Tăng cường công tác tuyên truyền về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Thứ ba, 06/09/2022 15:07
(ĐCSVN)- Phát biểu tại Hội nghị Báo cáo viên tháng 9 các tỉnh phía Bắc, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các báo cáo viên cần tập trung tuyên truyền một số nội dung: công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc...
 Đồng chí Phan Xuân Thủy định hướng tuyên truyền trong thời gian tới.

Căn cứ Kế hoạch công tác tuyên truyền miệng năm 2022, ngày 6/9/2022, tại tỉnh Hoà Bình, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị Báo cáo viên Trung ương tháng 9 (khu vực phía Bắc) bằng hình thức trực tiếp.

Dự và chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hoà Bình; Phan Xuân Thuỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoà Bình; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình.

Dự Hội nghị còn có lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hoà Bình, đại diện lãnh đạo UBND, HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các ban, sở, ngành, địa phương, đơn vị tỉnh Hoà Bình; lãnh đạo Ban Tuyên giáo, lãnh đạo phòng tham mưu lĩnh vực công tác tuyên truyền miệng thuộc Ban Tuyên giáo 29 tỉnh ủy, thành ủy khu vực phía Bắc, các đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đồng chí báo cáo viên Trung ương; lãnh đạo Trường Chính trị các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; lãnh đạo Ban Tuyên giáo các tổ chức chính trị - xã hội; lãnh đạo Ban Tuyên giáo đảng ủy các tập đoàn trực thuộc Đảng uỷ Khối Doanh nghiệp Trung ương. Ngoài ra, tham dự Hội nghị còn có đại biểu của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Khánh Hòa, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Ninh Thuận, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Cà Mau.

 Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được nghe đồng chí Nguyễn Phi Long, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Hòa Bình thông tin về “Một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hòa Bình thời gian gần đây; phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới”. Theo đó, Hòa Bình là một tỉnh có vị trí chiến lược rất quan trọng, là cửa ngõ vùng Tây Bắc của Tổ quốc, cầu nối giữa vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ; là địa phương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Trong 8 tháng năm 2022, tỉnh đã tập trung thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; kịp thời triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Tổng diện tích gieo trồng toàn tỉnh ước đạt 43.458 ha, đạt 96% so với kế hoạch. Tổng diện tích nuôi cá ao, hồ nhỏ là 2.700 ha và 4.820 lồng nuôi cá, tăng 220 lồng; sản lượng cá thu hoạch ước đạt 1.000 tấn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ lũy kế 8 tháng đạt 34.000 tỷ đồng, đạt 64,80% kế hoạch năm. Kim ngạch xuất khẩu luỹ kế 8 tháng ước đạt 933,262 triệu USD, tăng 22,43% so với cùng kỳ, đạt 64,95% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu luỹ kế 8 tháng ước đạt 716,978 triệu USD, tăng 11,84% so với cùng kỳ, đạt 65,36% kế hoạch năm. Thu ngân sách nhà nước ước đạt 3.540 tỷ đồng (tính đến hết tháng 8 năm 2022).

Công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả; công tác hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, đồng bào sinh sống tại các xã vùng khó khăn…được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt. Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, báo chí, phát thanh, truyền hình được thực hiện tốt. Công tác xây dựng chính quyền; cải cách hành chính; thanh tra, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và hoạt động tư pháp được đẩy mạnh. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được đảm bảo, góp phần phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

 Đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình báo cáo tại Hội nghị.

Báo cáo về chuyên đề “Kết quả nổi bật của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian gần đây; nhiệm vụ trong thời gian tới”, đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết: Từ sau phiên họp thứ 21 (tháng 1/2022) của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến nay, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp và những tác động khó lường từ tình hình quốc tế và khu vực gây ra, nhưng các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực, vừa tập trung cho các nhiệm vụ phục hồi kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, vừa chú trọng chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Thường trực Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời cho chủ trương xử lý đối với những vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm. Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Trong khuôn khổ Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe đồng chí Trần Huy Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Đông Bắc Á, Bộ Ngoại giao báo cáo chuyên đề “Tình hình Trung Quốc và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc thời gian gần đây; dự báo tình hình Trung Quốc và định hướng quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong thời gian tới”.

 Đồng chí Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương báo cáo chuyên đề về phòng, chống tham nhũng tại Hội nghị.

Thay mặt Ban Tuyên giáo Trung ương định hướng công tác tuyên truyền trong thời gian tới, đồng chí Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các đồng chí báo cáo viên các tỉnh, thành trong cả nước bám sát tài liệu, thông tin các đồng chí báo cáo viên đã cung cấp tại Hội nghị và căn cứ kế hoạch công tác tuyên truyền miệng năm 2022, tập trung tuyên truyền các nội dung trọng tâm: Tiếp tục tuyên truyền về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Trong đó khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta về cuộc đấu tranh chống tham nhũng, được dư luận, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Thời gian qua, Trung ương đã chỉ đạo triển khai khá toàn diện, đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để xây dựng, hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cả trong Đảng và Nhà nước. Tuyên truyền nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng đã được nêu trong Báo cáo số 06-BC/TW, ngày 23/7/2022 về tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022, nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới; công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 4952/VPCP-V.I, ngày 05/8/2022 về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới; các nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022 và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC). Tuyên truyền nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kiên trì xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong tình hình mới, trước hết là sự gương mẫu, giữ gìn, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

 Toàn cảnh Hội nghị.

Về tình hình quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, đồng chí Phan Xuân Thủy đề nghị khi tuyên truyền cần khẳng định, hơn 70 năm qua, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc tuy có lúc thăng trầm, nhưng hữu nghị, hợp tác vẫn là dòng chảy chính, tình hữu nghị do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Ðông cùng các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp đã trở thành tài sản chung quý báu của hai dân tộc. Trong tình hình hiện nay, việc củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc phù hợp lợi ích lâu dài của hai nước và nhân dân hai nước, có lợi cho việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác ở khu vực và trên thế giới. Trung Quốc đang chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đồng chí Phan Xuân Thủy đề nghị báo cáo viên các tỉnh thành bám sát sự chỉ đạo, định hướng của Bộ Ngoại giao và Ban Tuyên giáo Trung ương, tập trung tuyên truyền những thành tựu nổi bật của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc; tăng cường thông tin tích cực về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Trung Quốc; đấu tranh phản bác các thông tin, luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu ảnh hưởng đến quan hệ hai Đảng, hai nước.

Ngoài ra, trong thời gian tới, đồng chí Phan Xuân Thủy đề nghị đội ngũ báo cáo viên cả nước cần tập trung tuyên truyền kỷ niệm 40 năm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (10/12/1982 - 10/12/2022); 20 năm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông - DOC (04/11/2002 - 04/11/2022) và 10 năm Luật Biển Việt Nam; tiếp tục tuyên truyền về các nghị quyết Hội nghị Trung ương 5; về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tuyên truyền về năm học mới 2022 – 2023; tuyên truyền một số ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn của đất nước như: tuyên truyền kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam 2022; Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2022; tuyên truyền kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Lê Hồng Phong (1902 - 2022)…

Tin, ảnh: TT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực