Những bác sĩ không áo “blouse trắng” tại tâm dịch Hạ Lôi

Thứ tư, 15/04/2020 09:38
(ĐCSVN) – “Chúng tôi ổn, không có khó khăn gì…có điều nhớ nhà, nhớ con lắm. Xa nhà, xa con lúc này chính là cách tốt nhất để thể hiện trách nhiệm, tình yêu với gia đình, cộng đồng”.
Anh Nguyễn Việt Anh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội đi kiểm tra dịch tễ học tại thôn Hạ Lôi. (Ảnh: BL) 
 

Đó là lời chia sẻ, tâm sự thật lòng của những cán bộ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, những người được điều động về thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội) phòng chống dịch những ngày này.

Sát cánh cùng Hạ Lôi

Cách trung tâm Hà Nội không xa, thôn Hạ Lôi thuộc xã Mê Linh, huyện Mê Linh đang là nơi được các lực lượng chức năng căng mình, dồn sức phòng chống dịch. Kể từ ngày 7/4, UBND huyện Mê Linh quyết định cách ly gần ba nghìn hộ với gần 11 nghìn nhân khẩu của thôn, do liên quan bệnh nhân thứ 243 nhiễm  COVID-19.

Tại Hạ Lôi những ngày này, tất cả mọi con đường, ngõ xóm đều trở nên vắng lặng. Có mặt tại chốt vào cổng chính thôn Hạ Lôi, chúng tôi ghi nhận sự nghiêm túc trong công việc của tất cả cán bộ đang nhận nhiệm vụ nơi đây, từ lực lượng chức năng canh gác, kiểm tra tại các chốt đến các bác sĩ, đặc biệt là các cán bộ y tế dự phòng- người “gác cổng” trong trận chiến này.

Trong tiết trời se lạnh của cái "rét nàng Bân", anh Vũ Biển - một trong  4 người của tổ biệt phái Khoa Ký Sinh trùng-Côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội) đang tất bật với công việc bộn bề nơi đây.

Anh Biển tâm sự: “Tối ngày 8/4, ngay sau khi nhận được thông báo điều động, tăng cường về thôn Hạ Lôi thực hiện công tác hỗ trợ phương án kiểm soát, phong tỏa, cách ly, phòng chống COVID-19, chúng tôi chỉ có 1 giờ để chuẩn bị tư trang cá nhân, cũng không kịp quay về chào gia đình. Từ hôm đi đến nay hơn 1 tuần chưa được về nên lúc nào cũng nhớ con, nhớ nhà lắm. Xa nhà, xa con lúc này chính là cách tốt nhất để thể hiện trách nhiệm, tình yêu với gia đình, cộng đồng”.

Cùng chốt trực với anh Biển, có anh Nguyễn Quang Tuấn, cán bộ truyền thông Giáo dục Sức khỏe (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật). Như các đồng nghiệp khác, anh Tuấn cũng nhận được sự thấu hiểu, cảm thông từ phía người thân để hoàn thành tốt nhiệm vụ trong cuộc chiến chống lại dịch COVID -19.

Chia sẻ về công việc của mình tại thôn Hạ Lôi những ngày này, anh Tuấn cho biết: Trước “sức nóng” của dịch bệnh trên địa bàn thôn Hạ Lôi, anh lại thêm quyết tâm lên đường chống dịch. Nhiệm vụ chính của anh và các nhân viên y tế dự phòng tại chốt trực là thực hiện đo thân nhiệt người ra vào, khử khuẩn người và phương tiện qua lại các chốt; tuyên truyền kiến thức, giúp người dân hiểu rõ về virus SARS-CoV-2, cách phòng tránh dịch bệnh và bảo vệ bản thân cũng gia đình, tránh lây lan ra cộng đồng. Anh Tuấn cũng như tất cả mọi người ở chốt trực đều mong làm thật tốt công tác kiểm soát, để ngăn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng.

 Anh Vũ Biển, Khoa Khoa Ký Sinh trùng-Côn trùng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội) chuẩn bị công tác khử khuẩn tại thôn Hạ Lôi. (Ảnh: BL)

Anh Biển và anh Tuấn chỉ là hai trong số rất nhiều cán bộ y tế dự phòng được điều động, tăng cường về thôn Hạ Lôi thực hiện công tác hỗ trợ phương án kiểm soát, phong tỏa, cách ly, phòng chống COVID-19. Khác với các bác sĩ trực tiếp điều trị cho những bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 nhận biết rõ ràng và có biện pháp bảo hộ cho bản thân, cán bộ y tế dự phòng tại Hạ Lôi những ngày này giống như những người “gác cổng”, bảo vệ vòng ngoài không cho dịch bệnh lây lan. Bởi vậy, với họ nguy hiểm luôn tiềm ẩn khi hàng ngày tiếp xúc với rất nhiều người dân trong vùng dịch nhưng lại không biết có virus hay không. “Chúng tôi ở đây rất ổn, không lo sợ gì…. Có điều, mình phải cận trọng tự bảo vệ bản thân mình, vì rủi ro luôn rình rập và đến với bất cứ ai. Nếu không tự bảo vệ bản thân thì dễ nhiệm bệnh, không bảo vệ được cộng đồng”, anh Biển chia sẻ.

Một tuần công tác tại đây, anh Biển cho hay, cuộc sống của người dân Hạ Lôi vẫn diễn ra bình thường, chỉ khác là không tập trung đông người. Họ tuân thủ các biện pháp cách ly mà địa phương và cán bộ y tế tuyên truyền. “Người dân Hạ Lôi rất tình cảm và thấu hiểu với công việc của chúng tôi. Không có lời chê trách và phàn nàn nào cả. Những hôm trời lạnh trực ở đây, thương cán bộ y tế dự phòng, người dân còn tận tình mang đồ ăn, vật dụng thiết yếu cho mọi người. Làm việc tại Hạ Lôi những ngày này, chúng tôi xác định, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, khó lường nên phải chuẩn bị tâm lý sẵn sàng tiếp tục ở lại để hoàn thành nhiệm vụ được giao”, anh Biển  chia sẻ.

Cũng như nhiều đồng nghiệp khác, những ngày qua, những chiếc máy phun thuốc khử khuẩn lại là người bạn quen thuộc của anh Nguyễn Việt Anh và anh Nguyễn Văn Khiêm, cán bộ làm công tác kiểm soát bệnh tật. Làm việc tại Hạ Lôi những ngày này, họ phải di chuyển chiếc máy liên tục khắp các ngóc ngách, điểm công cộng khác nhau trên địa bàn tỉnh để phun khử khuẩn. Dù phải đối mặt với hoá chất, công việc khó khăn, nặng nhọc, xong ai cũng hướng tới mục tiêu là thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tuy vất vả nhưng mọi người luôn nhiệt tình trong công việc và cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ để đẩy lùi dịch bệnh.

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hà Nội, nhằm quyết liệt phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn huyện Mê Linh, thực hiện sự chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội, tất cả đội cơ động của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, 30 đội cơ động của 30 Trung tâm y tế quận/huyện/thị xã và 20 sinh viên đã tiến hành lấy mẫu xét nghiệm cho người dân thôn Hạ Lôi.

Không chỉ xét nghiệm thâu đêm ở Hạ Lôi, mà từ đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, các nhân viên y tế dự phòng trên địa bàn Thành phố Hà Nội nói chung, cũng như Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố nói riêng vẫn đang căng mình trên khắp các mặt trận thực hiện công tác giám sát và phòng chống dịch.

Hiện nay, mỗi ngày Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố đều triển khai các đội phản ứng nhanh phòng chống dịch thường trực và sẵn sàng lên đường bất kỳ lúc nào có thông tin về trường hợp liên quan tới nhiễm bệnh COVID-19.

Luôn “đi trước” và “về sau”

Mỗi ngành, lĩnh vực đều có những khó khăn, vất vả đi kèm niềm vui và hạnh phúc riêng. Sống trong những ngày này và được trực tiếp nghe cán bộ y tế dự phòng chia sẻ mới thực sự cảm nhận nỗi nhọc nhằn trong công việc của họ. Họ thực sự là những người “đi trước về sau”, là những bác sĩ không mặc áo blouse trắng.

Bởi khi chúng ta nhìn thấy y, bác sĩ, cán bộ y tế dự phòng là chỉ nhìn thấy họ trong những bộ quần áo bảo hộ kín mít. Họ luôn "đi trước" để điều tra dịch tễ học, lấy mẫu bệnh phẩm... Và họ “về sau" khi  bệnh nhân đã khỏi bệnh, ra viện để lại tiếp tục khử khuẩn, sát trùng bệnh viện, cơ sở y tế sẵn sàng đón bệnh nhân mới.

Có thể thấy, đặc trưng lớn nhất trong hoạt động phòng, chống dịch là công tác lưu động và hoạt động chống dịch tại cộng đồng. Nghĩa là khi nhận được thông tin về một dịch bệnh mới phát sinh hoặc tái phát, dù ở bất cứ đâu, những y bác sĩ làm công tác dự phòng lập tức phải đến để tìm rõ căn nguyên.

Họ là những người đầu tiên và trực tiếp có mặt tại nơi phát hiện dịch bệnh, vừa điều tra ca nghi nhiễm bệnh vừa điều tra những trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh… Từ đó, tham mưu những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm khống chế dịch bệnh kịp thời, không để dịch lây lan ra cộng đồng. Công việc của họ không chỉ mất nhiều thời gian mà còn gian khổ và nguy hiểm… nếu không có sự tận tụy, lòng yêu nghề thì khó có thể hoàn thành khối lượng công việc ấy.

Sống trong những ngày “bão” dịch này, chỉ có cùng các y bác sĩ lao vào các ổ dịch không kể đêm ngày và sự hiểm nguy mới thấy hết được giá trị từ những gì mà họ mang đến cho cộng đồng. Tuy vất vả như vậy, nhưng đội ngũ những người bác sĩ và những người làm công tác y tế dự phòng trên địa bàn của thủ đô luôn tận tụy, hết mình vì công việc. Họ thật sự xứng đáng được gọi tên những chiến sĩ “cảm tử quân” thời bình./

 

 

 

Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực