Thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” lần thứ III

Thứ hai, 11/11/2019 15:06
(ĐCSVN) - Cuộc thi được tổ chức nhằm tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho đoàn viên, học sinh, khơi dậy tinh thần ham mê tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc, phát huy trách nhiệm của tuổi trẻ Việt Nam trong học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 11/11 tại trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp tổ chức Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” lần thứ III, năm học 2019 – 2020 dành cho đối tượng là học sinh đang theo học tại các trường trung học phổ thông (THPT) và Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (TTGDNN- GDTX) trên cả nước.

Cuộc thi nhằm cụ thể hóa Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030”; thực hiện Đề án “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên giai đoạn 2013 – 2020” của Ban Bí thư Trung ương Đoàn; chào mừng kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống học sinh, sinh viên; 90 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.


Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Bùi Trường Giang (thứ 2 từ phải qua),
Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn (áo xanh) cùng các đại biểu
thực hiện nghi thức khai mạc cuộc thi.

Nội dung cuộc thi gồm những kiến thức về lịch sử, văn hóa Việt Nam đã được dạy và học trong chương trình giáo dục phổ thông; các cột mốc lịch sử quan trọng của đất nước; các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa, anh hùng liệt sĩ, người Việt Nam tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực, qua các thời kỳ; thành tựu trên các lĩnh vực của đất nước trong thời kỳ đổi mới.

Phát biểu khai mạc cuộc thi, Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ, Bác Hồ đã từng nhắn nhủ “Dân ta phải biết sử ta/Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Thời gian qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử, thầy cô, các bậc phụ huynh đã nói rất nhiều về tầm quan trọng của việc học Lịch sử nhưng thực tế, điểm trung bình môn Lịch sử trong kỳ thi THPT quốc gia  là 4,4, với 70% thí sinh dưới điểm trung bình.

Nhiều bạn trẻ cứ nghĩ rằng những kiến thức về Lịch sử có thể tra trên google nhưng điều này không phải lúc nào cũng thực hiện được, nhất là khi môi trường giao lưu quốc tế ngày càng rộng mở, các bạn trẻ phải nói làm sao, giới thiệu thế nào về lịch sử, văn hóa dân tộc để bạn bè quốc tế hiểu về đất nước, con người Việt Nam.

Dưới sự chỉ đạo định hướng của Ban Tuyên giáo Trung ương, đây là lần thứ 3 Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” được tổ chức. Năm nay, cuộc thi có nhiều đổi mới với thời gian thi lâu hơn, tương tác nhiều hơn, ngoài nội dung thi kiến thức, sản xuất video, còn có thiết kế inforgraphic để thu hút nhiều hơn thí sinh tham gia.

Cụ thể, cuộc thi gồm ba nội dung thi độc lập: Thi kiến thức gồm 03 vòng: vòng thi tuần (đợt 1: từ ngày 11/11 đến 08/12/2019 (4 tuần); đợt 2: từ 02/02/2020 đến 01/3/2020 (4 tuần), vòng chung kết cấp tỉnh, thành phố (dự kiến vào ngày 07/3/2020) và vòng chung kết xếp hạng toàn quốc (ngày 21-22/3/2020).


Thí sinh tham gia vòng thi tuần Cuộc thi tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc “Tự hào Việt Nam” lần thứ III

Ở nội dung này, học sinh đăng ký tham gia thi trực tuyến tại địa chỉ website: http://www.tuhaovietnam.edu.vn. Trong vòng thi tuần, mỗi thí sinh sẽ trải qua 4 phần thi: Theo dòng lịch sử, Giải mã lịch sử, Danh nhân đất Việt, Tự hào Việt Nam với ngân hàng câu hỏi phong phú, đa dạng, gắn liền với lịch sử, văn hóa dân tộc; giao diện trang thi được thiết kế hiện đại, sinh động, dễ truy cập; lượng câu hỏi các phần thi được bổ sung phong phú hứa hẹn sẽ mang đến sự hấp dẫn, kịch tính, bất ngờ cho người chơi.

Sau 8 tuần thi, tại mỗi tỉnh, thành phố, 20 thí sinh được tham gia vòng thi chung kết cấp tỉnh, thành phố. Kết thúc vòng thi cấp tỉnh, thành phố, tối đa 65 thí sinh đại diện cho 63 tỉnh, thành phố sẽ tham gia vòng chung kết toàn quốc. Các đại diện tham gia vòng chung kết toàn quốc là các thí sinh cao điểm nhất, có thời gian làm bài thi ngắn nhất.

Với nội dung thi sản xuất video, tác giả có thể lựa chọn xây dựng video có nội dung giới thiệu về các sự kiện lịch sử hoặc địa danh, di tích lịch sử hoặc nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam; giới thiệu về các di tích văn hóa, các vùng văn hóa, các loại hình văn hóa, nghệ thuật, làng nghề truyền thống; hoặc giới thiệu về nguồn gốc ra đời, tập quán, văn hóa, trang phục của đồng bào các dân tộc trong 54 dân tộc của Việt Nam.

Nội dung thi thiết kế inforgraphic là phần thi mới được triển khai so với các năm trước, theo đó, tác giả thiết kế inforgraphic về một sự kiện lịch sử Việt Nam để tham gia dự thi.

Giải thưởng cho phần thi kiến thức gồm: giải thưởng tuần; giải thưởng vòng thi chung kết cá nhân cấp tỉnh; giải thưởng vòng thi chung kết cá nhân toàn quốc; giải thưởng dành cho trường THPT, TTGDNN-GDTX có số lượng học sinh, tỷ lệ học sinh tham gia thi nhiều nhất; giải thưởng dành cho tỉnh, thành đoàn có số lượng, tỷ lệ học sinh tham gia thi nhiều nhất. Các cá nhân đoạt giải cao nhất của cuộc thi được nhận Bằng khen của Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng tiền thưởng.

Giải thưởng cho các phần thi sản xuất video và phần thi thiết kế inforgraphic gồm các giải dành cho sản phẩm và dành cho tỉnh, thành đoàn có số lượng tác phẩm dự thi nhiều nhất. Tổng giá trị các giải thưởng là hơn 300 triệu đồng./.

Tin, ảnh: Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực