Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Hội An. Theo ông Trung, Hội An đã tận dụng tốt các yếu tố “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để phục vụ cho công tác quản lý, bảo tồn và phát huy di sản trên địa bàn.
“Nếu thiếu một trong những yếu tố này thì Hội An khó làm được. Bởi nếu có quyết tâm mà người dân Thành phố (TP) không ủng hộ thì chính quyền và ngành chức năng không làm được; còn nếu người dân ủng hộ mà không có chủ trương, quyết sách đúng thì cũng không thành công; hoặc nếu giữa chính quyền và người dân đã cùng đồng thuận nhưng không đủ kiến thức, kinh nghiệm, nhất là sự trợ giúp về chuyên môn của các chuyên gia, tổ chức ngoài nước thì cũng không thể đạt được thành tựu như hôm nay”- ông Trung bày tỏ.
Ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Hội An trao đổi với phóng viên
Khẳng định về những kết quả và kinh nghiệm có được trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy các di sản tại địa phương, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Hội An Nguyễn Chí Trung cho biết thêm: Không phải Hội An tài giỏi hơn nơi khác mà thực sự là Hội An rất may mắn, bởi vì TP vừa sở hữu một Di sản thế giới trong mình, đồng thời cũng may mắn nhận được sự ủng hộ của người dân, sự hỗ trợ giúp đỡ của các chuyên gia trong và ngoài nước giàu kinh nghiệm đến giúp đỡ để Hội An gìn giữ và bảo tồn, phát huy tốt các giá trị của di sản. Từ đó, TP biến những giá trị của di sản thành du lịch. Du lịch trở trành thế mạnh, mở ra hướng đi đầy triển vọng cho TP.
Ngoài ra, ông Trung cũng cho rằng, Hội An là một di sản do cha ông để lại, trong suốt chặng đường dài, trải qua nhiều năm tháng thăng trầm của thời gian và chiến tranh nhưng đã không bị tàn phá. Hội An cũng không bị đô thị hóa như Đà Nẵng hay các thành phố lớn khác của miền Nam nước ta.
“Trong chiến tranh, Hội An là cơ quan tỉnh lỵ của Quảng Nam, nằm biệt lập về phía biển và không bị tàn phá bởi chiến tranh. Nhờ đó, Hội An khác với thành cổ Quảng Trị hay cố đô Huế thời kỳ Mậu Thân; những nơi này đã bị đạn pháo chiến tranh tàn phá. Sau ngày giải phóng, giai đoạn đầu Hội An gặp khá nhiều khó khăn, đời sống kinh tế của người dân nơi đây khá thấp, bởi kinh tế nông nghiệp gần như không có gì, ngư nghiệp thì nhỏ bé, dịch vụ chưa làm được… Tuy nhiên, kể từ những năm 80 thế kỷ trước, đất nước có nhiều chuyển hướng, đổi mới. Cùng thời gian này, các chuyên gia quốc tế cũng có sự quan tâm đến Hội An. Chính họ đã tác động nhất định đến nhận thức của người dân và các cấp chính quyền TP trong bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị di sản của Hội An. Những vấn đề nêu ra ở trên cho thấy, có nhiều cơ may đối với Hội An, nhờ cơ may này mà Hội An giữa được hệ thống các di tích, di sản trong lòng mình, để “trở mình” thành điểm đến tham quan của du khách thập phương tìm đến. Hơn ai hết, chính người dân Hội An đã được hưởng lợi từ di tích và thấy được lợi ích thực sự mà di tích mang lại, từ đó ra sức bảo tồn, gìn giữ và phát huy”- Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Hội An Nguyễn Chí Trung nhận định.
“Điều đáng nói, từ thực tế và những chuyển biến trên, liên tiếp nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo Hội An rất quan tâm đến bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị kinh tế của di sản Hội An, đưa kinh tế Hội An phát triển, đi lên. Đồng thời, nhiều tổ chức quốc tế, nhất là từ Nhật Bản và các chuyên gia của Ba Lan đã đến, giúp đỡ TP nhiều kinh nghiệm,qua đó đã tăng cường nhận thức của cộng đồng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Từ đó Hội An có thêm điều kiện để bảo tồn và phát huy, trong đó con đường chính là phát triển du lịch”- ông Nguyễn Chí Trung khẳng định.
Tuy nhiên, bài toán quản lý và bảo tồn, phát huy si sản Hội An trong thực tế không chỉ có may mắn mà quan trọng hơn chính là quyết tâm của cả hệ thống chính trị và của người dân TP này. Nói như ông Trung: “Để bảo tồn được, nói gì thì nói phải có các quy định để diều chỉnh mọi hoạt động, ứng xử của các tổ chức, cá nhân tại đây. Điều đáng mừng là từ xa xưa, trong suốt thời gian tồn tại của mình, Hội An luôn có những quy ước, hương ước trong cộng đồng. Phát huy các quy ước, hương ước này, chính quyền TP.Hội An đã xây dựng nên những quy chế mới, rất riêng của mình. Đây là cơ sở để người dân thực hiện, đóng góp vào quá trình gìn giữ, bảo tồn của Hội An”.
Cũng theo ông Trung, để quản lý một di sản sống như Hội An, tất nhiên có nhiều vấn đề liên quan đến các Luật (từ Luật di sản, Luật đất đai, Luật cư trú, Luật xây dựng…) chi phối. Tuy nhiên, Luật luôn ở tầm lớn, vĩ mô; còn thực tế Hội An là những đặc thù vốn có từ bao đời để lại, còn ảnh hưởng nhiều với người dân và cuộc sống thực tại. “Do vậy, nếu không có quy chế riêng để điều chỉnh thì rất khó”- ông Trung khẳng định và cho biết thêm: Trong những quy chế riêng của Hội An hiện nay có những vấn đề rất cụ thể để người dân tham gia.
Cụ thể là Hội An hiện có đến 06 quy chế quy định từng lĩnh vực như: Quy chế về quản lý, tu bổ, sử dụng khu phố cổ; quy chế về trật tự kinh doanh; quy chế về biển hiệu quảng cáo; quy chế về tham quan, du lịch; quy chế về hoạt động du lịch trên sông; quy chế về các cơ chế phối hợp quản lý di sản. Các quy chế này quy định, chi phối cơ chế quản lý, sử dụng di tích; quy định việc buôn bán, làm du lịch trong di tích; quy định các hạng mục sửa chữa, thời gian cho phép sủa chữa các di tích, nhất là những di tích hạng 1, hạng 2 và cả hạng đặc biệt…
Tất cả những quy chế này đều được chính quyền TP.Hội An công khai, minh bạch để người dân nắm bắt, đồng thuận và tham gia thực hiện. Cùng với đó, để đưa các quy chế đi vào cuộc sống, từ nhiều năm qua chính quyền TP.Hội An đã ban hành một “cẩm nang” để các chủ di tích căn cứ thực hiện. Trong “cẩm nang” này đã chi tiết từng nội dung, lĩnh vực, đặc biệt là chi tiết từng ngôi nhà cổ thuộc hạng nào, thuộc khu vực nào, khi muốn sửa thì được sửa những gì, hạng mục nào; thời gian sửa chữa; thời gian cấp phép bao lâu…
Chùa Cầu Hội An
Ngoài những nỗ lực trên, chính quyền và ngành chức năng của TP thường xuyên điều tra, thống kê, phân loại di sản để công khai. Việc giải quyết các thủ tục hành chính có liên quan đến cấp phép sửa chữa các hạng mục trong khu vực di sản đều qua Văn phòng “Một cửa”, “Một cửa liên thông". Người dân, nhất là các chủ si sản có quyền được hưởng các quyền lợi cũng như trách nhiệm theo quy định trong các quy chế ban hành.
Trong khi đó, ở góc độ quả lý nhà nước, quy chế cũng cụ thể các cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý với cơ quan chuyên môn, với các cấp chính quyền, các đội quy tắc đô thị. Trên cơ sở đó có những biện pháp giải quyết phù hợp với lợi ích người dân, đảm bảo nguyên tắc công bằng và bảo tồn di tích. Điều này là rất quan trọng bởi nhờ đó mà Hội An đã huy động được cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc trong công tác giải quyết các vấn đề có liên quan đến bảo tồn, phát huy di sản, đồng thời cũng là cơ sở để mọi người dân cũng phối hợp thực hiện.
Bên cạnh những kết quả trên, đại diện Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản Hội An cũng cho hay, để đảm bảo cho việc gìn giữ, bảo tồn di sản Hội An nhiều năm qua có công không nhỏ của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đến từ các tổ chức trong nước và quốc tế. Chính lực lượng này đã trực tiếp khảo sát, đề xuất nhiều giải pháp trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di sản. Chính lực lượng cũng đã trực tiếp đến gặp gỡ người dân, gặp gỡ chủ di tích để tuyên truyền, nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo quản gắn với sử dụng, phát huy di tích…Thông qua những công việc cụ thể của các chuyên gia này, đội ngũ cán bộ, chuyên môn làm công tác bảo tồn di sản của Hội An cũng đã học tập, tiếp thu nhiều kinh nghiệm để áp dụng, làm tốt nhiệm vụ của mình. Cùng với đó, Hội An đã dần hoàn thiện bộ máy, nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ hiện nay.
Một vấn đề lớn đáng nói nữa là Hội An rất coi trọng vấn đề bảo tồn di sản đi đôi với chia sẻ lợi ích cho cộng đồng. Khi lợi ích đem lại cho cộng đồng thì lợi ích đó phải được chia sẻ cho từng đối tượng có liên quan. Với những người trực tiếp sở hữu di tích, TP ưu tiên những quyền lợi cho đối tượng này tùy vào loại di tích, cấp độ của di tích mà họ sở hữu, sử dụng.
Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực và kết quả đạt được, hiện Hội An cũng đang đối mặt với không ít khó khăn, lo lắng liên quan giữa bảo tồn, phát huy di sản với mặt trái của kinh tế thị trường, nhất là xu thế nhập cư ngày càng đông từ khắp mọi nơi về Hội An làm ăn, buôn bán, du lịch…
“Với lượng người đến Hội An ngày một đông sẽ tạo nên nhiều áp lực về giao thông; sinh hoạt, buôn bán; môi trường sinh thái….Điều đó cũng kéo theo những nguy cơ làm nhiều nét truyền thống của Hội An xưa bị phai nhòa; một số di tích quá tải, hư hỏng, xuống cấp…Trong khi đó, thời gian qua Hội An xây dựng các quy chế liên quan để hoạt động và quản lý, bảo tồn, phát huy các di sản. Song trên thực tế, với chủ trương đẩy mạnh cải cách nền hành chính, việc ban hành các quy chế này không khác là những “Giấy phép con”. Mà đã là giấy phép con thì phải bãi bỏ. Nhưng nếu bỏ đi các quy định này thì việc áp dụng các Luật có liên quan như Luật di sản, Luật cư trú, Luật đất đai…khó có thể bao quát hết; bởi các Luật chỉ là những quy định trên phạm vi lớn, vĩ mô trong khi các vấn đề thường nhật của Hội An, của khu phố cổ và tại nhiều di tích còn có những yếu tố mang tính truyền thống, tâm lý bao đời của người Hội An, đòi hỏi phải có những quy định phù hợp, điều này chỉ có với những quy định được Hội An đã cụ thể hóa từ các quy ước, hương ước lâu nay”- Ông Nguyễn Chí Trung khẳng định thêm.
Do đó, theo ông Trung, hiện Hội An đang tập hợp 06 quy chế đã nêu trên để hình thành một quy chế chung mới, có nhiều nội dung, đề cập đến nhiều khía cạnh của cuộc sống địa phương để trình UBND tỉnh Quảng Nam ban hành. Đồng thời, hiện TP.Hội An cũng đang đề nghị UBND tỉnh Quảng Nam xây dựng, trình Chính phủ ban hành quy chế đặc thù riêng cho Hội An.
Một góc phố cổ Hội An
Về nhiệm vụ trước mắt, ông Nguyễn Chí Trung cho biết, hiện nay Hội An đang tập trung nghiên cứu để có cơ sở ban hành một số quy định về ứng xử nhằm dung hòa các lợi ích của cộng đồng và xã hội; đặc biệt tạo một ứng xử hài hòa giữ người Hội An bản xứ với người nhập cư, tạm cư với mong muốn tất cả mọi người khi đến Hội An làm ăn, buôn bán, công tác đều coi Hội An là quê hương của mình. Chỉ có vậy mới khơi dậy và phát huy vai trò chung tay của xã hội để giữ gìn, xây dựng và phát huy các giá trị di sản ở Hội An nói chung và đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của Hội An hiện đại nhưng giàu yếu tố truyền thống ngàn đời nay.
Cùng với những nhiệm vụ trên, Hội An đang tiếp tục lắng nghe, sẵn sàng tiếp thu và học tập kinh nghiệm từ các tổ chức, các chuyên gia quốc tế về bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị di sản; tiếp tục quan tâm đưa du lịch và khai thác hệ thống di tích trên địa bàn, đưa du lịch thực sự là ngành kinh tế chủ yếu của địa phương, trong đó lấy kinh tế du lịch đểqua đó góp phần thúc đẩy, nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn TP.
Đặc biệt, Hội An đang tiến hành quy hoạch và bổ sung các quy hoạch từ tổng thể đến chi tiết; quy hoạch gắn với đầu tư, nâng cấp, bảo tồn, phát huy các di sản gắn với phát triển kinh tế du lịch cũng như bảo vệ môi trường sinh thái, biển và đảo mà Hội An đang sở hữu.
Ngoài ra, TP Hội An cũng đang tiếp tục đầu tư, hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; tiếp tục xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn về công tác quản lý, bảo tồn, khai thác các di tích, di sản trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu phát triển của Hội An cả trước mắt lẫn lâu dài./.