Ðôi nét về kiến trúc Phật giáo thời Lý

Thứ ba, 26/10/2010 17:31

Vương triều Lý (1009-1225) được xem như là giai đoạn mở đầu cho thời kỳ hưng thịnh lâu dài của phong kiến Việt Nam về chính trị - kinh tế cũng như về văn hóa - nghệ thuật. Sau một nghìn năm Bắc thuộc, nhà Lý quyết tâm xây dựng một nền độc lập lâu dài với một niềm tự hào tự tôn dân tộc, với khát vọng Ðại Việt cũng có thể sánh ngang hàng với Ðại Ðường, Ðại Tống ở Trung Hoa.

Tiếp nối tinh thần Phật giáo từ các triều đại trước, Phật giáo thời Lý trở thành quốc giáo và phát triển mạnh mẽ. Có lẽ tinh thần từ bi, bác ái của Phật giáo hòa hợp với tinh thần ôn hòa, bình dị của người Việt. Theo Ðại Việt sử ký toàn thư thì thời ấy, nhân dân 'lũ lượt đi ở chùa'. Mọi người làm việc gì cũng nghĩ đến sự phù trợ của Ðức Phật, Lý Thường Kiệt sau khi đánh Tống, bình Chiêm đã cho xây dựng chùa Báo Ân (Thanh Hóa) để tỏ lòng cảm tạ. Linh Nhâm thái hậu xây dựng cho mình đến hàng trăm ngôi chùa. Khi vừa lên ngôi, Lý Thái Tổ chưa xây dựng tôn miếu xã tắc, nhà vua đã cho xây dựng tám ngôi chùa. Sử cũ mô tả những ngôi chùa hết sức bề thế, uy nghiêm, trong khi cung điện của triều đình thì mô tả sơ sài. Rõ ràng là thời ấy, kiến trúc Phật giáo có vị trí quan trọng và nổi trội hơn cả các công trình kiến trúc khác. Tuy nhiên, ngày nay nói đến những ngôi chùa thời Lý ta chỉ còn hình dung qua nền móng và các thư tịch cổ để lại, vì không có công trình nào còn lại nguyên vẹn. Chùa Một Cột (chùa Diên Hựu) ở Hà Nội chỉ là một mô phỏng của ngôi chùa xưa, nhưng có quy mô nhỏ hơn rất nhiều.

Nói đến các công trình kiến trúc Phật giáo thời Lý, người ta thường nói đến tính quy mô của nó. Chùa Một Cột xưa (xây năm 1049) được dựng trên cột đá cao hàng vài chục mét, vươn lên giữa hai hồ Linh Chiểu và Bích Trí, như hình bông sen nở ngàn cánh, trong chùa có tượng mình vàng. Ðặc biệt chùa có quả chuông lớn, chuông Quy Ðiền nặng đến nỗi không thể treo được, phải đặt dưới đất. Chùa Phật Tích (Phượng Hoàng, Từ Sơn, Bắc Ninh) với tên chữ Vạn Phúc tự xây dựng năm 1057 gắn liền với truyền thuyết một tòa tháp cao chọc trời khi vỡ hiện ra pho tượng mình vàng uy nghi. Chùa được xây dựng với bốn cấp nền ăn sâu vào triền núi, mỗi lớp nền cao từ 4 đến 5 m. Lớp đầu tiên là nền đất, có chiều rộng 60 m, và chiều sâu 100 m, ba lớp nền sau được bó đá với chiều rộng khoảng 60 m, chiều sâu khoảng 100 m và được gắn kết với nhau bằng các bậc cầu thang. Kiến trúc ngôi chùa xưa chỉ còn lại bốn lớp nền, vừa qua chùa được xây dựng lại với quy mô khá bề thế để kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Cùng với kiến trúc chùa Phật Tích, chùa Dạm (Quế Võ, Bắc Ninh) được xây dựng năm 1086, trên núi Dạm. Ngôi chùa cũng gồm bốn lớp nền ăn sâu vào triền núi, mỗi lớp có chiều cao khoảng 5-6 m. Với diện tích rộng gần 8.000 m2, bề mặt của mỗi lớp rộng khoảng 65 m và chiều sâu của bốn lớp khoảng 120 m. Ngôi chùa bề thế đến mức Trần Nhân Tông khi đi vãn cảnh chùa đã viết: Bức tranh kiến trúc mười hai lớp - Mắt thấy thiên nhiên rộng vạn lần (Thập nhị lâu đài khai họa lục - Tam nhiên thế giới diệc thị màu). Tiếc rằng ngôi chùa bề thế đó ngày nay chỉ còn lại các nền móng, song vẫn có thể hình dung về quy mô của nó. Trong dân gian vẫn còn giai thoại kể về câu ca Trăng mười tám đóng cửa chùa Dạm rằng, dân thôn Tự Môn (Cửa Chùa) mỗi khi cùng nhà chùa đóng cửa, thì kể từ tiếng trống thu không điểm đến lúc trăng mười tám mọc mới đóng xong hết cửa chùa. Cùng với chùa Phật Tích, chùa Dạm, Bà Tấm, chùa Hương Lãng cũng là những công trình kiến trúc hết sức bề thế. Chùa Bà Tấm (Gia Lâm, Hà Nội) có bậc cửa ra vào rộng 12 m, thượng điện rộng đến 60 m, còn diện tích nội tự của chùa Hương Lãng rộng gần 40.000 m2.

Nói đến tính quy mô của kiến trúc Phật giáo thời Lý còn phải kể đến các tháp Phật. Tháp chùa thời Lý khác với tháp của những ngôi chùa thời sau, đó là nơi thờ Phật chứ không phải mộ của các nhà sư, là nơi để hành lễ chứ không phải để tưởng niệm. Tháp thời Lý thường ở vị trí trung tâm của ngôi chùa, được làm nhiều tầng, trở thành biểu tượng thiêng liêng nối trời với đất, tạo ra sự hòa hợp âm - dương, gửi gắm ý nguyện của phật tử với Ðức Phật trên cõi Niết Bàn. Các tháp Phật thời Lý như tháp Phật Tích, tháp Báo Thiên, tháp Chương Sơn... nay cũng chỉ còn lại nền móng, dựa vào công thức xây dựng tháp cổ và mô hình tháp bằng đất nung khảo cổ học tìm được, các nhà nghiên cứu phỏng đoán các tháp thời Lý thường cao hơn mười tầng và có chiều cao hàng mấy chục mét. Gần đây Viện Mỹ thuật có nghiên cứu và xác định chiều cao của tháp Phật Tích khoảng 36 m.

Nói đến những kiến trúc Phật giáo thời Lý, bên cạnh tính quy mô của những công trình, còn cần nhắc đến kết cấu chắc chắn, cân đối, mà ở đó nổi bật lên là dạng kết cấu mặt bằng hình vuông hướng vào trung tâm là nơi thờ Phật như chùa Một Cột, hoặc kết cấu tầng tầng lớp lớp mở rộng không gian từ ngoài vào trong như kiến trúc chùa Phật Tích, chùa Dạm. Ngoài ra nói đến chùa thời Lý thường đi liền với cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, gắn với núi, với sông, với những cánh đồng mênh mông tạo thành những phong cảnh hữu tình, hòa hợp giữa con người và trời đất. Và trang hoàng cho các công trình đó là những tác phẩm hội họa, điêu khắc, với hình ảnh rồng, phượng, mây, sóng, hoa sen, hoa cúc, nhạc công, tiên nữ... làm cho công trình trở nên bay bổng, tạo ra chốn tiên cảnh ở trần gian vừa như thực lại vừa như mơ. Ngày nay, qua dấu tích còn lại với những nền móng, chân tảng, những viên ngói bò chạm rồng chạm phượng, v.v. cùng các thư tịch người xưa để lại, chúng ta có thể hình dung ra kiến trúc Phật giáo thời Lý, một loại công trình nổi bật trong lịch sử kiến trúc Việt Nam. Và đó chính là những di sản văn hóa vật thể, thể hiện tâm hồn hiền hậu, lối sống hiền hòa vốn có của người Việt, đồng thời là khát vọng của một vương triều đã hòa chung với khát vọng của nhân dân để cùng cầu mong xây dựng một đất nước phồn vinh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực