Sức mạnh đại đoàn kết dân tộc - Cội nguồn thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945

Chủ nhật, 19/08/2018 22:24
(ĐCSVN) - Khẳng định ý nghĩa lịch sử vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây dựng nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta” [1].

Mít tinh tổng khởi nghĩa ở Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, 19/8/1945. (Ảnh tư liệu)

Theo đó, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 - biểu tượng của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - điều mà 12 năm sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Cách đây 12 năm, toàn dân ta từ Nam chí Bắc, đã đoàn kết đứng dậy làm Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa… Ngày kỷ niệm hôm nay là một ngày đầy tin tưởng, phấn khởi, đoàn kết, tin tưởng ở sức mạnh đoàn kết của toàn dân, tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng của hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước” [2].

Đoàn kết trong Đảng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc - nhân tố quyết định đến việc chuẩn bị và tiến hành Cách mạng tháng Tám 1945 nổ ra và thành công vang dội

Một là, trong Đảng có sự đoàn kết, nhất trí cao tất cả vì thắng lợi của cách mạng. Trong thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, bên cạnh sức mạnh vô cùng to lớn của toàn thể dân tộc Việt Nam, xuất phát từ truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc, có vai trò lãnh đạo, tổ chức của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhất là sự đoàn kết, thống nhất cao. Đảng đã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp, nhưng quan trọng nhất chính là các nguyên tắc chỉ đạo. Nhận định về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[3].

Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương, diễn ra trong 2 ngày 14 và 15/8/1945 tại Tân Trào (Sơn Dương, Tuyên Quang), thành phần tham gia gồm đại biểu các đảng bộ địa phương trong nước, của các chiến khu và khu giải phóng. Hội nghị đã phân tích, đánh giá, cân nhắc tình hình cách mạng Việt Nam trong quan hệ khăng khít với những diễn biến chính trị trọng đại trên thế giới; nhận định tương quan lực lượng giữa phong trào cách mạng do Đảng lãnh đạo với các thế lực thù địch cũng như các thế lực có liên quan…, từ đó, quyết định nhiều vấn đề trọng đại của cao trào cách mạng đất nước. Những nguyên tắc nổi bật chỉ đạo hành động cách mạng: tập trung - thống nhất - kịp thời, được Hội nghị đặc biệt nhấn mạnh: “Tập trung - tập trung lực lượng vào những việc chính; Thống nhất - thống nhất về mọi phương diện quân sự, chính trị, hành động và chỉ huy; Kịp thời - kịp thời hành động, không bỏ lỡ cơ hội”[4]. Chính việc tuân thủ nghiêm và bảo đảm hiện thực hóa đầy đủ các nguyên tắc này trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đã góp phần vào thành công vang dội của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ ách thống trị của thực dân, phong kiến, lập nên nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên trong lịch sử nước ta.

Hai là, Đảng đã phát hiện và phát huy tối đa sức mạnh đoàn kết dân tộc - coi đây là vấn đề chiến lược của cách mạng Việt Nam cả trước, trong Cách mạng tháng Tám

Thành công của Đảng về lãnh đạo phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong đấu tranh giành chính quyền cách mạng, trước hết là trong hoạch định đường lối cách mạng. Với chủ trương, chính sách đúng đắn phù hợp với quyền lợi và nguyện vọng của mọi tầng lớp nhân dân, ngay trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng và được bổ sung, hoàn thiện xuyên suốt trong quá trình chuẩn bị để tập hợp lực lượng cho Cách mạng Tháng Tám, thể hiện rõ nét nhất là quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ tám (tháng 5-1941). Ngày 25-10-1941, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ nêu cao ngọn cờ đại đoàn kết dân tộc. Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh “chủ trương liên hiệp hết thảy các giới đồng bào yêu nước, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, trai gái, không phân biệt tôn giáo và xu hướng chính trị, đặng cùng nhau mưu cuộc dân tộc giải phóng và sinh tồn” [5].

Bốn mươi bốn điểm trong Chương trình của Mặt trận Việt Minh là một hệ thống các chính sách về chính trị, kinh tế, văn hóa - giáo dục, xã hội, ngoại giao; những chính sách cụ thể đối với các tầng lớp công nhân, nông dân, binh lính, trí thức, công chức, học sinh, phụ nữ, tư sản, địa chủ… Tinh thần cơ bản của chương trình này là “cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào đang mong ước:

1. Làm cho nước Việt Nam được hoàn toàn độc lập;

2. Làm cho dân Việt Nam được sung sướng, tự do” [6].

Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh sau đó được đúc kết thành 10 chính sách lớn được thực hiện ở khu giải phóng Việt Bắc và được Đại hội Quốc dân Tân Trào thông qua tháng 8-1945, trở thành chính sách cơ bản sau này của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Cái tên Việt Nam độc lập đồng minh rất rõ rệt, thiết thực và hợp với nguyện vọng toàn dân. Thêm vào đó, chương trình giản đơn, thiết thực mà đầy đủ của Mặt trận gồm có 10 điểm như bài ca tuyên truyền đã kể:

Có mười chính sách bày ra,

Một là ích quốc, hai là lợi dân” [7].

Đó chính là cơ sở quan trọng để đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng dân tộc.

Cùng với chủ trương đoàn kết, tập trung nhiệm vụ giải phóng dân tộc, phù hợp với khát vọng của toàn thể dân tộc, đi đôi với việc chăm lo củng cố khối liên minh công nông, Đảng ta rất coi trọng việc đoàn kết, tập hợp các lực lượng khác: thanh niên, phụ nữ, học sinh, trí thức, tiểu thương, tư sản, địa chủ…, kịp thời đưa ra hình thức tổ chức thích hợp, đa dạng nhằm tập hợp đông đảo lực lượng nhân dân.

Nhận thức đúng và đầy đủ về vị trí của các giai cấp và các tầng lớp trong quá trình xây dựng Mặt trận Việt Minh, từ cuối năm 1941 đến năm 1942, các hội Công nhân cứu quốc, Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Quân nhân cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Tự vệ cứu quốc... đã được thành lập. Các tổ chức phản đế đều được chuyển thành các tổ chức cứu quốc. Mặt trận Việt Minh phát triển mạnh mẽ ở nhiều vùng nông thôn và thị xã, không những có cơ sở rộng khắp ở trong nước mà còn có cơ sở trong Việt kiều ở nước ngoài. Những người Việt kiều yêu nước ở Vân Nam (Trung Quốc) thành lập Hội giải phóng Việt Nam. Cuối năm 1942, sau khi đã liên lạc với lực lượng cách mạng trong nước, Hội giải phóng Việt Nam được coi như một bộ phận của Mặt trận Việt Minh.

Việc đưa ra và kiên quyết thực hiện khẩu hiệu "Phá kho thóc giải quyết nạn đói" đã đáp ứng nguyện vọng khẩn thiết, cấp bách trước sự sinh tồn của đại đa số nhân dân, là một nghệ thuật phát động quần chúng, hình thức đấu tranh thích hợp nhất lúc bấy giờ của Đảng ta để đưa hàng triệu quần chúng đi từ hình thức đấu tranh thấp đến hình thức đấu tranh cao, từ đấu tranh cho quyền lợi kinh tế hằng ngày đến giác ngộ chính trị. Chính vì vậy, phong trào phá kho thóc, giải quyết nạn đói của quần chúng, không chỉ có ý nghĩa kinh tế trước mắt, mà còn có nội dung chính trị sâu sắc. “Khẩu hiệu này đưa ra giữa lúc nạn đói khủng khiếp đang diễn ra ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đáp ứng nguyện vọng cấp bách nhất của quần chúng, do đó, đã thổi bùng ngọn lửa căm thù trong đông đảo nhân dân và phát động quần chúng vùng dậy với khí thế cách mạng hừng hực tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền” [8].

Từ đó, “ý Đảng, lòng dân” hội tụ, sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức cùng các tầng lớp lao động khác tạo nên sức mạnh nội lực to lớn - là động lực chủ yếu của cách mạng.Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là minh chứng sinh động về sức mạnh đồng thuận của cả dân tộc Việt Nam, khi được Đảng khơi dậy, tổ chức tập hợp với tinh thần tự lực, tự cường. Thắng lợi đó đã khẳng định trong thực tế lòng tin tuyệt đối của quần chúng nhân dân vào đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản Việt Nam...

 Tuyên ngôn của Mặt trận Việt Minh đã khẳng định: Coi quyền lợi dân tộc cao hơn hết thảy, Việt Minh sẵn sàng giơ tay đón tiếp những cá nhân hay đoàn thể, không cứ theo chủ nghĩa quốc tế hay quốc gia, miễn thành thực muốn đánh đuổi Nhật, Pháp để dựng lên một nước Việt Nam tự do và độc lập. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần đó của Tuyên ngôn, trước sự chuyển biến mới về thời cuộc, từ ngày 25 đến ngày 28 tháng 2 năm 1943, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã họp ở Võng La (Đông Anh, Phúc Yên), quyết định mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất và xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang. Hội nghị nhận định: “Ở Đông Dương hiện nay thiếu một phong trào cách mạng quốc gia tư sản và phong trào thanh niên học sinh. Do đó, cuộc vận động cách mạng ở Đông Dương vẫn hẹp hòi, có tính cách công nông hơn là tính cách toàn dân tộc” [9]. Hội nghị đề ra chủ trương liên minh với tất cả các đảng phái, các nhóm yêu nước ở trong và ngoài chưa gia nhập Mặt trận Việt Minh, đẩy mạnh công tác vận động công nhân, nông dân, binh lính, thanh niên, phụ nữ, tư sản, địa chủ yêu nước, các dân tộc thiểu số, Hoa kiều, lập ra Hội Văn hóa cứu quốc ở các thành phố nhằm đoàn kết các nhà trí thức và các nhà văn hóa. Nguyên tắc củng cố và phát triển Mặt trận là: “Phải luôn luôn củng cố và phát triển những tổ chức của thợ thuyền, dân cày vì đó là xương sống của Mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật - Pháp. Nhưng đồng thời phải hết sức phát triển các tổ chức cứu quốc của thanh niên, phụ nữ và tư sản, địa chủ, tiểu thương v.v.. Nếu không, Mặt trận dân tộc không có tính cách toàn dân mà chỉ có tính cách công nông” [10]. Chính vì vậy, Đảng ta đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc với sức mạnh thời đại trong cao trào kháng Nhật, cứu nước và trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám.

