Tái hiện ký ức của quân dân Hà Nội trong 12 ngày đêm khói lửa

Thứ tư, 06/12/2023 19:20
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Trưng bày chuyên đề “Thang âm cuộc chiến” tái hiện cuộc sống sinh hoạt, lao động của quân và dân Hà Nội (cuối năm 1972) với tinh thần đoàn kết chiến đấu và phục vụ chiến đấu vượt qua mất mát, đau thương, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.

Nhân dịp kỷ niệm kỷ niệm 51 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 - 12/2023); kỷ niệm 50 năm trao trả phi công Mỹ (1973 - 2023), ngày 6/12, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức trưng bày chuyên đề “Thang âm cuộc chiến”.

Trưng bày chuyên đề “Thang âm cuộc chiến” nhằm giúp công chúng hiểu hơn sự khốc liệt của những cuộc tập kích chiến lược bằng Không quân và Hải quân Mỹ khi leo thang phá hoại miền Bắc; tái hiện cuộc sống sinh hoạt, lao động của quân, dân Hà Nội (cuối năm 1972) với tinh thần đoàn kết chiến đấu và phục vụ chiến đấu vượt qua mất mát, đau thương, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.

Các đại biểu tham quan trưng bày. 

Trưng bày cũng giới thiệu cuộc sống của các phi công Mỹ trong Trại tạm giam Hỏa Lò cùng mong muốn chấm dứt chiến tranh để trở về với gia đình; câu chuyện về những ngày trao trả phi công Mỹ cách đây 50 năm (1973 - 2023). Những nỗ lực chung của Chính phủ Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm khắc phục hậu chiến tranh cùng với sự nỗ lực của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động ngoại giao nhân dân đặc biệt là các cựu chiến binh đã góp phần nối lại quan hệ giữa hai nước.

Trưng bày chuyên đề “Thang âm cuộc chiến” được thể hiện qua 3 nội dung: "Khúc ca chiến thắng", "Dòng ký ức" và "Chung tay hàn gắn". Trong đó, nội dung “Khúc ca chiến thắng” kể câu chuyện 12 ngày đêm (18/12 - 30/12/1972), quân và dân miền Bắc trong đó có Hà Nội đã kiên cường chiến đấu, đánh trả cuộc tập kích chiến lược của quân đội Mỹ. Dưới mưa bom bão đạn, các lực lượng vũ trang mà nòng cốt là Quân chủng Phòng không Không quân đã chủ động, sáng tạo cùng nhân dân Thủ đô phát huy sức mạnh đánh địch. Bám trụ trận địa, những người con quả cảm vẫn bền gan, vững chí, quyết tâm tiêu diệt máy bay địch, làm một trận “Điện Biên Phủ trên không” lẫy lừng, đập tan cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn nhất của quân đội Mỹ.

 Tái hiện lại sự tan hoang, đổ nát của một góc Bệnh viện Bạch Mai.

Với tinh thần “sơ tán cũng là đánh địch”, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ Thành phố, nhân dân Thủ đô khẩn trương sơ tán về các vùng ngoại thành. Hàng trăm phương tiện giao thông được huy động, hàng vạn gia đình hối hả rời khỏi nội thành... Ở những nơi sơ tán, người dân Hà Nội và người dân địa phương chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau tăng gia sản xuất, ổn định cuộc sống. Dưới những hầm, hào trú ẩn, tiếng học bài vẫn vang lên rộn ràng.

Nội dung “Dòng ký ức” tái hiện đời sống của những phi công Mỹ trong trại giam Hỏa Lò và các trại tạm giam khác ở miền Bắc. Trong hoàn cảnh đất nước còn chiến tranh, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn nỗ lực tạo điều kiện chăm sóc y tế, sinh hoạt thể chất, văn hoá, tôn giáo cho phi công Mỹ bị bắt giam trong Trại giam Hỏa Lò và các trại tạm giam khác ở miền Bắc. Hằng tháng, phi công Mỹ được viết thư gửi về gia đình. Dịp Giáng sinh và đón năm mới, phi công Mỹ được tham gia chuẩn bị đón mừng ngày lễ và gửi những lời chúc tốt lành về gia đình, được tự tay chuẩn bị bữa ăn, trang trí phòng giam, học hát cho các buổi lễ. Những bức thư được viết nhiều hơn, giúp các phi công Mỹ vơi đi nỗi nhớ nhà. Nhiều phi công còn được thu âm những lời yêu thương gửi về cho gia đình và phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây cũng là dịp phi công Mỹ nhận được nhiều thư và quà từ gia đình gửi sang.

Ở phần này, trưng bày giới thiệu một số bức thư và tranh vẽ của một số phi công Mỹ từng bị tạm giam tại Trại giam Hỏa Lò và một số trại giam khác như Thư của Đại úy Hải quân Robert Deane Woods; Đại úy Không quân Harold Eugene Johnson; Trung tá Thủy quân lục chiến Edison Wainwright Miller; Thiếu tá Không quân Roger Dean Ingvalson; Trung tá Hải quân Walter Eugene Wilber viết cho gia đình; Tranh “Giáng sinh đầu tiên”, Trung tá Không quân Hervey Studdifort Stockman vẽ trong thời gian bị giam tại Trại giam Hỏa Lò, năm 1970…

Ông Thomas xúc động khi được nhìn lại bức thư của cha mình. 

Với nội dung “Chung tay hàn gắn”, trưng bày giới thiệu những hoạt động hợp tác triển khai việc tìm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích, khắc phục hậu quả bom mìn, giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh… nhằm xoa dịu những nỗi đau thời chiến. Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhiều cựu chiến binh Mỹ đã trở lại Việt Nam, thăm lại chiến trường xưa và thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò, để nhớ về một phần ký ức trong cuộc đời binh nghiệp.

Điểm nhấn trong không gian trưng bày là tái hiện lại sự tan hoang, đổ nát của một góc Bệnh viện Bạch Mai sau trận ném bom rải thảm của máy bay B-52 vào 4 giờ sáng, ngày 22/12/1972, nhằm thể hiện phần nào những nỗ lực của các y, bác sỹ để tìm kiếm, cứu chữa các nạn nhân.

Đến với trưng bày, công chúng còn tham gia trải nghiệm mô hình lớp học thời chiến với mái rơm, bàn ghế gỗ, đèn dầu cùng mũ rơm và túi cứu thương… những vật dụng quen thuộc mà mỗi học sinh thời chiến đều mang theo mỗi khi tới lớp.

Bày tỏ xúc động khi tham quan trưng bày, ông Nguyễn Văn Hùng, pháo thủ số 1 Trung đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Lương Yên, người tham gia bắn rơi 1 máy bay F111, tối 22/12/1972 cho biết, ông làm việc tại Nhà máy Cơ khí Lương yên nên được tham gia Liên đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Lương Yên, Nhà máy Cơ khí Mai Động và Nhà máy Gỗ Hà Nội trực chiến tại trận địa Vân Đồn. Trận địa có nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu cầu Long Biên, Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô, Bệnh viện 108 và một số mục tiêu khác.

Đã hơn 50 năm, nhưng ông Nguyễn Văn Hùng chưa bao giờ quên được khoảnh khắc tối 22/12/1972. Khi đó, các đơn vị vào trực súng. Có lệnh bắn từ chỉ huy, ông Nguyễn Văn Hùng bắn 9 viên, đồng đội bắn được 10 viên. Tổng cộng 19 viên. Khói mịt mù. Vài ngày sau, chiếc F111 được xác định rơi ở Hòa Bình. “Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng tôi chưa bao giờ quên được khoảnh khắc đó”, ông Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Tại trưng bày, ông Thomas rất xúc động khi được nhìn lại bức thư của cha mình. Cha ông - Trung tá hải quân Walter Eugene Wilber đã ở nhà tù Hỏa Lò từ năm 1968 đến năm 1973, một khoảng thời gian không phải là dài so với lịch sử hình thành của nhà tù Hỏa Lò. Khi nhận được bức thư bố gửi cho ông từ Việt Nam, ông đã vỡ òa cảm xúc. Những lời căn dặn của bố trong bức thư đó vẫn nhớ cho tới hôm nay. Bức thư có nội dung: "Chúc mừng sinh nhật con trai. Tuổi 17 là khoảng thời gian thật vui. Chân trời đang rộng mở ra trước mắt và con sẽ trở nên tự tin hơn. Đừng bỏ lỡ bất cứ ngày vui nào của tuổi trẻ, thế nhưng vẫn phải tiếp tục rèn luyện thân thể và tâm trí của mình, đặc biệt là học cách suy nghĩ và giải quyết các vấn đề. Hãy thành thật, nhưng đừng trở nên sợ hãi trước đám đông. Bố không biết gửi cho con thứ gì ngoài tình yêu của bố và những lời chúc tốt lành nhất. Con biết đấy, lòng tin và sự yên lành vốn chỉ là những từ ngữ sáo rỗng cho tới khi ta thực hiện nó bằng cả kỷ luật"...

Trưng bày chuyên đề “Thang âm cuộc chiến” giới thiệu đến du khách từ ngày 06/12/2023 đến ngày 30/6/2024 tại Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò, số 1 phố Hỏa Lò, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội./.

Tin, ảnh: Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực