Khu di tích Từ đường Nguyễn Khuyến nằm ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương (xưa là xã Yên Đổ), huyện Bình Lục, Hà Nam. Vị trí cách trung tâm thành phố Phủ Lý (Hà Nam) khoảng 15km theo QL 21A về phía Đông Nam. Khu Từ đường Nguyễn Khuyến được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ VH,TT-DL) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1991.
Về thân thế, sự nghiệp của “Tam nguyên Yên Đổ” - Nguyễn Khuyến, ông sinh năm 1835, mất năm 1909. Ban đầu có tên là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự Miễn Chi. Ông sinh ở quê mẹ, làng Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định nhưng lớn lên và sống chủ yếu ở quê cha, làng Yên Đổ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Xuất thân trong một gia đình nhà Nho nghèo (cha ông đỗ ba khóa tú tài, dạy học), bản thân Nguyễn Khuyến thông minh, chăm học và học giỏi.
Năm 1864, ông đỗ đầu thi Hương (Giải nguyên) ở trường Nam Ðịnh; năm 1871, ông đỗ Hội nguyên và tiếp tục thi Ðình đỗ Ðình nguyên. Từ đó, người ta gọi ông là “Tam nguyên Yên Ðổ” (tức người đỗ đầu ba kỳ thi làng Yên Đổ).
Nguyễn Khuyến làm quan ở nội các Huế, rồi làm Đốc học Thanh Hóa, Án sát Nghệ An, rồi Biện lý Bộ Hộ,... Thời gian ông ra làm quan, Pháp đánh chiếm sáu tỉnh Nam Kỳ và tiến đánh ra miền Bắc. Sống giữa bối cảnh nước mất nhà tan, các phong trào đấu tranh yêu nước bị dập tắt, nhiều kẻ làm tay sai cho thực dân, Nguyễn Khuyến không thể làm được gì để thay đổi thời cuộc nên xin cáo quan về ở ẩn.
Các sáng tác của Nguyễn Khuyến hầu hết được làm sau lúc từ quan, hiện còn khoảng hơn 400 bài, gồm thơ, văn, câu đối bằng chữ Hán và chữ Nôm; đáng kể hơn hết là “Quế Sơn thi tập” khoảng 200 bài thơ bằng chữ Hán. Sáng tác của ông chủ yếu xoay quanh ba nội dung: Bộc bạch tâm sự của mình; viết về con người, cảnh vật và cuộc sống ở quê hương - một vùng đồng chiêm nghèo ở Bắc Bộ; chế giễu, đả kích những kẻ tham lam, ích kỷ, cơ hội lúc bấy giờ...
Đường về làng Vị Hạ, xã Trung Lương ( xã Yên Đổ cũ), huyện Bình Lục, Hà Nam.
Khu Từ đường Nguyễn Khuyến ẩn dật trong làng Vị Hạ
Có mặt tại đây chúng ta như cảm nhận được hơi hướng thực tế của những "ngõ trúc" trong bài thơ "Thu Điếu".
"Ao thu" trước nhà cụ Nguyễn Khuyến mùa này sen tỏa hương thơm ngát, tạo phong vị đầy an yên chốn thôn quê thanh bình.
Ông Nguyễn Thanh Tùng - hậu duệ cụ Nguyễn Khuyến giới thiệu về tấm bia đá khắc bài thơ "Thu Điếu" bằng ba thứ tiếng: chữ Nôm, chữ quốc ngữ và Tiếng Anh.
Bậc xuống lạch nước trước cửa nhà cụ Tam nguyên, nhuốm màu thời gian, rêu phong cổ kính.
Vườn nhà cụ Nguyễn Khuyến có rất nhiều cây cảnh truyền thống của người Việt vùng thôn quê.
Căn nhà cổ năm gian - nơi cụ Nguyễn Khuyến từng sinh sống thời khoa cử và những tháng năm tuổi già sau khi về ở ẩn.
Khu nhà bảy gian của cụ Tam nguyên cùng vườn cây, ao cá được Nhà nước trùng tu, tôn tạo năm 2004.
Câu đối được lưu giữ trong Khu từ đường.
Từ đường còn lưu giữ một số bộ triều phục của Nguyễn Khuyến, và bức tượng đá tạc hình nhà thơ tay chống gậy trúc, thư thái ngắm cảnh trời xanh../.