Nhà văn hóa Hữu Ngọc nhận Giải thưởng lớn - Vì Tình yêu Hà Nội lần thứ 10. Ảnh: Báo Thể thao & Văn hóa
Đây là năm thứ 10, giải thưởng Bùi Xuân Phái ra đời và đồng hành với các tác phẩm, tác giả có tâm huyết và tình yêu sâu sắc với Hà Nội.
Ban Tổ chức cho biết, trên cơ sở theo dõi chặt chẽ các hoạt động "vì tình yêu Hà Nội" trong thời gian gần 1 năm, từ 8/2016 đến 8/2017, Ban sơ khảo đã chọn ra gần 50 tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm thỏa mãn các tiêu chí chung của Giải thưởng Bùi Xuân Phái –Vì tình yêu Hà Nội, tiến hành thu thập tư liệu, lập hồ sơ bước đầu để trình lên Hội đồng giám khảo.
Sau 2 vòng chấm, Hội đồng giám khảo đã có sự đồng thuận cao trong việc chứng nhận 11 đề cử chính thức của Giải thưởng và trao 6 giải thưởng trên 4 hạng mục giải. Để chọn ra được đề cử chính thức cho Giải thưởng Lớn Ban sơ khảo và Hội đồng giám khảo đã xem xét trên 5 đề cử khác nhau và chỉ công bố duy nhất một đề cử chính thức là Nhà văn hóa Hữu Ngọc.
Nhà văn hóa Hữu Ngọc sinh 22/12/1918 tại Hà Nội, quê gốc ở Thuận Thành (Bắc Ninh). Ông đã được Nhà nước Việt Nam tặng Huân chương Chiến công và Huân chương Độc lập, Chính phủ Thụy Điển tặng Huân chương “Ngôi sao phương Bắc”, Chính phủ Pháp tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm và giải “Lời Vàng” cùng nhiều danh hiệu, giải thưởng cao quý khác.
Ông sử dụng thành thạo tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức và chữ Hán. Hơn 60 năm cầm bút, nhà văn hóa Hữu Ngọc đã cho ra đời 34 cuốn sách. Trong số các kiến thức văn hóa ông “xuất khẩu” ra thế giới, mảng văn hóa Hà Nội chiếm một vị trí quan trọng. Năm 1997, cuốn Phác thảo chân dung văn hóa Hà Nội bằng tiếng Anh và Pháp đã được dùng làm quà tặng các nguyên thủ quốc gia đến tham dự Hội nghị các nước có sử dụng tiếng Pháp lần 7 tại Hà Nội. Đây là công trình đầu tay về văn hóa Hà Nội của nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc và là cuốn sách đầu tiên giới thiệu về Hà Nội cho người nước ngoài kể từ tháng 8/1945 đến thời điểm đó (1997).
Bên cạnh giải thưởng lớn, Ban Tổ chức còn trao một giải ý tưởng – vì tình yêu Hà Nội cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội với Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030”, trong đó có chỉ tiêu đến năm 2030, người dân “đi bộ dưới 500m là gặp xe công cộng". Đề án này hướng tới xây dựng hệ thống giao thông Hà Nội văn minh, hiện đại, trả lại sự bình yên cho phố phường Hà Nội.
Hai giải việc làm – vì tình yêu Hà Nội được trao cho: Việc xây dựng Phố đi bộ khu vực Hồ Gươm của TP Hà Nội, vì đã tạo ra một không gian tuyệt vời cho du khách và nhân dân Thủ đô vào các ngày cuối tuần, góp phần làm cho Hà Nội sống chậm lại và nhân văn hơn. Và việc xóa quảng cáo rao vặt và làm sạch các con ngõ Hà Nội của ông Paul George Harding, vì đã truyền cảm hứng mạnh mẽ trong cộng đồng để giữ gìn vẻ đẹp Hà Nội.
Hai giải tác phẩm – vì tình yêu Hà Nội được trao cho: Các tập tùy bút Thú lang thang người Hà Nội, Thú ăn chơi người Hà Nội của Nhà văn Băng Sơn, bởi những trang văn đặc sắc, thấm đượm tình yêu đối với mọi mặt của đời sống Hà Nội. Và cuốn sách ảnh "Hà Nội dấu yêu" (2016) của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo. Cuốn sách đã lưu giữ những ký ức vô giá về cuộc sống đời thường, bình dị và đầy chất thơ của Hà Nội.
Ra đời từ tháng 8/2008, nhân kỷ niệm 85 năm ngày sinh của danh họa Bùi Xuân Phái, Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì Tình yêu Hà Nội là sáng kiến của báo Thể thao & văn hóa và gia đình cố họa sĩ; nhằm tìm tòi, phát hiện và tôn vinh những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng “có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội”.
Hệ thống giải thưởng gồm: 01 Giải thưởng Lớn - Vì Tình yêu Hà Nội (dành cho tác giả gắn bó với Hà Nội bằng cả cuộc đời, sự nghiệp của mình); cùng 03 giải đồng hạng là giải Tác phẩm- Vì Tình yêu Hà Nội, giải Ý tưởng - Vì Tình yêu Hà Nội và giải Việc làm - Vì Tình yêu Hà Nội.
Trải qua 9 mùa giải, đã có 8 Giải thưởng Lớn – Vì Tình yêu Hà Nội được trao cho: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (2009), nhà văn Tô Hoài (2010), Giáo sư Phan Huy Lê (2011), nghệ sĩ guitar Văn Vượng (2012) và nhiếp ảnh gia Quang Phùng (2013); nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán (2014); nhà nghiên cứu Giang Quân (2015), nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng (2016) cùng gần 40 giải thuộc các mạng mục giải Tác phẩm, Ý tưởng, Việc làm.