Sáng mãi tấm gương nữ chiến sỹ cộng sản Nguyễn Thị Minh Khai

Thứ hai, 28/09/2020 19:51
(ĐCSVN) - Với 31 năm tuổi đời, 15 năm hoạt động cách mạng liên tục, oanh liệt và đầy nhiệt huyết, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã có những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, sự nghiệp giải phóng phụ nữ và phong trào đấu tranh của nhân dân vì hòa bình, độc lập dân tộc và dân chủ trên toàn thế giới.
Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - một trong những cán bộ kiên cường lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân tham gia cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ, tháng 11/1940. (Ảnh: T.L) 

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai tên thật là Nguyễn Thị Vịnh, sinh năm 1910, trong một gia đình viên chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 1919, Nguyễn Thị Vịnh theo học chữ quốc ngữ tại trường Nguyễn Trường Tộ, sau đó chuyển sang trường Tiểu học Cao Xuân Dục. Tại đây, Nguyễn Thị Vịnh được thầy giáo Trần Phú và các thầy cô giáo trong trường dìu dắt nên sớm giác ngộ cách mạng và bắt đầu tham gia các phong trào yêu nước, mở đầu là các phong trào đấu tranh tại Vinh, vận động nữ sinh tham gia bãi khóa, tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh… Năm 17 tuổi, Nguyễn Thị Vịnh gia nhập Việt Nam Cách mạng đảng, lấy tên là Nguyễn Thị Minh Khai.

Trọn đời phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng

Tham gia cách mạng từ lúc còn trẻ tuổi, sớm từ biệt gia đình, Nguyễn Thị Minh Khai chấp nhận mọi gian khổ, hy sinh, thường xuyên bám cơ sở để hoạt động, gây dựng phong trào cách mạng, dù biết rằng kẻ thù luôn rình rập, đe dọa tính mạng.

Cuối năm 1927, đầu năm 1928, ở khu vực Vinh - Bến Thủy phong trào đấu tranh của công nhân bùng lên mạnh mẽ. Cùng với các đồng chí trong Hội Việt Nam Cách mạng đảng, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã tổ chức nhiều buổi nói chuyện, tuyên truyền cách mạng, dạy học ban đêm… cho công nhân và bồi dưỡng những thành phần cốt cán để kết nạp vào Hội. Đồng chí tích cực xuống các làng xã xung quanh thành phố Vinh để tìm hiểu đời sống, tâm tư nguyện vọng của bà con nông dân, vận động thành lập Nông hội. Hoạt động tích cực của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và các đồng chí trong tổ chức Việt Nam Cách mạng đảng đã góp phần lớn cho phong trào cách mạng ở Vinh mạnh lên. Đây là những bước chuẩn bị rất quan trọng trong giai đoạn xây dựng hệ thống cơ sở đảng và các tổ chức quần chúng của Đông Dương Cộng sản Đảng; góp phần vào việc hợp nhất các tổ chức đảng, thành lập chính đảng duy nhất nhằm tập hợp lực lượng đấu tranh, đồng thời tổ chức được nhiều lớp huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng - lực lượng nòng cốt của phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Đầu năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai chính thức trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng trên lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin, lập trường giai cấp vô sản đấu tranh chống đế quốc xâm lược, đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Giai đoạn này, đồng chí được phân công phụ trách công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ, huấn luyện đảng viên ở khu vực Trường Thi, Bến Thủy và tổ chức Hội Phụ nữ Giải phóng. Trong điều kiện thực dân Pháp và bọn mật thám tăng cường các hoạt động truy lùng, vây bắt nhằm đàn áp phong trào cách mạng, nhưng đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai không hề run sợ. Với bản lĩnh chính trị vững vàng và tài trí thông minh, giỏi ứng biến, đồng chí luôn đi đầu trong công tác vận động quần chúng đấu tranh và huấn luyện, đào tạo cán bộ cho Đảng.

Cách mạng Việt Nam trong những năm 1931-1933 ở thời kỳ thoái trào, cơ quan của Đảng từ Trung ương đến cơ sở ở trong nước gần như không hoạt động được do kẻ thù khủng bố gắt gao. Cùng với các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vẫn kiên trì hoạt động, giữ vững tinh thần để nhen nhóm lại ngọn lửa cách mạng, vượt qua khó khăn gian khổ, hy sinh để hoàn thành trọng trách mà cách mạng Việt Nam và Quốc tế Cộng sản giao phó là khôi phục phong trào cách mạng Việt Nam, lập lại các cơ quan lãnh đạo của Đảng trong những năm cách mạng gặp vô vàn khó khăn.

Giữa năm 1937, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai về Sài Gòn hoạt động, làm việc tại cơ quan Xứ ủy Nam Kỳ, được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Nhận nhiệm vụ mới, hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn do sự truy lùng, vây bắt của kẻ thù, nhưng đồng chí vẫn luôn bám sát cơ sở, lãnh đạo phong trào phát triển mạnh mẽ. Với tinh thần và thái độ làm việc nghiêm túc, hiệu quả và mang tính nhân văn sâu sắc, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai nhận được sự tin yêu của nhiều đồng chí hoạt động cách mạng cùng thời.

Nhờ tầm hiểu biết rộng, đúc kết và chỉ đạo vấn đề từ thực tiễn rất nhanh, khả năng nói thông thạo tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Quảng Đông, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã sát cánh cùng đồng chí Lê Hồng Phong chuẩn bị các báo cáo ở hội nghị cũng như trong cuộc bút chiến trên Báo Dân chúng… trong cuộc đấu tranh thành lập Mặt trận dân chủ chống chiến tranh và chống Phát xít ở Sài Gòn những năm 1938 – 1939. Đồng chí là diễn giả xuất sắc của nhiều buổi mít tinh lớn ở các rạp hát trong thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, đấu tranh với các luận điệu của bọn Tờ-rốt-xkít, bảo vệ quan điểm của Đảng.

 Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và bà Crup-xkai-a (vợ Lê-Nin) tại Đại hội Quốc tế cộng sản lần thứ 7 năm 1935. (Ảnh tư liệu: baotanglichsu.vn)

Người chiến sỹ cộng sản kiên cường, bất khuất

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó, khắc nghiệt nhưng tình yêu quê hương, đất nước của con người Xứ Nghệ đã hình thành tính cách và tâm hồn đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai – một nữ chiến sỹ cộng sản yêu nước, kiên trung, bất khuất vì độc lập của Tổ quốc, vì tự do cho nhân dân.

Có những thời điểm (1931-1933), đồng chí bị bọn mật thám Anh ở Hương Cảng bắt giam rồi chuyển giao cho chính quyền Quảng Châu cầm tù. Mặc dù kẻ thù dùng mọi thủ đoạn, từ dụ dỗ, mua chuộc đến tra tấn, đánh đập, nhưng với tinh thần của một người chiến sỹ cộng sản, đồng chí đã khẳng định ý chí kiên cường, đanh thép, nguyện hy sinh bản thân mình quyết không một lời khai báo để bảo vệ phong trào cách mạng và tổ chức cơ sở Đảng. Sau này, nhờ sự vận động của Quốc tế Cứu tế Đỏ, năm 1933, Nguyễn Thị Minh Khai được thả tự do và tiếp tục đến Thượng Hải công tác trong Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương.

Biết đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là nhân vật quan trọng, ngày 30/7/1940, sau khi dự phiên họp Xứ ủy Nam Kỳ bàn về chủ trương khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai một lần nữa bị mật thám Pháp bắt và giam ở bốt Catina, sau đó là Trại giam Phú Mỹ (Sài Gòn). Kẻ thù đã giam đồng chí vào trong phòng tối có treo chiếc sọ người ở giữa, dùng đủ cực hình để tra tấn dã man như “lộn mề gà”, “máy bay lên sàn”, “máy bay xuống sân”, đóng đinh vào đầu ngón tay… Mặc những đòn roi kẻ thù trút lên cơ thể tưởng như chết đi sống lại, Nguyễn Thị Minh Khai vẫn nêu cao tinh thần cách mạng, cương quyết không khai ra tổ chức và các đồng chí cùng hoạt động, một mực khẳng định: “việc này tao lãnh đạo, tao chủ trương, tao làm”. Chúng tiếp tục giở những đòn tra tấn hiểm độc nhưng vẫn không thể lay chuyển được ý chí cách mạng kiên cường, sắt thép của nữ chiến sỹ cộng sản, điều này được thể hiện rất rõ qua các câu khẩu hiệu được viết lên tường xà lim như “Đừng nhận mà cũng đừng khai. Khai nhận đều giúp cho quân thù” hay cả những vần thơ được viết bằng máu:

"Đã chen vai chung gánh việc đời

Phong trần đâu nữa để xem chơi

Hình ngục chính cho mình lưu dưỡng

Tù ngục là nơi nghỉ thảnh thơi

Dù đánh, dù treo, càng kiên quyết

Dù kìm, dù kẹp, chẳng sai lời

Hi sinh phấn đấu vì nhiệm vụ

Triệt để thực hành chết mới thôi"

Biến nhà tù thành trường học cách mạng, Nguyễn Thị Minh Khai còn tranh thủ mọi điều kiện để học tập nâng cao trình độ từ các đồng chí bạn tù, đồng thời ra sức tuyên truyền cách mạng đối với những người lầm đường lạc lối trở về với gia đình, dân tộc và tìm theo cách mạng. Cũng trong thời gian bị giam hãm, với cương vị Bí thư Thành ủy Sài Gòn - Chợ Lớn, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vẫn tìm mọi cách liên lạc với bên ngoài, để tiếp tục lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ. Sau khi cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ bị khủng bố, tòa án thực dân buộc đồng chí nhận tội danh lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ và kết án tử hình. Trước tòa thực dân, Nguyễn Thị Minh Khai dõng dạc, đanh thép khẳng định: “Nước của tôi, cứu nước là có tội, cướp nước là không có tội sao?”.

Không khuất phục được người chiến sỹ cộng sản, sáng ngày 28/8/1941, thực dân Pháp đưa đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai và một số đồng chí lãnh tụ kiên trung của Đảng như: Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến,… xử bắn tại ngã tư Giềng Nước (nay là trước sân Bệnh viện huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh). Trước pháp trường, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai hướng về phía đồng bào, nói những lời tâm huyết: “Việc chúng tôi làm là chính nghĩa. Vì muốn Tổ quốc tôi được độc lập, dân tôi được ấm no mà chúng tôi làm cách mạng. Chúng tôi không có tội gì”.

 Nhà lưu niệm đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai. (Ảnh tư liệu: Ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An).

Rạng danh truyền thống cách mạng của phụ nữ Việt Nam

Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai là con đường đầy chông gai, gian khổ nhưng cũng hết sức vẻ vang. Tháng 8/1935, đồng chí là đại biểu chính thức tham dự và phát biểu tham luận tại Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản ở Mátxcơva. Tiếp đó, đồng chí tham dự và phát biểu tham luận tại Đại hội lần thứ VI Quốc tế Thanh niên cộng sản. Việc Nguyễn Thị Minh Khai được Ban Chỉ huy ở ngoài chọn cử vào Đoàn đại biểu của Đảng Cộng sản Đông Dương đi dự Đại hội lần thứ VII Quốc tế Cộng sản - diễn đàn lớn nhất của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế lúc bấy giờ, không chỉ là một vinh dự lớn lao, mà còn là sự ghi nhận, đánh giá cao của những người cộng sản Đông Dương đối với những hoạt động và đóng góp của người nữ chiến sĩ cộng sản trong quá trình đấu tranh cách mạng của Đảng.

Trong vai trò nữ đại biểu trong đoàn tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã thể hiện niềm tự hào to lớn khi được vinh dự đại diện cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam dưới ách áp bức của thực dân, phong kiến nói lên tiếng nói tại một diễn đàn quốc tế. Trong bài tham luận, đồng chí thể hiện mong muốn đại biểu các đảng cộng sản của các nước hiểu được nỗi thống khổ cùng cực của phụ nữ lao động các dân tộc Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, đồng thời khẳng định sự tin tưởng vào tinh thần đấu tranh cách mạng của phụ nữ. Cũng tại đây, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã lên tiếng ca ngợi tinh thần đấu tranh của phụ nữ Trung Quốc, những nữ công nhân và nông dân Đông Dương.

Tại một diễn đàn lớn, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ là Đại hội của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai còn mạnh dạn chỉ ra những thiếu sót của đảng cộng sản khi chưa thực sự quan tâm đúng mức đến phong trào đấu tranh của phụ nữ. Đây là lần đầu tiên người phụ nữ Việt Nam trẻ tuổi dõng dạc đọc tham luận trên diễn đàn Quốc tế Cộng sản, nói lên tình trạng của phụ nữ ở các nước thuộc địa; khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trong cuộc đấu tranh chống chiến tranh quốc tế và bảo vệ hòa bình; đồng thời, lên tiếng đề nghị các đảng cộng sản phải có trách nhiệm trong việc phát huy vai trò của phụ nữ.

Thông qua những hoạt động tại các hội nghị quốc tế, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai đã nêu bật được tình cảnh ở thuộc địa, bản chất bóc lột dã man của chủ nghĩa đế quốc; vai trò của phụ nữ và thanh niên trong cách mạng giải phóng dân tộc; khẳng định cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc ở Đông Dương phải được khơi dậy bằng truyền thống yêu nước, đoàn kết, nhân nghĩa của dân tộc, phải phát huy được mọi tầng lớp trong xã hội tham gia, lấy công - nông làm gốc, do giai cấp công nhân lãnh đạo.

Đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ngã xuống khi mới 31 tuổi. Phút cuối cùng của cuộc đời, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai vẫn đau đáu trong lòng nhiệm vụ với Đảng, với Tổ quốc, vẫn một lòng mong muốn cho dân tộc Việt Nam có độc lập, tự do. Kỷ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (30/9/1910 - 30/9/2020) là dịp để cùng ôn lại những cống hiến to lớn của nữ chiến sĩ cộng sản cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta, sự nghiệp giải phóng phụ nữ và phong trào đấu tranh của nhân dân vì hòa bình, độc lập dân tộc và dân chủ trên toàn thế giới. Năm tháng đã trôi qua, nhưng tấm gương hy sinh anh dũng, kiên cường của đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai ngày nào đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, viết lên bản anh hùng ca bất diệt của toàn thể dân tộc Việt Nam và trở thành tấm gương đạo đức cách mạng sáng ngời cho các thế hệ noi theo./.

Minh Tú

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực