Sen trong đời sống văn hóa Việt

Thứ sáu, 28/07/2023 18:00
(ĐCSVN) - Tọa đàm “Sen trong đời sống văn hóa Việt” nhằm tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của hoa sen trong đời sống văn hóa người Việt, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của Thủ đô.

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm mở rộng địa giới hành chính Hà Nội (1/8/2008 – 1/8/2023), ngày 28/7, Bảo tàng Hà Nội phối hợp với Quỹ bảo tồn di sản văn hóa, Nhóm Đình làng Việt tổ chức tọa đàm “Sen trong đời sống văn hóa Việt”.

Tham gia buổi tọa đàm có PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái; TS. Trần Hậu Yên Thế; TS. Trần Đoàn Lâm; Nhà sưu tập, kỷ lục gia bộ sưu tập sen Nguyễn Thị Thanh Tâm cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. (Ảnh: HT) 

Buổi tọa đàm hướng tới 4 nội dung chính: Sen trong đời sống văn hóa Việt; Sen trong mỹ thuật; Sen trong thi ca; Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt thông qua hình tượng hoa sen.

Chia sẻ về “Sen trong đời sống văn hóa Việt”, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng, hoa sen có vai trò và vị trí đặc biệt trong đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của người Việt. Trong đời sống hàng ngày, sen có thể trở thành thức ăn, có thể trở thành thuốc, hình tượng hoa sen cũng xuất hiện trên tà áo dài, hoa sen cũng trở thành biểu tượng trong Phật giáo của Phương Đông. “Do đó, cần nhìn nhận hoa sen ở cả giá trị vật chất, giá trị tinh thần và biểu tượng của nhà Phật” - PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định.

Trình diễn bộ sưu tập thời trang chủ đề Sen. (Ảnh: N.H)

Từ lâu hoa sen luôn là nguồn cảm hứng bất tuyệt của thi ca và nghệ thuật, trong đó có mỹ thuật. TS. Trần Hậu Yên Thế, Giảng viên Đại học Quốc gia cho biết, ở Việt Nam, đề tài hoa sen xuất hiện khá sớm trong nghệ thuật tạo hình, hầu như ở thời nào cũng được các nghệ nhân thể hiện trong các đồ án trang trí của nơi thờ tự hoặc ở các công trình văn hóa của cộng đồng. Hình tượng hoa sen được khai thác, phản ánh dưới nhiều góc độ bố cục khác nhau, xuất hiện hằng xuyên theo chiều dài của lịch sử dân tộc qua những công trình kiến trúc, mỹ thuật. Có thể kể đến: Hộp vàng Ngọa Vân – Yên Tử; Thống gốm hoa nâu khai quật được ở đền Trần Nam Định; Bia thời Trần ở chùa Sùng Thiên Tự; Bia thời Trần ở chùa Sùng Thiên Tự; một số họa tiết trang trí, dáng gốm tại các đình, chùa...

Nói về hình tượng hoa sen, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm cho biết, hoa sen có vị trí đặc biệt và đã đi sâu vào đời sống văn hóa Việt. Sen gắn bó với con người trong các giai đoạn của cuộc đời; họa tiết sen thể hiện rõ nét trong trang phục, kiến trúc, tác phẩm hội họa...

Đặc biệt, sen trong ẩm thực của người Việt rất phong phú. Tất cả các bộ phận trên cây hoa sen được biến chế thành những món ăn đặc trưng, mang đậm hương vị Việt Nam như: Gỏi ngó sen, mứt sen, trà sen, cháo sen, bánh tráng trộn ngó sen, xôi sen, chè sen nhãn, chè sen hoa cúc, rượu sen, hạt sen, kẹo sen… Chính bởi vậy, đời sống của người Việt gắn với sen là một điều tất yếu.

Kỷ lục gia bộ sưu tập sen Nguyễn Thị Thanh Tâm đến với sen như một nhân duyên. Trong một chuyến đi về nguồn vào tháng 7 về Quảng Trị, nhìn những đầm sen gần tàn, bà có những cảm xúc rất đặc biệt. Sau khi trở về Hà Nội, với sự hỗ trợ của Ban ảnh thuộc Thông tấn xã Việt Nam, bà đã tổ chức thành công cuộc thi ảnh về sen, thu hút hàng nghìn tác phẩm. Đây là những tư liệu quý giá. Càng nghiên cứu về sen sẽ càng thấy đây là mảng đề tài hấp dẫn. Đến nay, bà Tâm đã thực hiện 6-7 cuộc triển lãm sen trong đời sống văn hóa Việt nhưng vẫn thấy có thể tổ chức nhiều cuộc triển lãm cũng như thi sáng tác nhiếp ảnh về mảng đề tài này...

Trong khuôn khổ tọa đàm, Ban Tổ chức còn triển khai nhiều hoạt động như: Trình diễn bộ sưu tập thời trang chủ đề Sen của nhà thiết kế Việt Phượng, tiệc trà sen, ẩm thực sen.../.

 

H.Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực