Nhớ về đồng chí Phạm Văn Đồng, người con lỗi lạc của quê hương, đất nước

Thứ ba, 01/03/2016 23:14
(ĐCSVN) - Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1/3/1906 - 1/3/2016), Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết của nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương với nhan đề "Nhớ về đồng chí Phạm Văn Đồng, người con lỗi lạc của quê hương, đất nước".

Đồng chí Phạm Văn Đồng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước thăm Sài Gòn - 
Gia Định sau ngày toàn thắng, tháng 5/1975. (Ảnh tư liệu)

Đối với tôi và những người sinh ra, lớn lên ở Quảng Ngãi cũng như các tỉnh Liên khu V, lòng kính yêu, ngưỡng mộ đối với đồng chí Phạm Văn Đồng không chỉ vì Người là một trong những nhà lãnh đạo lớn của Đảng và Nhà nước ta trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, mà còn cộng thêm tình cảm sâu nặng gắn bó với mảnh đất miền Trung đầy bi hùng trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc.

Tuổi thiếu niên và học sinh của tôi được tắm mình trong không khí hào hùng của nhân dân các tỉnh Liên khu V trong Cách mạng Tháng Tám và trong suốt cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ký ức tuổi niên thiếu của tôi vẫn còn ghi đậm những hình ảnh sục sôi nhiệt huyết của thầy, má tôi và bà con quê nhà tham gia Khởi nghĩa Tháng Tám, cũng như những chuyện kể đầy tính huyền thoại của bà con về Đảng, về Bác Hồ kính yêu, về người con đầy yêu thương của quê hương: đồng chí Phạm Văn Đồng. Chuyện kể về việc người thanh niên Phạm Văn Đồng đã dứt khoát rời bỏ sự ràng buộc “lễ giáo” của gia đình để đi làm cách mạng, đi cứu nước; chuyện kể về những năm tháng tù đày, sự đàn áp dã man của thực dân Pháp; chuyện toàn dân nô nức đi bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, ghi nhớ tên đồng chí Phạm Văn Đồng đứng đầu danh sách ứng cử viên ở Quảng Ngãi; chuyện Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Hồ Chí Minh với thái độ cương nghị đã "đập bàn" trước mặt các đại diện của Chính phủ thực dân Pháp khi đấu tranh đòi độc lập cho đất nước tại Hội nghị Phôngtennơblô.

Cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, nhân dân các tỉnh Liên khu V vừa hăng hái xây dựng chính quyền non trẻ, xây dựng một chế độ xã hội mới, vừa tiến hành cuộc kháng chiến “một mất một còn” với thực dân Pháp, thể hiện sức mạnh thần kỳ của cuộc chiến tranh nhân dân. Giữa một vùng đất bị địch bao vây tứ phía, lại ở xa Trung ương, quân đội cách mạng và nhân dân Liên khu V đã anh dũng đánh thắng địch, giữ vững một vùng tự do rộng lớn ở bốn tỉnh Nam Trung Bộ suốt chín năm liền. Tại đây, chế độ mới, chế độ dân chủ cộng hoà lần đầu tiên trong lịch sử nước ta đã đơm hoa, kết trái. Trong thế bị bao vây, vùng tự do, vùng kháng chiến Liên khu V không chỉ đánh địch thắng lợi mà còn đạt được những thành tựu về kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục, văn học, nghệ thuật đầy tự hào.

Trong những năm đầu kháng chiến, đồng chí Phạm Văn Đồng được Trung ương Đảng và Bác Hồ cử về làm đặc phái viên chỉ đạo Liên khu V. Vì vậy mà trong câu chuyện dân gian, vì lòng kính yêu với lãnh tụ, nhân dân thường gắn liền các sáng kiến, các thành tựu nổi bật của công cuộc kháng chiến kiến quốc tại địa phương với tên tuổi của đồng chí Phạm Văn Đồng; từ cách bố phòng chặn đánh địch ở các mặt trận Bắc, Nam và Tây đến cách huy động toàn dân từ cụ già đến em bé ban đêm canh gác suốt dọc bờ biển để chống địch đổ bộ bất ngờ; từ việc tổ chức bình dân học vụ đến tổ chức hệ thống giáo dục các cấp của chính quyền cách mạng non trẻ; từ phong trào tăng gia sản xuất nuôi quân đến việc trồng bông, dệt vải xita (một loại vải nổi tiếng ở vùng tự do Liên khu V lúc bấy giờ) cung cấp cho nhân dân và bộ đội; từ việc duy trì vận tải đường sắt hàng mấy trăm kilômét, bất chấp sự oanh tạc gắt gao của địch đến việc tổ chức mạng lưới thông tin thủ công truyền thông đầy hiệu quả là đánh mõ và đốt lửa dây chuyền trong phòng, chống địch v.v. Sau này khi trưởng thành, tôi hiểu rằng đó là những dòng suối lớn góp vào sông to biển cả của cuộc trường kỳ kháng chiến vĩ đại của cả dân tộc. Thắng lợi to lớn của quân và dân Liên khu V bắt nguồn từ sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, của Bác Hồ, là trí tuệ và sức mạnh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta. Điều cũng rõ ràng là đồng chí Phạm Văn Đồng đã là một nhà lãnh đạo đầy tin yêu của nhân dân không chỉ vì công việc chung của đất nước mà còn rất hiển hiện tại quê hương.

Qua các thầy giáo, cô giáo, chúng tôi được biết chính đồng chí Phạm Văn Đồng đã chỉ đạo trực tiếp việc xây dựng các trường Trung học bình dân, Trung học Lê Khiết nói riêng và hệ thống giáo dục ở Liên khu V nói chung. Sau Hiệp định Giơnevơ, mãi đến tháng 2-1955, gần hết hạn 300 ngày bàn giao việc quản lý vùng giải phóng Liên khu V cho địch, thầy trò chúng tôi mới thu xếp rời nhà trường phổ thông cấp III Lê Khiết bên bờ sông Vệ (gần thị xã Quảng Ngãi tập kết ra Bắc. Chủ trương của Đảng, Nhà nước tạo điều kiện cho con em các tỉnh Liên khu V học đến cấp III cũng như số rất đông con em cán bộ cách mạng được tập kết ra miền Bắc để tiếp tục đào tạo cán bộ cho đất nước, cho dân tộc là cả một tấm lòng yêu thương đối với “khúc ruột miền Trung” bất khuất. Hầu hết số học sinh này về sau đã trở thành những nhà khoa học, văn nghệ sĩ ưu tú, các nhà quản lý và kỹ thuật chủ chốt công tác ở nhiều ngành trọng yếu của đất nước, cho thấy tầm nhìn xa trông rộng đó của Đảng và Nhà nước ta, trong đó có sự đóng góp trực tiếp của đồng chí Phạm Văn Đồng.

Tuổi thiếu niên được tắm mình trong khí thế cách mạng rực lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, tuổi trưởng thành của chúng tôi lại được tôi luyện trong cuộc kháng chiến chống Mỹ thần thánh của cả dân tộc ta vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Tuổi trẻ ai ai cũng tâm nguyện noi gương các bậc lão thành, nguyện đi theo con đường thiêng liêng mà Bác Hồ, Đảng ta đã lựa chọn, ra sức học tập và rèn luyện, mong muốn góp phần cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đối với chúng tôi, gương sáng của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc, người cộng sự đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn là hình mẫu cuốn hút khích lệ chúng tôi. Chính cuộc đời của đồng chí Phạm Văn Đồng là hiện thân của chủ nghĩa yêu nước chân chính và chủ nghĩa nhân văn cao cả. Đồng chí là nhà văn hoá lỗi lạc của dân tộc ta. Đọc đi đọc lại các tác phẩm của Người, nhất là những điều Người viết về tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi nhận thấy sự truyền cảm dạt dào, chuẩn mực, có được bằng chính cuộc đời của người viết. Hồi niệm về người Thầy mà tôi hết lòng kính phục, tôi muốn viết ra đây đôi điều tản mạn vốn ghi đậm dấu ấn trong tôi. Tôi còn nhớ như in buổi gặp đầu tiên của đồng chí Phạm Văn Đồng, lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng với đồng chí Nguyễn Khánh và tôi, vào năm 1987, lúc đó chúng tôi mới được cử làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được trực tiếp gặp và nói chuyện với đồng chí Phạm Văn Đồng. Đồng chí hỏi han chúng tôi về gia đình, về công việc. Đồng chí hỏi: Các đồng chí có hình dung được nhiệm vụ nặng nề mà từ nay các đồng chí gánh vác không? Câu hỏi này có liên quan đến tình hình rất khó khăn trong những năm tháng đất nước ta rơi vào khủng hoảng kinh tế, xã hội nặng nề. Đó cũng là thời điểm quan trọng, thời điểm Đảng và Nhà nước ta mở ra cục diện mới: công cuộc đổi mới sau Đại hội VI của Đảng mà chính đồng chí đã cùng các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta dày công kiến tạo và mở đầu. Sau đó ít lâu, vì tuổi cao sức yếu, đồng chí đã chuyển giao nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho đồng chí Phạm Hùng và làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Là người được tham gia Ban Chấp hành Trung ương và thành viên của Chính phủ, chúng tôi nhớ lại với sự kính phục về sự chuyển giao nhiệm vụ đầy tinh thần trách nhiệm, vô tư và trong sáng của một bậc cách mạng lão thành đã từng mấy chục năm liền đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng Chính phủ. Điều đó thể hiện phẩm chất cao quý của một người cộng sản chân chính mà không phải ai cũng làm được như vậy. Kể từ đó, tôi có nhiều dịp được gặp báo cáo với đồng chí Cố vấn về tình hình, về công việc và bao giờ cũng nhận được từ đồng chí sự chỉ đạo ân cần, cởi mở không chút xa cách. Đến năm 1991, tôi được chỉ định thay mặt Chính phủ nước ta làm đại diện tại Hội đồng tương trợ kinh tế. Đồng chí luôn căn dặn chúng tôi về những ẩn hoạ do sự rạn nứt nghiêm trọng trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, về những cố tật trong cơ chế hoạt động kém hiệu quả của các nước xã hội chủ nghĩa, về "đường lối" đầy nghi vấn trong những năm đầu lãnh đạo Liên Xô của Goócbachốp (cho đến những năm 1990, 1991 thì đã rõ: đó là sự phản bội). Điều căn dặn tâm huyết của đồng chí là bài học vô giá về “độc lập, tự chủ” trong đường lối của Đảng và Nhà nước ta về sự cần thiết phải xoá bỏ tâm lý ỷ lại, phụ thuộc vào nước ngoài. Nhất thiết chúng ta phải nêu cao tinh thần tự lực tự cường của dân tộc.

Trong những năm đầu của thời kỳ đổi mới, tuy chúng ta có được những thành tựu kinh tế rõ rệt, vượt qua được thời kỳ khó khăn, khủng hoảng, đối phó được trước tác động nặng nề do sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, song đồng chí luôn trăn trở trước tình hình mới của đất nước. Đó là những tác động theo mặt trái của kinh tế thị trường, nạn tham nhũng, tệ quan liêu, ngày càng gia tăng, hiện tượng thương mại hoá các quan hệ xã hội kéo theo các tệ nạn xã hội ngược với mục tiêu của chủ nghĩa xã hội và đạo đức xã hội truyền thống của dân tộc. Điều trăn trở của đồng chí, cũng là nỗi lo lớn của nhân dân ta ngày hôm nay, đã và phải luôn luôn là câu hỏi lớn đối với các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước hiện nay.

Đồng chí có một niềm tin đầy lạc quan vào chính nhân dân ta, vào truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng, trí thông minh và cần cù sáng tạo của dân tộc. Chính trong những năm tháng này, đồng chí đã luôn chú ý cổ vũ, làm sống lại phong trào “người tốt, việc tốt"; tâm huyết với phong trào ở Thủ đô Hà Nội. Một trong những điều căn dặn quan trọng của đồng chí đối với tôi khi tôi được giao nhiệm vụ làm Chủ tịch nước là làm sao phát động lại “phong trào thi đua yêu nước" vốn là truyền thống, là sức mạnh cực kỳ to lớn của nhân dân ta. Tôi rất phấn khởi thấy từ những khơi gợi của đồng chí, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Khoá VIII đã ra Chỉ thị số 35 CT/TW ngày 3 - 6 - 1998 về việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước, phong trào đã dẫn đến Đại hội thi đua toàn quốc năm 2000, năm kết thúc thế kỷ với không ít gương sáng tiêu biểu trong giai đoạn cách mạng mới làm xúc động lòng người...

Hồi niệm về một nhân cách lớn là việc khó. Tôi hy vọng đôi điều tản mạn xuất phát từ tấm lòng của mình có thể góp phần nhỏ cho các thế hệ trẻ hiện nay và mai sau hiểu thêm về một trong những đồng chí lãnh đạo cấp cao tài ba của Đảng và Nhà nước ta trong thời đại Hồ Chí Minh - một thời đại sẽ sáng chói mãi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực