Nhận diện, phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển

Thứ ba, 05/03/2024 17:12
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Theo đồng chí Bí thư Thành uỷ Nha Trang, kết quả Hội thảo sẽ là căn cứ khoa học và thực tiễn để Ban Chấp hành Đảng bộ TP Nha Trang vận dụng ban hành Nghị quyết về phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng thành phố phồn vinh, hạnh phúc.

Sáng 5/3, tại TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà) đã diễn ra Hội thảo khoa học với chủ đề: “100 năm hành trình lịch sử: Nhận diện, phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng, phát triển thành phố”.

Hội thảo do Thành ủy Nha Trang phối hợp Tạp chí Cộng sản tổ chức. Đây là 1 trong 3 hội thảo quan trọng trong chuỗi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển TP Nha Trang (1924 - 2024), 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh Khánh Hòa (2009 - 2024).

Tham dự Hội thảo có hơn 350 đại biểu là các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu; lãnh đạo nhiều tỉnh, thành trong cả nước; đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Khánh Hoà và thành phố Nha Trang...

Đồng chí Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nha Trang phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nha Trang nhấn mạnh: Thành phố Nha Trang là đô thị lớn, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Khánh Hòa, là đô thị năng động của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014 Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, TP đã có bước phát triển mạnh mẽ về văn hóa - xã hội, trình độ dân trí, nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và nhân dân thành phố ngày càng được nâng cao, đời sống văn hóa trong cộng đồng ngày càng phong phú. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy; nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành; nhiều phong trào, hoạt động văn hóa đạt được những kết quả cụ thể, thiết thực, phát huy được giá trị truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng... Nhiều phong tục, tập quán văn hóa truyền thống trên địa bàn thành phố được bảo tồn và phục dựng, đồng thời đã xóa bỏ được các phong tục, hủ tục lạc hậu. Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa thường xuyên được tăng cường. Đầu tư cơ sở vật chất cho công tác giáo dục luôn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi ngân sách thành phố. Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, giáo dục ngày càng được mở rộng, hiệu quả. Giao lưu và hợp tác quốc tế về văn hóa trên địa bàn thành phố được tăng cường thường xuyên…

Tuy nhiên, theo đồng chí, so với những thành tựu trên các lĩnh vực khác, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, chưa đủ để tác động có hiệu quả trong xây dựng con người và môi trường văn hóa thật sự lành mạnh, tiến bộ, chưa thật sự là động lực quan trọng trong xây dựng và phát triển thành phố. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên nói riêng và trong xã hội nói chung vẫn là một vấn đề đáng quan tâm; nhận thức, hành vi con người dễ bị tác động, chi phối và quyết định bởi các yếu tố vật chất thực dụng; các mối quan hệ ứng xử trong gia đình và xã hội dễ bị tổn thương. Ý thức chấp hành pháp luật, trật tự kỷ cương xã hội trong một bộ phận còn tùy tiện, chưa nghiêm. Môi trường văn hóa còn tồn tại nhiều yếu tố thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm còn nhiều diễn biến phức tạp. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn thành phố hiệu quả chưa cao. Hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa cơ sở còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp. Mặt bằng dân trí chưa đồng đều ở một số khu vực thành phố... 

“Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên có cả yếu tố khách quan và chủ quan; xét về yếu tố chủ quan là do một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đối với công tác xây dựng văn hóa, con người. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân chưa thật sự mạnh mẽ, chưa tạo hiệu ứng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa chưa được tăng cường thường xuyên. Đầu tư cho lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trãi và mang tính phong trào. Chưa quan tâm đúng mức công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp thành phố. Việc nhận diện và phát huy các giá trị văn hóa, con người thành phố chưa đầy đủ, kịp thời…”- đồng chí Bí thư Thành ủy Nha Trang nhấn mạnh và cho biết: Trong bối cảnh Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP đang tập trung thực hiện Chương trình hành động của Tỉnh ủy Khánh Hòa triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao…, trong đó TP Nha Trang được xác định sẽ là đô thị hạt nhân, là một trong 3 vùng kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh; đồng thời thành phố cũng xác định mục tiêu, định hướng chiến lược cho sự phát triển thành phố thời gian tới là chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, xây dựng thành phố Nha Trang trở thành thành phố phồn vinh và hạnh phúc… Do vậy, việc tập trung xây dựng văn hóa, con người để đáp ứng với yêu cầu phát triển thành phố là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cấp bách và chiến lược. Và đó cũng là lý do mà Thành ủy Nha Trang phối hợp với Tạp chí Cộng sản để tổ chức Hội thảo này. Sau Hội thảo, Thành ủy Nha Trang sẽ ban hành Nghị quyết về phát huy giá trị văn hóa, con người Nha Trang để xây dựng thành phố Nha Trang phồn vinh, hạnh phúc.

Trước đó, khi mở đầu bài phát biểu khai mạc này, đồng chí Hồ Văn Mừng - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Nha cũng đã nhắc lại căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về vai trò của văn hóa trong đời sống xã hội: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau là: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội”. Đồng chí khẳng định: “Theo quan điểm của Người, văn hóa chính là biểu hiện của sự hiểu biết, tài năng, trí tuệ, đạo đức, lối sống, tâm hồn... của con người và của mỗi cộng đồng trong mối quan hệ với xã hội và tự nhiên. Đó là cách tiếp cận rất tiến bộ, văn hóa không đơn thuần là đời sống tinh thần của con người, của xã hội mà từ trong bản chất - văn hóa con người chính là linh hồn của một xã hội, là sức mạnh trường tồn của một quốc gia, là sức sống vươn lên của thời đại”.

Cũng liên quan đến vị trí, tầm quan trọng của văn hoá, đồng chí Bí thư thành uỷ Nha Trang đã lưu ý phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021: “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. “Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp Cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; “văn hóa còn thì dân tộc còn”, văn hóa “thực sự là nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển” và “soi đường cho quốc dân đi”.

Bí thư Thành uỷ Nha Trang cho biết: Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tiên tiến là yêu nước và tiến bộ; trong đó, cốt lõi là lý tưởng độc lập dân tộc và CNXH theo chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nhằm mục tiêu tất cả vì con người, vì hạnh phúc và sự phát triển phong phú, tự do, toàn diện của con người trong mối quan hệ hài hòa giữa cá nhân và cộng đồng, giữa xã hội và tự nhiên. Bản sắc dân tộc bao gồm những giá trị truyền thống tốt đẹp, bền vững, những tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được vun đắp qua lịch sử hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước; đó là lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết giữa cá nhân - gia đình - Tổ quốc; đó là lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đó là khát vọng vươn lên, cần cù, sáng tạo trong lao động, sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong cuộc sống; dũng cảm, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm, chống cái xấu, cái ác…

 Các đại biểu tham dự Hội thảo

Theo đại diện Ban tổ chức, trong quá trình chuẩn bị Hội thảo, Ban Tổ chức đã tập hợp được 55 bài viết của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu trong và ngoài tỉnh về các lĩnh vực liên quan, đây là những bài viết chất lượng, những ý kiến tâm huyết, những giải pháp sát thực tiễn với yêu cầu phát triển văn hóa, con người thành phố.

Tại Hội thảo, các đại biểu sẽ tập trung thảo luận, trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề như: Nét đặc trưng về văn hóa, con người Nha Trang là gì? Giải pháp nào để phát huy giá trị văn hóa, con người trong xây dựng và phát triển thành phố Nha Trang? Những mô hình, cách làm hiệu quả để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ cho sự phát triển bền vững thành phố? Công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa trên địa bàn thành phố cần tổ chức thực hiện như thế nào để đảm bảo hiệu quả và bền vững? Hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa trên địa bàn thành phố cần tập trung nhiệm vụ nào là trọng tâm?...

“Kết quả Hội thảo sẽ là căn cứ khoa học và thực tiễn để Ban Chấp hành Đảng bộ TP Nha Trang vận dụng ban hành Nghị quyết về phát huy các giá trị văn hóa, con người Nha Trang trong xây dựng thành phố phồn vinh, hạnh phúc. Đồng thời, thành phố Nha Trang sẽ tập hợp một số bài viết để xuất bản thành sách, trở thành tư liệu có giá trị để nghiên cứu, vận dụng lâu dài trong thực tiễn”- đồng chí Bí thư Thành uỷ Nha Trang khẳng định thêm./.

Tin, ảnh: Đình Tăng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực