Ấn tượng về bác Thảnh – bác thương binh gần nhà ông bà, Võ Hoàng Quân hay sang nhà bác chơi, say sưa nghe bác kể lại những trận chiến ác liệt ở chiến trường miền Nam, sự mưu trí, dũng cảm của những người chiến sỹ trước bom đạn của kẻ thù. “Ngay trước ngày đất nước thống nhất, bác bị thương, bị mất một chân. Rời quân ngũ, bác về quê, lập gia đình nhưng không có con, sinh hoạt của vợ chồng bác trông cả vào khoản trợ cấp thương binh và thu nhập từ quán nước nhỏ”, cậu học sinh lớp 4A, trường tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội kể lại.
Bài dự thi ghi lại những cảm nhận của thiếu nhi về các thương binh, liệt sỹ, những người có công với nước - Ảnh: Minh Châu
Cũng có tình cảm với bác Thảnh như Quân, vào một ngày chủ nhật, Quân cùng các anh chị trong thôn rủ nhau đến thăm nhà bác, giúp hai bác dọn dẹp nhà cửa. “Người quét mạng nhện, người quét nhà, quét sân, người ra vườn nhổ cỏ, dựng lại bờ rào… Mọi người làm việc rất vui vẻ nên chả mấy chốc công việc hoàn thành. Nhìn ánh mắt của hai bác, em biết hai bác đang xúc động nhiều lắm”, Quân nhớ lại.
Cũng trong một lần cùng các bạn đến thăm chú thương binh nặng bị cụt cả hai chân trong chiến dịch giải phóng Sài Gòn, Đặng Thị Như Ý, trường THCS Phú Thạnh, Phú Vang, Thừa Thiên Huế đã học được ở người lính cụ Hồ ấy tinh thần lạc quan, nghị lực vượt lên khó khăn.
“Tuy phải ngồi xe lăn nhưng học theo lời Bác dạy “Thương binh tàn nhưng không phế”, ngày ngày chú vẫn cần cù làm việc bằng đôi tay tài hoa. Chú hướng dẫn các thành viên trong gia đình đan lát những mặt hàng thủ công mĩ nghệ bằng mây, tre, lá. Bàn tay cầm súng năm xưa giờ đây thoăn thoắt luồn những sợi mây tạo nên những chiếc khay, chiếc giỏ xinh xắn, làm đẹp cho mọi nhà”, Như Ý kể.
Cảm nhận đầu đời về ngày Thương binh – Liệt sỹ của Nguyễn Lâm Ngọc Trân, học sinh trường THCS thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang là cách đây 4 năm, Trân có dịp cùng cha trở về đơn vị cũ – Sư đoàn 29 Thông tin, Quân khu 9. “Hôm đó chưa tới ngày 27/7 nhưng trong các cuộc trò chuyện của các bác, các cô, các chú đều nhắc đến các thương binh, liệt sỹ, tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Không ai bảo ai, mọi người cùng nhau dọn vệ sinh, cắt tỉa cây, trồng hoa để nơi an nghỉ của các liệt sỹ được sạch, đẹp hơn”.
Đến khi là học sinh THCS, năm nào Trân cũng cùng cha đi thắp hương cho các mộ liệt sỹ ở Nghĩa trang liệt sỹ huyện Cái Bè, nơi yên nghỉ của hơn 3 nghìn phần mộ liệt sỹ.
Ngô Thanh Nga, lớp 6D, trường THCS Ngọc Liệp, Quốc Oai, TP Hà Nội trong đợt kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4) vừa rồi đã cùng thầy cô và các bạn đến thăm gia đình liệt sỹ Nguyễn Huy Đức, ngôi nhà nhỏ hiện là nơi ở của con gái liệt sỹ Đức.
Học sinh trường THCS Ngọc Liệp, Quốc Oai, TP Hà Nội đến thăm nhà
liệt sỹ Nguyễn Huy Đức - Ảnh: NVCC
Nghe cô Nguyễn Thị Ngọ kể lại câu chuyện về người cha của mình mà chúng em không khỏi xúc động. “Năm 1966 sau khi lập gia đình được vài tháng, ông nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc lên đường ra trận. Hơn 7 tháng sau thì người con gái duy nhất của ông cất tiếng khóc chào đời. Suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt, mẹ cô nuôi con một mình và đằng đẵng ngóng tin chồng, bà chỉ mong đất nước sớm bình yên và ông sẽ trở về trong căn nhà ngập tràn hạnh phúc. Nhưng 2 năm sau gia đình nhận được giấy báo tử, ông đã hy sinh trên con đường trọng điểm tại ngã ba Đồng Lộc. Người nhà cô Ngọ kể lại, mẹ cô lúc đó đã ngất lịm đi khi nghe tin dữ còn cô thì quá nhỏ để cảm nhận được sự mất mát này. Cuộc đời của cô chỉ hình dung về người cha anh hùng qua những câu chuyện mẹ kể”, Nga nhớ lại.
Nghe câu chuyện của cô Ngọ mà ai nấy đều không cầm được nước mắt. Em nghĩ không có gì có thể đền đáp công lao của những người đã hy sinh xương máu cho cuộc sống hôm nay”, Thanh Nga cảm nhận.
Với Phạm Trí Đức, lớp 5B trường tiểu học Trần Phú, TP Kon Tum, dịp 27/7 năm ngoái, Đức đã cùng các bác trong phường nơi em ở đến thăm Nghĩa trang liệt sỹ của tỉnh. “Hàng trăm ngôi mộ nằm theo từng dãy. Có những ngôi mộ đề tên nhưng cũng có những ngôi mộ chỉ đề hai chữ “vô danh” làm đớn đau biết bao người khi tận mắt trông thấy. Trực tiếp cắm cây nhang lên từng phần mộ, em cảm nhận được sự mất mát quá lớn của nhiều gia đình trong chiến tranh. Các anh hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ để lại nỗi đau trong lòng mỗi trái tim Việt Nam. Nhưng đó là sự hy sinh cao cả”.
Thế hệ chúng em ngày hôm nay luôn biết ơn các anh – những người con anh hùng của đất nước. Đến viếng phần mộ của các anh, em nhận thấy rằng, dù có đọc bao nhiêu trang viết về lịch sử cũng không bằng được một lần nhìn thấy tận mắt hậu quả của chiến tranh. Sự hy sinh của các anh đã cho chúng em thấy một thời đấu tranh oanh liệt, dũng cảm của dân tộc mình, một dân tộc nhỏ bé đã gan góc, can trường chiến thắng những kẻ xâm lược.
Với em, viếng mộ các liệt sỹ là việc làm vô cùng ý nghĩa thể hiện lòng biết ơn đối với thế hệ cha anh đã hy sinh giành lại độc lập tự do cho đất nước. Và cũng chính từ hoạt động thực tế này, mỗi học sinh như em biết được những trang sử vẻ vang của dân tộc để rồi từ đó xác định mình phải làm gì cho xứng đáng với sự hy sinh của các anh, Trí Đức chia sẻ./.