi tiêu biểu của nền hội họa và mỹ thuật của Việt Nam.

Ngay từ khi còn là sinh viên, Ngô Huy Quỳnh đã thể hiện tinh thần cách mạng và lòng yêu nước cháy bỏng. Sống trong chế độ thực dân phong kiến, ông luôn tìm mọi cách để bày tỏ tiếng nói của một trí thức trẻ. Ông sớm liên hệ với các nhà cách mạng tên tuổi như Trường Chinh, Trần Huy Liệu, Trần Đình Long để tìm hiểu về các hoạt động cách mạng và chịu ảnh hưởng sâu sắc về con đường giải phóng dân tộc. Là một sinh viên nhưng ông còn viết báo, cổ động cho nền văn hóa dân tộc, kêu gọi sinh viên trí thức trở về với bản sắc truyền thống.

Sau khi tốt nghiệp (1943), trở thành kiến trúc sư, ông chính thức tham gia Việt Minh và được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Hội Văn hóa cứu quốc. Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia lập chính quyền cách mạng tại thành phố Nam Định. Ngày 1/9/1945, ông trực tiếp thiết kế và chỉ đạo lắp đặt Lễ đài Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Công trình này được hoàn chỉnh trong vòng một ngày. Tháng 10 năm đó, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong kháng chiến chống Pháp, ông lên Việt Bắc, tham gia công tác xây dựng cơ bản. Năm 1951, ông là một trong 21 cán bộ Việt Nam đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng cử sang Liên Xô học tập để sau này trở về xây dựng, phát triển đất nước ở nhiều lĩnh vực.

Sau khi được đào tạo ở Liên Xô trở về nước, GS Ngô Huy Quỳnh để lại dấu ấn đậm nét với những nghiên cứu lý luận, lịch sử kiến trúc Việt Nam; một người đi tiên phong trong nghiên cứu, thiết kế nhà ở của các đồng bào dân tộc, nhà cổ truyền, nhà trình tường…

Độc giả trẻ yêu kiến trúc tham khảo cuốn sách tranh tư liệu của GS.KTS Ngô Huy Quỳnh. 

GS Ngô Huy Quỳnh cũng được nhắc nhớ với vai trò là một thầy giáo, người đã đào tạo ra nhiều lớp kiến trúc sư ở Việt Nam, tiêu biểu nhất là ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Buổi lễ kỷ niệm được tổ chức trang trọng mà ấm cúng với sự tham gia của các đồng nghiệp, học trò và những người yêu quý GS Ngô Huy Quỳnh. Để ghi dấu ấn về dịp đặc biệt này, gia đình GS Ngô Huy Quỳnh đã ra mắt cuốn sách “Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh”. Với 500 bản in, dày 164 trang, cuốn sách gồm ba phần:

Phần thứ nhất, độc giả sẽ bắt gặp và thỏa mãn với những bài viết về GS Ngô Huy Quỳnh, được bố trí có ý đồ sâu sắc. Đó là các bài viết có tính chất tổng hợp về sự nghiệp cách mạng, hoạt động chuyên môn; cảm phục nhân cách một trí thức tài năng, đức độ. Hoặc ngược dòng thời gian, chúng ta sẽ tìm lại được hình ảnh Giáo sư qua những trang viết về chân dung người thiết kế lễ đài Độc lập ngày 2/9/1945.

Phần thứ hai, 100 bức họa của GS Ngô Huy Quỳnh thuộc nhiều chất liệu: sơn dầu, màu nước, than chì, sơn mài… nhưng nhiều nhất là bằng chất liệu sơn dầu. Qua đó, chúng ta thấy được mối quan tâm của Giáo sư dành cho nhiều đề tài như chân dung, phong cảnh, kiến trúc… nhất là kiến trúc ở nhiều nơi mà Giáo sư đặt trên đến đã trở thành đề tài đưa vào các bức tranh. Chúng ta thật xúc động trước chân dung vợ của Giáo sư, chân dung con gái, hay người con trai liệt sĩ Ngô Huy Hoàng… với nét vẽ chỉn chu, chan chứa tình cảm.

Phần thứ ba, độc giả sẽ thu thập được nhiều thông tin về biên niên tiểu sử cuộc đời, những công trình khoa học của GS Ngô Huy Quỳnh. Ngoài ra còn có thêm rất nhiều ảnh tư liệu được bố trí, sắp đặt cẩn thận, là tư liệu tham khảo quan trọng cho những ai muốn tìm hiểu về lịch sử cuộc đời ông cũng như lịch sử ngành kiến trúc Việt Nam.

Đồng hành trong nhịp sống và cống hiến của GS Ngô Huy Quỳnh là hai mảng: Kiến trúc và Hội họa.

Tại buổi kỷ niệm, với triển lãm hơn 30 bức tranh của ông, người tham dự được gặp lại những nét vẽ và tâm hồn hoạ sỹ Ngô Huy Quỳnh. Như cách nói của Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn: "Nét gọi nét tinh tế, sang nhã, hàn lâm mà vẫn thân gần cùng đĩa màu chân quê của căn cốt Việt...".

Triển lãm sẽ kéo dài trong ba ngày từ 15/5 đến hết 17/5/2020./.

Tin, ảnh: KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực