|
Hoạt động bảo tồn Khu Di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê được tiến hành thường xuyên. (Ảnh: Ban quản lý Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê cung cấp) |
Trong số hàng trăm di tích văn hóa Óc Eo được phát hiện trên khắp Đồng bằng sông Cửu Long, mật độ di tích tìm thấy khá dày ở An Giang. Hiện nay, 84 di tích văn hóa Óc Eo đã được kiểm kê nằm trên địa bàn 10 huyện/thị trong tỉnh. Trong đó, Khu di tích Óc Eo - Ba Thê không chỉ nổi bật nhất trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long mà còn được nhiều nhà khoa học đánh giá là khám phá khảo cổ học lớn ở Đông Nam Á, bởi lẽ đưa đến những cứ liệu cụ thể, tôn chỉ liên quan trực tiếp đến lịch sử - văn hóa của các quốc gia cổ đại đầu tiên ở Đông Nam Á (Đào Linh Côn, Lê Xuân Diệm 2010).
Theo ThS. Lê Thị Hậu, Ban Quản lý Di tích Văn hóa Óc Eo, vào cuối thế kỷ XIX, các nhà khảo cổ đã tìm thấy ở Khu di tích này khá nhiều tài liệu mang đặc trưng văn hóa Óc Eo như: bia có khắc chữ Phạn, đền tháp cổ, các loại tượng thần Bà La Môn giáo, các loại tượng Phật giáo, sọ người, dụng cụ bằng đá, di tích thành phố…
Trong số các hiện vật văn hóa Óc Eo, có 2 hiện vật là tượng thần Vishnu của Bà La Môn giáo đã chuyển hóa thành tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu (tượng bà Chúa Xứ ở Châu Đốc) và Đức Phật (tượng Phật bốn tay ở Chùa Linh Sơn). Đây là nét độc đáo, là sự hòa hợp văn hóa từ thuở xưa cho đến ngày nay trên vùng đất An Giang - ThS. Lê Thị Hậu nhận xét.
Theo ThS Lê Thị Hậu, về giá trị lịch sử, từ nguồn tư liệu khảo cổ học thu thập được trong cuộc khai quật đầu tiên ở cảng thị Óc Eo, giới sử học nước ngoài đã sớm có căn cứ khoa học xác định miền Tây sông Hậu chắc chắn là phần lãnh thổ của Vương quốc Phù Nam.
Khi các nhà khoa học Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, sử liệu khảo cổ Óc Eo có tính quyết định liên quan đến sự tồn tại đích thực của nước Phù Nam trong khung niên đại từ thế kỷ I, II đến thế kỷ VII sau Công nguyên.
Khu di tích Óc Eo - Ba Thê là chứng tích vật thể quan trọng chỉ rõ thành tựu to lớn của cộng đồng cư dân tại chỗ đã chủ động vừa khai phá vùng châu thổ, vừa không ngừng hòa nhập khai thác nguồn lực con người và tài nguyên ngoại nhập xây dựng nên một xã hội mới - văn hóa mới tiên tiến thời bấy giờ.
Kinh nghiệm lịch sử để lại là kinh nghiệm khai phá, xây dựng các khu dân cư trong vùng nước nổi; là sự phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa vùng đất sình lầy, phát triển giao thông xuyên vùng; là quá trình hội nhập văn hóa tộc người Đông - Tây để phát triển; là quá trình bản địa hóa các sản phẩm vật thể, phi vật thể từ các quốc gia lớn, mà chủ yếu từ Ấn Độ. Đây là những kinh nghiệm rất thiết thực trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay (Đào Linh Côn, Lê Xuân Diệm 2010).
Về giá trị văn hóa, tiến trình văn hóa ở Nam Bộ trong thiên niên kỷ thứ nhất trước Công nguyên đến thiên niên kỷ I sau Công nguyên được xác lập bởi văn hóa khảo cổ 3 giai đoạn là: văn hóa tiền Óc Eo, văn hóa Óc Eo và văn hóa hậu Óc Eo.
Tiến trình này được ghi nhận tương đối rõ ràng ở Khu di tích Óc Eo - Ba Thê. Đặc biệt, tại di tích Gò Tư Trâm, có 3 tầng văn hóa tương ứng với 3 giai đoạn phát triển, từ tiền Óc Eo đến Óc Eo và hậu Óc Eo, tương ứng với các mốc từ thế kỷ I, II trước Công nguyên đến thế kỷ III sau Công nguyên; từ thế kỷ IV đến thế kỷ VI sau Công nguyên (giai đoạn văn hóa Óc Eo) và từ thế kỷ VII về sau đến thế kỷ XIX (giai đoạn hậu Óc Eo).
Cư dân cảng thị Óc Eo dựng nhà sàn trên cọc gỗ song song với việc khơi sâu lung lạch, đào kênh lớn nhỏ. Đây là những công trình có ý nghĩa chiến lược, tạo nên nền tảng hạ tầng cho xã hội. Kênh đào ở cảng thị Óc Eo là một công trình nhân tạo có quy mô rộng lớn, phát triển liên tục hơn nửa thiên niên kỷ thứ nhất sau Công nguyên. Nó là bằng chứng vật chất về trí tuệ, sự sáng tạo, quyết tâm và lòng can đảm, tri thức thủy văn sâu sắc của con người, sự tiến bộ về kỹ thuật kiểm soát và khai thác nguồn nước mặt phục vụ hoạt động kinh tế, thương mại, cải tạo môi trường trong những điều kiện tự nhiên khó khăn và phức tạp, nhằm chinh phục, cải tạo vùng đất trũng rộng lớn này.
Năm 2012, Khu di tích Óc Eo - Ba Thê được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Cũng năm đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định phê duyệt thực hiện xây dựng Hồ sơ Khu di tích Óc Eo - Ba Thê trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.
Năm 2014, Khu di tích này nằm trong top 10 điểm du lịch ấn tượng, thu hút hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước tới thăm quan.
Với vai trò là địa phương trung tâm của nền văn hóa Óc Eo ở Nam Bộ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang đã chi hàng chục tỷ đồng cho phát triển hạ tầng cơ sở; sớm hình thành Ban Quản lý Di tích Văn hoá Óc Eo, với nguồn nhân lực 30 người để bảo quản, phát huy giá trị di tích.
Ông Nguyễn Hữu Giềng, Giám đốc Ban Quản lý Di tích Văn hoá Óc Eo cho biết, trải qua hơn 10 năm, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Óc Eo đã đạt được nhiều thành tựu, đậm nét nhất là bảo tồn thường xuyên các di tích đã được lộ thiên bằng cách xây dựng nhà trưng bày, mái che… đảm bảo các hiện vật được bảo quản kịp thời; tích cực giải phóng mặt bằng, với diện tích đất thu hồi gần 10 ha liên quan đến 46 hộ dân để có đất sạch bàn giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam khai quật khảo cổ trong Đề án nghiên cứu cấp quốc gia Văn hóa Óc Eo Nam Bộ thực hiện từ 2017 - 2020.
Đơn vị chuyên môn đã xây dựng được nhiều bộ sưu tập với số lượng hàng ngàn hiện vật, gồm các loại đồ gốm, trang sức thủy tinh, kim loại, đồ gỗ và tượng thờ. Năm 2017, sưu tầm được 45 đồng tiền Óc Eo. Hiện nay, đã có 7 hiện vật trong những hiện vật khai quật tại Khu di tích Óc Eo - Ba Thê được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia. Đó là những hiện vật gốc độc bản, có giá trị đặc biệt về tư tưởng, nhân văn, giá trị thẩm mỹ tiêu biểu của văn hóa Óc Eo.
|
Chuyên gia Hàn Quốc hợp tác nghiên cứu về các giá trị của nền văn hoá Óc Eo - Ba Thê. (Ảnh: Ban quản lý Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê cung cấp) |
Căn cứ Thông báo ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Công văn của Văn phòng Chính phủ; được sự phối hợp và hỗ trợ của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, tỉnh An Giang đã hoàn thành Báo cáo tóm tắt lập Hồ sơ đề cử (giai đoạn 1) và Trung tâm Di sản thế giới đã ghi danh Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê vào danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản văn hóa thế giới.
Hiện nay, bước sang giai đoạn 2, với sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn ở Trung ương, An Giang đã sẵn sàng thực hiện Quy trình tập trung theo Công ước 1972 của UNESCO, đón Trung tâm Di sản thế giới đến khảo sát, đánh giá khả năng đề cử Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới.
Hoạt động hợp tác quốc tế về bảo tồn, phát huy giá trị di tích cũng được đẩy mạnh, thông qua việc phối hợp với các đối tác tổ chức triển lãm quốc tế, trưng bày tại Hàn Quốc nhằm quảng bá di sản văn hóa Óc Eo thu hút hàng chục nghìn người Hàn Quốc và khách quốc tế thăm quan. Các đối tác nước ngoài cũng đã hỗ trợ hàng tỷ đồng cho công tác nghiên cứu và triển lãm văn hóa Óc Eo, góp phần phát huy giá trị di sản, tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc.
Điểm nhấn đáng chú ý là Khu Di tích đã ứng dụng công nghệ thông tin triển khai hệ thống thuyết minh tự động thông qua mã QR tại Nhà Trưng bày Văn hóa Óc Eo và các điểm di tích phục vụ khách tham quan. Phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ Vinasa xây dựng phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu, lập bản đồ 84 điểm di tích trên địa bàn tỉnh An Giang, giúp công tác quản lý được tốt hơn và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách tra cứu thông tin, hướng dẫn điểm đến các di tích.
TS. Nguyễn Khánh Trung Kiên, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, cho rằng việc nhận diện và phát huy các giá trị di sản văn hóa của Khu di tích khảo cổ học Óc Eo - Ba Thê rất quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của tỉnh An Giang giai đoạn sắp tới. Làm thế nào để vừa bảo tồn di sản của tiền nhân, vừa biến nó thành những điều kiện phát triển kinh tế bền vững là một vấn đề cần quan tâm và sự đầu tư của các cấp, các ngành./.