Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII, Tổng Bí thư Tô Lâm nhận định: “Với những thành tựu vĩ đại sau gần 80 năm lập nước, với thế và lực đã tích lũy được, với thời cơ, vận hội mới, chúng ta đã hội tụ đủ điều kiện và đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, kỷ nguyên phát triển, giàu mạnh, thực hiện thành công tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh và ước vọng của toàn dân tộc, xây dựng thành công nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Để hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước, năm 2024 Bộ và toàn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã và đang khẩn trương “tăng tốc để về đích”, hoàn thành các nhiệm vụ đề ra từ đầu nhiệm kỳ. Với tư duy chỉ đạo chuyển “từ làm văn hóa sang quản lý nhà nước về văn hóa”, Bộ VHTTDL đã tham mưu thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao: tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 162/2024/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 với tổng mức đầu tư 5 năm giai đoạn 2025 - 2030 là trên 122.250 tỷ đồng và Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) với nhiều chế định mới, kiến tạo không gian mới cho VHTTDL phát triển. Bộ VHTTDL cũng đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành: Quyết định phê duyệt quy hoạch mạng lưới văn hóa cơ sở và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2045; Quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến 2045; Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Chỉ thị về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam… Đây là những điểm nhấn có tính chất đột phá của Ngành, vượt qua tư duy nhiệm kỳ, thể hiện tầm nhìn chiến lược, tạo bước chuyển biến căn bản về chất trong xây dựng thể chế phát triển của Bộ và Ngành.
|
Công tác xây dựng môi trường văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. |
Một trong những điểm nhấn nổi bật, có tính chất bao trùm đó là Bộ đã không ngừng quan tâm phát triển nguồn nhân lực để nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, quản lý, quản trị, xây dựng thể chế phát triển và tổ chức thực hiện quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm. Mỗi năm, Bộ đều chọn chủ đề công tác phù hợp với lộ trình và bước đi đã được xác lập từ đầu nhiệm kỳ. Với chủ đề công tác năm 2024: “Tăng tốc, sáng tạo, về đích” và phương châm: “3 Quyết tâm, 4 Chủ động, 5 Hiệu quả”, Bộ đã huy động sức mạnh tổng hợp, quán triệt tư duy phát triển mới, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thông qua kiến tạo cơ chế; đánh giá sự phát triển của VHTTDL theo hướng tăng định lượng, giảm định tính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tập trung hướng về địa phương, cùng với địa phương, đồng hành cùng địa phương tìm cách tháo gỡ về cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cùng địa phương.
Công tác xây dựng môi trường văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiệm vụ này tiếp tục đẩy mạnh theo hướng ngày càng thực chất hơn, gắn với xây dựng con người văn hóa, lấy địa bàn cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể sáng tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa; gia đình văn hóa là nơi để góp phần hình thành con người văn hóa. Xây dựng môi trường văn hóa được sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của mỗi chủ thể, mỗi người dân thông qua thực hành văn hóa hằng ngày. Trong đó, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí; Bộ Công Thương, Bộ VHTTDL phối hợp với Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam tăng cường xây dựng môi trường văn hóa doanh nhân trong doanh nghiệp… Đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo, điển hình về gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, làng văn hóa gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được phát triển mạnh mẽ trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Điểm nhấn đậm nét trong năm 2024 chính là sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp văn hóa. Có thể nói, các lĩnh vực như nghệ thuật biểu diễn, điện ảnh và du lịch văn hóa… chưa bao giờ lại phát triển với tần suất, quy mô, số lượng, chất lượng đa dạng, phong phú, hiện đại, áp dụng nhiều công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, huy động được nhiều giới, nhiều tổ chức tham gia như hiện nay. Ngoài những chương trình, sự kiện nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước như “Điện Biên Phủ - Mốc vàng lịch sử” kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; các cuộc Liên hoan phim Quốc tế TP Hồ Chí Minh, Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần VII, Liên hoan phim châu Á - Đà Nẵng… do Bộ chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức, chúng ta còn chứng kiến hàng trăm sự kiện ca múa nhạc, điện ảnh do các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp tổ chức có tính chất quốc gia, quốc tế đã thu hút hàng triệu lượt khán giả và đạt doanh thu hàng chục triệu USD. Tiêu biểu như: Concert của các chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, Anh trai say hi, chương trình Jazz quốc tế lần thứ I - Nha Trang 2024... tạo được hiệu ứng tích cực, góp phần kích cầu du lịch, thu hút đầu tư và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Theo thống kê, các ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp gần 4,4% vào GDP của đất nước.
Công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa có nhiều khởi sắc theo hướng gắn phát triển di sản với chuyển đổi số. Các dự án số hóa các di tích văn hóa, như Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long… tạo nhiều không gian phát triển mới, kết nối để tỏa sáng. Di sản văn hóa đã từng bước trở thành nguồn lực góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững. Năm 2024, chúng ta có 2 di sản văn hóa được UNESCO ghi danh: “Những bản đúc trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế của Việt Nam” là Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương” và “Lễ hội Vía bà Chúa Xứ núi Sam” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
|
Di sản văn hóa đã từng bước trở thành nguồn lực góp phần phát triển đất nước nhanh và bền vững |
Đối ngoại văn hóa tiếp tục có những bước chuyển mạnh mẽ từ “giao lưu” sang “hợp tác”. Năm 2024, Bộ đã tiến hành đàm phán và ký kết 11 văn kiện hợp tác quốc tế, trong đó có 2 thỏa thuận quốc tế nhân danh Chính phủ và 9 thỏa thuận quốc tế cấp Bộ. Văn hóa, nghệ thuật Việt Nam tiếp tục hiện diện đa dạng và sâu sắc hơn trong các diễn đàn song phương và đa phương. Bộ đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước tổ chức các Tuần, ngày, lễ hội văn hóa du lịch Việt Nam tại các nước và các nước tại Việt Nam như: Tuần Văn hóa Việt Nam tại Nga, Lễ hội văn hóa - du lịch Việt Nam tại Trùng Khánh, Trung Quốc; Ngày Văn hóa Việt Nam tại Mông Cổ… đẹp, giàu bản sắc văn hóa, yêu chuộng hòa bình, thủy chung và mến khách. Đồng thời, góp phần xúc tiến du lịch, đầu tư, thương mại, đưa Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.
Thể thao Việt Nam năm 2024 có nhiều nỗ lực, vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Bộ VHTTDL đã tham mưu trình Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 70-KL/TW, ngày 31/1/2024 về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tạo đà cho thể thao phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Thể thao quần chúng năm qua phát triển mạnh mẽ với nhiều mô hình mới được triển khai, tiếp tục tạo đà và nền tảng cho thể thao thành tích cao; đồng thời nâng tỷ lệ người dân tham gia tập luyện thể dục, thể thao giúp cho dân cường, nước thịnh.
Thể thao thành tích cao ngày càng được chú trọng đầu tư cả về cơ sở vật chất đến chất lượng đào đạo, tập luyện và thi đấu. Tại Olympic Paris 2024, chúng ta đã có 16 VĐV/11 môn giành suất tham dự. Mặc dù không đạt được huy chương, nhưng toàn đoàn, nhất là các huấn luyện viên, các vận động viên đã cố gắng, nỗ lực hết mình vì tinh thần thể thao cao thượng và màu cờ sắc áo của Tổ quốc. Điểm nhấn ấn tượng là Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên giành Huy chương Đồng thế giới tại Cúp bóng chuyền thế giới - FIVB Challenge Cup 2024 và lần thứ hai vô địch châu Á Cúp bóng chuyền châu Á - AVC Challenge Cup 2024. Khép lại năm 2024, thể thao Việt Nam (TTVN) đã giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế, trong đó có 482 huy chương vàng, 360 huy chương bạc 372 huy chương đồng.
Du lịch Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Trên cơ sở các chủ trương của Đảng và Nhà nước về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ đã chủ động đồng hành cùng với các địa phương tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, tập trung phát triển du lịch hướng tới “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh, sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”. Tổ chức xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm có quy mô quốc gia, quốc tế với điểm nhấn lần đầu tiên tổ chức xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới” và đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất của UN Tourism tại Hội an.
Các sự kiện đã để lại tiếng vang rất lớn trong giới doanh nghiệp và những nhà làm điện ảnh của Hoa Kỳ, cũng như nhiều bạn bè trên thế giới về tiềm năng du lịch và điện ảnh của Việt Nam. Cùng với đó, Bộ đã chủ động đồng hành cùng với các địa phương tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, cùng với địa phương triển khai và phát triển nhiều mô hình du lịch thông minh, sáng tạo, bền vững. Giải thưởng Du lịch thế giới đã tôn vinh Việt Nam ở ba hạng mục: “Điểm đến hàng đầu châu Á 2024”, “Điểm đến di sản hàng đầu châu Á 2024” và “Điểm đến thiên nhiên hàng đầu châu Á 2024”. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, sáng tạo Du lịch Việt Nam năm 2024 đã đạt chỉ tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính giao với những con số rất ấn tượng: Gần 110 triệu lượt khách nội địa; gần 17,5 triệu lượt khách quốc tế với tổng thu ước đạt 840 nghìn tỷ đồng, đóng góp thực chất cho tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng thẳng thắn nhận thấy, ngành VHTTDL vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức với những điểm nghẽn, nhất là điểm nghẽn về thể chế, khoảng trống pháp luật cần phải tiếp tục được quan tâm tháo gỡ. Đó là mâu thuẫn giữa nhận thức, và mong muốn của xã hội với chức năng, nhiệm vụ của Bộ VHTTDL; mâu thuẫn giữa mục tiêu cần hướng đến và nguồn lực được phân bổ cho mục tiêu này còn khó khăn, hạn chế về cơ chế; nhân lực chất lượng cao cho ngành Văn hóa đang còn thiếu, đặc biệt là những chuyên gia đầu ngành trong quản lý, nghiên cứu sâu về văn hóa, nghệ thuật. Bên cạnh đó, ngành VHTTDL cũng đang thiếu cơ chế để phân tích dự báo phát triển Ngành, nhất là công tác thống kê. Đồng thời, những tác động mặt trái của cơ chế thị trường cũng đang tạo nên thách thức cho sự phát triển của văn hóa. Chính vì vậy, để khắc phục, giải quyết những vấn đề trên đòi hỏi phải có lộ trình với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt, tăng tốc và bứt phá.
|
Du lịch Việt Nam tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. |
Có thể nói, năm 2024, toàn ngành VHTTDL đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương; được các cấp, các ngành từ Trung ương đến cơ sở, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng, ủng hộ. Những thành quả của năm 2024, cùng với những kết quả đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ 2021 - 2025 tới nay đã tạo tiền đề, bệ đỡ quan trọng để toàn Ngành thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Bước sang năm 2025, năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, năm gắn với nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, của Đảng và của Ngành VHTTDL như: Kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025); 50 năm Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4//1975 - 30/4/2025); 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025); 100 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025); 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9; 80 năm truyền thống Ngành Văn hóa… Đặc biệt, một năm được dự báo tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến đổi bất định, bất thường, khó dự báo; cuộc cạnh tranh sức ảnh hưởng về địa chính trị, vị thế kinh tế, quân sự, văn hóa và làm chủ thế giới về khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo… ngày càng trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.
Để cụ thể hóa Nghị quyết của Đảng và tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: “Đòi hỏi tất cả các cấp, các ngành, các địa phương phải có tư duy đổi mới, đột phá với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”; “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”; “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi”, Bộ và ngành VHTTDL sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm sau:
Một là, toàn Ngành, mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải thấm nhuần tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, của toàn dân tộc về thời cơ, nội hàm, giải pháp chiến lược thực hiện mục tiêu kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Xác định rõ tâm thế để thông suốt về tư tưởng, phân tích, đánh giá đúng thực trạng của Ngành gắn mục tiêu chung của đất nước để chọn cách đi, cách làm bài bản, khoa học, quyết liệt hành động, làm đến đâu dứt điểm đến đó, với phương châm không sợ khó, không bàn lùi, có trọng tâm, trọng điểm, huy động được sức mạnh tổng hợp để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam thật sự là sức mạnh nội sinh, là động lực, nền tảng, điều tiết sự phát triển bền vững, thịnh vượng của dân tộc.
Sau một chặng đường dài phát triển, đến nay, ngành VHTTDL tiếp tục nhận được sự quan tâm, chăm lo toàn diện, đồng bộ, sâu sắc của Đảng như hiện nay. Tư tưởng, quan điểm của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện hơn. Nếu như Nghị quyết Trung ương 5 - khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc mới đề cập đến phát triển văn hóa mà chưa bao hàm đầy đủ gắn với phát triển con người, thì đến Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, văn hóa được lượng hóa gắn bó mật thiết với phát triển con người. Đây là vấn đề hết sức quan trọng để văn hóa, cùng với con người trở thành động lực, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước. Và cho đến Hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 và dự thảo các văn kiện chuẩn bị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, tư tưởng, quan điểm về phát triển văn hóa và con người được Đảng ta tiếp tục đề cập ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn, “văn hóa không chỉ nền tảng tinh thần, là sức mạnh nội sinh, mà văn hóa chính là động lực, nền tảng, điều tiết sự phát triển bền vững của đất nước”. Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ VHTTDL, các cấp, cấp ngành, các địa phương cần xây dựng thành các chương trình hành động cụ thể để đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống.
Hai là, toàn Ngành tiếp tục hoàn thiện thể chế, thể chế chính là “đột phá của đột phá”; theo đó hệ thống thể chế phải ngày càng thông thoáng, kiến tạo phát triển với tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tạo không gian phát triển mới” và phân cấp ngày càng sâu cho địa phương theo hướng “Địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Chủ động xây dựng các văn bản dưới Luật và chính sách cụ thể để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để đảm bảo chính sách đi ngay vào cuộc sống, không có độ trễ. Tập trung nghiên cứu tham mưu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để quản lý và tạo không gian phát triển mới cho những lĩnh vực còn khoảng trống về pháp lý như: Các ngành công nghiệp văn hóa, nghệ thuật biểu diễn, văn học… Song song với đó, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương về sắp xếp bộ máy của Bộ VHTTDL “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Tham mưu Đảng, Nhà nước để hoàn thiện các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Bộ và Ngành, nhất là chính sách thu hút, trọng dụng, đào tạo, bồi dưỡng tài năng quản lý, quản trị, tài năng nghệ thuật, thể thao đủ sức làm việc trong môi trường quốc tế; cổ vũ khát vọng cống hiến, dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với những việc mới, việc khó, cần nhiều thử thách; có khả năng tư duy độc lập, sáng tạo và dám đưa ra những giải pháp đột phá, nhất là trong xử lý những điểm nghẽn của Bộ, của Ngành.
Ba là, huy động nguồn lực triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng của Ngành với trọng điểm là các công trình, thiết chế văn hóa, thể thao đạt chuẩn quốc gia và quốc tế theo quyết định đầu tư trong Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035 và các quyết định Quy hoạch ngành VHTTDL đã được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; triển khai nhanh, hiệu quả đề án chuyển số theo từng lĩnh vực của Ngành, nhất là trong lĩnh vực di sản văn hóa, bảo tàng, di tích, du lịch.
Bốn là, tập trung xây dựng môi trường văn hóa toàn diện và bền vững. Coi trọng xây dựng môi trường văn hóa tại địa bàn dân cư, cơ sở giáo dục, y tế, cơ quan hành chính, doanh nghiệp, doanh nhân. Kịp thời phát hiện và nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, qua đó góp phần xây dựng nền tảng đạo đức tốt đẹp, giá trị “chân - thiện - mỹ” của con người, làm cho cuộc sống của mỗi gia đình, của xã hội ngày càng tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn. Bám sát các nội hàm, thành tố của “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới” để hướng dẫn các địa phương xác lập và làm sâu sắc thêm hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người gắn với xây dựng môi trường văn hóa cơ sở ngày càng thực chất, hiệu quả.
|
Phát triển nhanh các ngành công nghiệp văn hóa, xem đây một khâu đột phá trong chiến lược phát triển của Ngành. |
Năm là, phát triển nhanh các ngành công nghiệp văn hóa, xem đây một khâu đột phá trong chiến lược phát triển của Ngành. Sớm tham mưu Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030 và tầm nhìn 2045. Mở rộng kết nối, hợp tác khu vực, hợp tác quốc tế, khuyến khích các địa phương, các doanh nghiệp đầu tư vào một số lĩnh vực mũi nhọn mà Việt Nam có thế mạnh như: Nghệ thuật biểu diễn, Điện ảnh, Du lịch văn hóa… mang thương hiệu quốc gia và tầm vóc quốc tế. Các chương trình, tác phẩm nghệ thuật phải “phản ánh được hơi thở cuộc sống, mang tầm vóc thời đại, đa dạng về hình thức - phong phú về thể loại - đặc sắc về nội dung” không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, nhu cầu thụ hưởng văn hóa của nhân dân, phục vụ các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn mà còn thực hiện sứ mệnh củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Sáu là, quyết tâm phát triển thể thao Việt Nam lên một tầm cao mới. Chú trọng phát triển thể thao cho mọi người gắn với Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”; chú trọng phát triển thể thao học đường để tạo nguồn phát triển thể thao thành tích cao. Xây dựng thể chế, nguồn lực, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, áp dụng mạnh mẽ công nghệ hiện đại trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, tập luyện và thi đấu thể thao thành tích cao. Trước mắt, trong năm 2025, tập trung hướng dẫn các địa phương tổ chức Đại hội Thể dục thể thao các cấp tiến tới Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ X năm 2026. Chuẩn bị kỹ lưỡng lực lượng cho Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 33 (SEA Games 33) tại Thái Lan, Đại hội thể thao trẻ châu Á lần thứ 4 tại Ba-Ranh, Đại hội Thể thao thế giới tại Trung Quốc và các sự kiện thể thao quốc tế năm 2025.
Bảy là, tập trung các giải pháp có tính đột phá thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; triển khai Quy hoạch hệ thống phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2021‐2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng như Nghị quyết số 82/NQ- CP của Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới. Triển khai xây dựng sản phẩm du lịch có sức cạnh tranh cao trong khu vực; đẩy mạnh quảng bá xúc tiến du lịch trong và ngoài nước với cách làm sáng tạo, linh hoạt, gắn kết chặt chẽ giữa du lịch và văn hóa, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong du lịch. Phấn đấu năm 2025, ngành Du lịch đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 120 - 130 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ du lịch ước đạt 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng.
Tám là, chuyển đổi mạnh mẽ công tác truyền thông, báo chí, nhất là truyền thông chính sách theo hướng chủ động, linh hoạt, thực chất. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan báo chí chủ lực để duy trì và mở các chuyên mục mới về VHTTDL, ưu tiên trong các chuyên mục, các chuyên trang, bản tin về tham vấn, phản biện chính sách; giới thiệu gương người tốt, việc tốt, mô hình hay, cách làm sáng tạo để nhân rộng. Duy trì hiệu quả Chương trình “Góc nhìn văn hóa”; “Câu chuyện văn hóa”; “Du lịch Việt Nam” trên các kênh truyền hình quốc gia, các nền tảng số, mạng xã hội, qua đó góp phần hiệu triệu, tạo sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân với công tác quản lý nhà nước của Bộ và Ngành. Phát triển Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển VHTTDL” lên tầm cao mới, trở thành giải báo chí có uy tín lớn trong các giải báo chí của quốc gia.
Năm Giáp Thìn 2024 đang dần đi qua để chuẩn bị đón chào Xuân Ất Tỵ 2025 với biết bao kỳ vọng về sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của Bộ và Ngành VHTTDL. Với phương châm “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, niềm tin sắt son vào sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm; sự quản lý, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính; sự chung tay của cả hệ thống chính trị; sự vào cuộc, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, của các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước; trên cơ sở những thành quả đã đạt được trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Bộ và ngành VHTTDL sẽ chuẩn bị tốt nhất về thể chế, nguồn lực, nhân lực, tổ chức bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” và tầm nhìn chiến lược để sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc./.