Nhạy bén trong việc xác định rõ kẻ thù, mục tiêu cách mạng trong từng thời điểm, kịp thời đề ra khẩu hiệu đấu tranh thích hợp, đáp ứng nguyện vọng bức thiết của quần chúng, ngày 12/3/1945, đúng ba ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp, Ban Thường vụ Trung ương đã ra Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Đảng ta đã kịp thời chỉ rõ kẻ thù chính, kẻ thù cụ thể trước mắt duy nhất của nhân dân Đông Dương sau cuộc đảo chính là phát-xít Nhật và quyết định thay khẩu hiệu “Đánh đuổi phát-xít Nhật - Pháp’’ bằng khẩu hiệu “Đánh đuổi phát-xít Nhật’’. Chỉ thị cũng nhấn mạnh đến việc phải mở rộng cơ sở của Mặt trận Việt Minh, nhằm đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng nhân dân vào cao trào kháng Nhật cứu nước. Đó chính là thực hiện chính sách đoàn kết, phân hóa hàng ngũ kẻ thù, tranh thủ mọi lực lượng có thể tranh thủ. Một tháng sau khi Chỉ thị ra đời, ngày 12/4/1945, Mặt trận Việt Minh ra lời kêu gọi Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị quan chức ái quốc Việt Nam và Mấy lời tâm huyết ngỏ cùng các vị huynh thứ ái quốc. Nội dung các lời kêu gọi ấy đã góp phần đẩy nhanh quá trình phân hóa và tranh thủ một bộ phận vào lúc cách mạng bùng nổ.

Điểm nổi bật nhất trong phát huy sức mạnh đoàn kết quốc tế của Đảng và Hồ Chí Minh giai đoạn này là chủ động đặt quan hệ ngoại giao với một số nước trên thế giới. Qua đó góp phần thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là biểu tượng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam và sức mạnh của đoàn kết quốc tế. Toàn dân nổi dậy, cả nước đồng lòng đứng lên, lực lượng Đồng minh chống phát xít trên thế giới ủng hộ. Từ chiến khu về đồng bằng, từ nông thôn đến thành thị, rồi cả thành thị cùng nông thôn nhất tề nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “…mọi người đều nói lên lòng tin tưởng sâu sắc của mình ở bản chất tốt đẹp của chế độ ta là chế độ xã hội chủ nghĩa, ở sức mạnh đoàn kết vĩ đại của nhân dân ta trong cả nước, ở sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, ở những thành tích to lớn xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản của các nước anh em ta, ở sự nghiệp đấu tranh cách mạng của nhân dân toàn thế giới” [11].

Bài học về phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân, đoàn kết, tập hợp mọi lực lượng dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám vẫn còn giữ nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay. Bài học này tiếp tục được Đảng ta và Bác Hồ quán triệt, vận dụng và nâng lên tầm cao mới, đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đoàn kết là sức mạnh vô địch của chúng ta. Bản Cương lĩnh chính trị của Mặt trận là ngọn cờ đại đoàn kết toàn thể nhân dân miền Nam để cùng nhau chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng. Nhân dân ta đã đoàn kết, càng đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ hơn nữa! Chúng ta càng đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ hơn nữa với anh em, bè bạn ta trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ, đang ra sức ủng hộ chúng ta! Dù giặc Mỹ hung ác đến đâu, sức mạnh đoàn kết vĩ đại của chúng ta nhất định sẽ đánh thắng chúng” [12]. Thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước với đại thắng lợi của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã chứng minh nhận định đó của Người.

Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám, với những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới, trước những vận hội mới, nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức đặt ra trước yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước, hơn bao giờ hết, Đảng cần tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và sự đồng thuận của toàn xã hội trong tiến trình xây đựng đất nước hiện nay. Để đạt được mục tiêu đó, Đảng cần có những quyết sách nhằm động viên và tổ chức mọi tầng lớp nhân dân phát huy truyền thống yêu nước và lòng tự hào dân tộc, đưa đất nước vượt qua thách thức để vững tin vào việc hiện thực hóa mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.                                                                

-------------------------------------

[1], [3], [7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.25-26; tr.25; tr.23

[2] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 11, tr.80

[4], [5], [6], [9], [10] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.425; tr.461; tr.470; tr.290; tr.294

[8] Lê Duẩn, “Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới”, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1976, tr.47

[11] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 14, tr.287

[12] Hồ Chí Minh, Sđd, tập 15, tr.266.

Nguyễn Bảo Minh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực