Triển khai hiệu quả các nguồn lực chính sách
|
Chị Lâm Mỹ Hạnh (dân tộc Khmer) ở ấp Bờ Đập, xã Viên An (huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) chăm sóc đàn bò sữa, đã giúp gia đình chị thoát nghèo bền vững. (Ảnh Phương Nghi) |
Hiện Sóc Trăng có 63 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và 128 ấp đặc biệt khó khăn được thụ hưởng chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình). Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình, các sở, ban ngành, địa phương khẩn trương thúc đẩy tiến trình các dự án, thực hiện đầy đủ các trình tự thủ tục, thẩm định, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án, đảm bảo kế hoạch giao vốn đúng theo quy định, về cơ bản đảm bảo đúng tiến độ, yêu cầu, kế hoạch đề ra. Với tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình là gần 243 tỷ đồng; vốn tín dụng cho vay để thực hiện chương trình theo Nghị định số 28/2022/NĐ – CP của Chính phủ với tổng kinh phí là 56 tỷ đồng.
Từ nguồn vốn trên đã triển khai thực hiện xây dựng 63 công trình (trong đó 48 công trình lộ giao thông nông thôn, 11 công trình cầu giao thông nông thôn, 1 nhà sinh hoạt cộng đồng và 3 công trình mạng lưới chợ); 4 công trình nước tập trung; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 197 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 267 hộ, hỗ trợ đất ở cho 213 hộ, hỗ trợ nhà ở cho 623 hộ, hỗ trợ đất sản xuất cho 230 hộ...
Theo bà Huỳnh Thị Diễm Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng: Đến nay, Sóc Trăng có 99,1% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% khóm, ấp có điện lưới quốc gia; 85,52% xã, phường có nhà văn hóa và 88,26% khóm, ấp có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng phát thanh – truyền hình, đảm bảo phục vụ nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân; có 98% số hộ dân, vùng DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 97,5%); cấp thẻ bảo hiểm y tế cho 100% hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS.
“Theo đó, kết quả rà soát hộ nghèo cuối năm 2022, Sóc Trăng còn 15.139 hộ nghèo (chiếm 4,54% tổng số hộ, giảm 2,19% so với năm 2021) theo tiêu chí nghèo đa chiều; trong đó hộ nghèo Khmer còn 7.122 hộ (chiếm 7,01% tổng số hộ Khmer, giảm 3,01% so với năm 2021), hộ nghèo Hoa còn 345 hộ (chiếm 2,09%)”.
Việc triển khai thực hiện các chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống và sản xuất của đồng bào, nhất là ở vùng xa, giúp cho đồng bào DTTS có điều kiện phát huy nội lực để phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, có điều kiện cải thiện và nâng cao hơn chất lượng cuộc sống.
Sóc Trăng nâng cao đời sống đồng bào DTTS
Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2021 – 2025 được UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành, có tổng nguồn vốn trên 790 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương trên 696,7 tỷ đồng, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh là 30,36 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện trên 53 tỷ đồng và vốn huy động ngoài ngân sách gần 10,2 tỷ đồng.
|
Anh Thạch Đặng (người Khmer) ở khóm Cà Săng B, Phường 2, (TX. Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng) thực hiện mô hình trồng hành tím theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp cho gia đình có thu nhập khá cao. (Ảnh Phương Nghi) |
Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng, ông Lý Rotha, chủ trương tập trung đầu tư vùng đồng bào dân tộc Khmer nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững. Việc này góp phần thu hẹp khoảng cách về mức sống, thu nhập giữa vùng đồng bào dân tộc thiểu số so với bình quân chung của tỉnh; giảm dần số xã, ấp đặc biệt khó khăn; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân. Từ nguồn vốn này, tỉnh Sóc Trăng sẽ tập trung đầu tư hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho gần 4.500 hộ dân với tổng vốn trên 176 tỷ đồng, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn. Tỉnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên 272 tỷ đồng.
“Bên cạnh đó, nguồn vốn còn được đầu tư để phát triển giáo dục, củng cố phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú, trường có đông học sinh đồng bào dân tộc thiểu số; mua sắm trang thiết bị phục vụ việc dạy và học. Bên cạnh đó là các hoạt động hỗ trợ nghiên cứu giải pháp phục hồi, bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc; văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer; đầu tư phát triển hệ thống phát thanh truyền hình; ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số...” – ông Lý Rotha nói.
Theo Kế hoạch, Sóc Trăng hướng đến mục tiêu, đến năm 2025 phấn đấu thu nhập bình quân của người DTTS đạt từ 70 triệu đồng trở lên; giảm hộ nghèo trong đồng bào DTTS hàng năm từ 3% – 4%; 100% xã, phường, thị trấn vùng đồng bào DTTS có đường ô tô đến trung tâm xã được nâng cấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 90% đường giao thông khóm, ấp được cứng hóa; 99% số hộ vùng đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện phù hợp khác; 100% đồng bào DTTS sử dụng các dịch vụ viễn thông, tiếp cận thông tin và phương tiện nghe, nhìn; giải quyết trên 90% tình trạng thiếu đất ở, nhà ở cho hộ nghèo đồng bào DTTS.
Sự đổi thay trong vùng đồng bào dân tộc Khmer Sóc Trăng hôm nay đã khẳng định sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, của các cấp chính quyền địa phương đối với sự phát triển mọi mặt của đồng bào. Đây cũng là động lực giúp đồng bào thi đua, lao động sản xuất và xây dựng đời sống văn hóa, góp phần tạo thêm các công trình, phần việc có ý nghĩa trong phong trào thi đua, mang lại sự khởi sắc cho phum, sóc./.