Ra mắt trang Tư liệu của Dự án Di sản Kết nối
Thứ tư, 18/11/2020 22:18 (GMT+7)
(ĐCSVN) - Giới thiệu kết quả và nỗ lực của dự án Di sản Kết nối trong thời gian qua, ngày 18/11, Hội đồng Anh vui mừng ra mắt trang Tư liệu của Dự án Di sản Kết nối, đúng dịp kỷ niệm 75 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/1945 – 23/11/2020). Thông tin của trang Tư liệu có thể xem trực tuyến tại đây http://bit.ly/Tu-lieu-Di-san-ket-noi.
|
Văn hóa Tây Nguyên cũng được lựa chọn là một trong những di sản cần kết nối, lan tỏa (Ảnh: Hội đồng Anh) |
Không chỉ là trang tư liệu riêng của dự án mà đây cũng sẽ là trang thông tin chung phục vụ mục đích khảo cứu, là nguồn tài liệu tham khảo dành cho những người quan tâm tới di sản văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa đang có nguy cơ bị mai một. Với mục tiêu chính là đóng góp vào sự phát triển đồng đều và bền vững của ngành di sản tại Việt Nam, dự án Di sản Kết nối do Hội đồng Anh thực hiện, kể từ năm 2018, đã có hơn hai năm triển khai thực hiện công tác bảo tồn và phát triển các loại hình di sản nhạc và phim của Việt Nam, đặc biệt chú trọng đến các giá trị không được nhiều người biết đến và có nguy cơ mai một. Dự án bao gồm hai hợp phần và có liên quan chặt chẽ với nhau: Di sản Văn hóa Cộng đồng, và FAMLAB (Phim, nhạc và lưu trữ).
Ghi lại những nỗ lực và kết quả mà dự án đã đạt được, trang Tư liệu của dự án Di sản Kết nối giới thiệu nhiều cách thể hiện các tài liệu khác nhau, từ việc sử dụng các chất liệu là âm thanh, hay hình ảnh cho tới những dạng thức văn bản tổng hợp... được tổng hợp từ hai hợp phần của dự án. Các tư liệu này đưa ra những góc nhìn về các cộng đồng và hoạt động từ nhiều nơi khác nhau tại Việt Nam. Người đọc cũng sẽ tìm thấy trong trang Tư liệu này những báo cáo, sách, video, bản ghi âm, phim tài liệu... về các di sản nhạc và phim ở Việt Nam; cũng như thông tin về các cộng đồng là chủ di sản và những nghê%3ḅ sĩ và người thực hành làm việc với di sản văn hóa.
Giới thiệu trang Tư liệu của dự án, chắc chắn sẽ không thể không nhắc tới một số nội dung và dự án nổi bật mà thời gian gần đây những người quan tâm tới di sản văn hóa Việt Nam nói chung và dự án Di sản Kết nối của Hội đồng Anh nói riêng đã được biết tới. Đó là Cuốn sách Tuyển tập các câu chuyện về di sản văn hóa cộng đồng (xem sách tại http://bit.ly/Tuyen-tap-cau-chuyen-Di-sanVan-hoa-cong-dong) - cuốn sách với mười câu chuyện giúp phản ánh chân thực nhất về những thay đổi cũng như khát vọng gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc thông qua chia sẻ của chính mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng chủ sở hữu di sản, và qua từng hoạt động mà dự án đồng hành.
Bên cạnh những thước phim ngắn ghi lại hoạt động về bảo tồn di sản văn hóa cộng đồng với âm nhạc cồng chiêng ở Gia Lai, Kon Tum, gìn giữ và phát triển âm nhạc nghi lễ Chăm cho tới nỗ lực làm sống lại nghệ thuật sân khấu Cải lương thì những cuốn sách, ấn phẩm với các nội dung nghiên cứu phục vụ mục đích khảo cứu, lưu trữ như Tuyển tập dân ca Mông: Vang vọng dân ca (http://bit.ly/Sach-Vang-vong-dan-ca), bộ tư liệu video Nghiên cứu và chia sẻ âm nhạc giới chức sắc Kadhar của người Chăm (bit.ly/tu-lieu-nhac-le-Kadhar) hay ấn bản Mơ và Hồi tưởng – Các thực hành xoay quanh di sản phim Việt Nam (https://bit.ly/Sach-Mo-va-Hoi-tuong) sẽ là tư liệu quý giá để các nghệ sĩ, những người làm nghề không chỉ có thêm nguồn tài liệu tham khảo được ghi chép lại mà còn là những ý tưởng và cảm hứng được đưa ra qua các chia sẻ và ghi chép trong mỗi nỗ lực mà ấn phẩm muốn truyền tải tới người đọc./.
Hà Anh