Tiếp tục đóng góp trí tuệ, hiến kế cho Thủ đô phát triển xứng tầm

Thứ bảy, 05/10/2024 18:30
(ĐCSVN)- Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong mong muốn các nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ, chức sắc tôn giáo tiếp tục tư vấn, phản biện, đóng góp cho Thành phố để Luật Thủ đô và các quy hoạch sớm được đưa vào cuốc sống…; tạo điều kiện Thủ đô phát triển xứng đáng là Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, người dân hạnh phúc, kết nối toàn cầu.
Các đại biểu tại buổi gặp mặt.

Chiều 5/10, Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức gặp mặt đại biểu nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc tôn giáo nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Dự buổi gặp mặt, về phía Trung ương có: Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa Thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Về phía lãnh đạo TP Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Công tác tôn giáo TP Nguyễn Văn Phong; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương; lãnh đạo các sở, ban, ngành TP Hà Nội.

Tham dự hội nghị có 91 đại biểu tiêu biểu đại diện đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo trên địa bàn TP.

Tiếp tục đóng góp trí tuệ, hiến kế cho Thủ đô phát triển

Tại buổi gặp mặt, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Thị Kim Dung ôn lại truyền thống đấu tranh cách mạng của Thủ đô Hà Nội trong suốt 70 năm qua, đồng thời, khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong những năm gần đây. Trong đó nhấn mạnh: Có được những kết quả đó bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và MTTQ các cấp, còn có sự đóng góp tích cực của đội ngũ nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc các tôn giáo.

Với trách nhiệm và tình yêu Hà Nội, đội ngũ nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ, chức sắc các tôn giáo Thủ đô đã cống hiến công sức, trí tuệ, hiến kế để TP hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ chính trị và đạt được những thành tựu to lớn như ngày hôm nay.

Những năm qua, các tôn giáo đã thực hiện đúng Hiến chương của Giáo hội, chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, luôn đoàn kết, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động của MTTQ, đóng góp rất tích cực trong công tác mở rộng, tập hợp và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Các tổ chức tôn giáo đã đồng hành trong công tác an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, hoạt động từ thiện nhân đạo, y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường; chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả các chương trình dự án trọng điểm của TP: Thực hiện nhiệm vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô, các tổ chức tôn giáo đã vận động di chuyển trên 11.000 ngôi mộ, đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án đường Vành đai 4.

Quang cảnh buổi gặp mặt. 

Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi của MTTQ Việt Nam các cấp, với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, các tổ chức tôn giáo đã vận động quyên góp tiền, hàng hóa, nhu yếu phẩm cho Nhân dân các tỉnh bị thiệt hại phía Bắc và trên địa bàn TP với tổng số tiền trên 26 tỷ đồng và hàng hóa, nhu yếu phẩm trị giá trên 3 tỷ đồng…

Đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong phát triển văn hóa còn có sự đóng góp rất lớn của trên 3.000 hội viên, đội ngũ văn nghệ sĩ Thủ đô. Các văn nghệ sĩ, trí thức đã đóng góp tích cực trong công tác giữ gìn, bảo tồn và phát triển văn hóa, đặc biệt là văn hóa truyền thống của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

TP đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU về phát triển công nghiệp văn hóa, phấn đấu đến năm 2045, kinh tế du lịch sẽ trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của Thủ đô; Nghị quyết 02-NQ/TU về trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2030.

Tiếp tục quan tâm để ngôi nhà chung của Thủ đô ngày càng phát triển

Phát biểu tại buổi gặp mặt, NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật TP, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam TP chia sẻ: Những năm qua, hội viên của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật TP đã sáng tác nhiều tác phẩm có chất lượng phục vụ Nhân dân Thủ đô và cả nước. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, Hội đã mở cuộc vận động sáng tác về văn học nghệ thuật; tham gia nhiều chương trình kỷ niệm...

NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết, những ngày này, cùng với các văn nghệ sỹ Thủ đô, nhà hát kịch Hà Nội đang tổ chức nhiều hoạt động chào mừng. Trong đó nổi bật là việc dựng lại vở kịch “Hẹn ngày trở lại” của tác giả Lưu Quang Vũ, thông qua vở kịch đã thể hiện tinh thần bất khuất, anh hùng nhưng cũng đầy hào hoa, lịch lãm của người Hà Nội trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô chính là dịp để văn nghệ sỹ Thủ đô tái hiện lại quá khứ hào hùng của Hà Nội.

PGS, TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội nữ trí thức TP chia sẻ: Hội Nữ trí thức TP thấu hiểu được trách nhiệm của mình trong việc góp sức để đưa Hà Nội ngày càng phát triển. Đội ngũ nữ trí thức Thủ đô hứa sẽ cố gắng làm hết sức để góp sức tri ân Hà Nội, trả ân những người đã hy sinh trong chiến tranh để có được Hà Nội hôm nay. Đồng thời mong muốn các đồng chí lãnh đạo TP sẽ có nhiều chủ trương, quyết sách để đưa Hà Nội ngày càng phát triển văn hiến - văn minh - hiện đại.

Các đại biểu phát biểu tại buổi gặp mặt. 

Đại diện cho các tổ chức tôn giáo phát biểu tại buổi gặp mặt, Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP, Phó Chủ tịch không chuyên trách Ủy ban MTTQ Việt Nam TP bày tỏ sự vui mừng khi được chứng kiến sự phát triển của Thủ đô từ ngày đầu giải phóng đến nay.

Ghi nhận những thành tựu đáng tự hào trong các lĩnh vực giao thông, giáo dục, văn hóa, đời sống… của TP, Hòa Thượng Thích Bảo Nghiêm mong muốn, thời gian tới, lãnh đạo TP tiếp tục quan tâm đến hoạt động của các tôn giáo và MTTQ để ngôi nhà chung của Thủ đô ngày càng phát triển, đoàn kết hơn nữa.

Tiếp tục tư vấn, phản biện, đóng góp để phát triển Thủ đô

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh buổi gặp mặt các nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ, chức sắc tôn giáo, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô là hoạt động vô cùng ý nghĩa. Từ đầu năm đến nay, TP đã phát động phong trào thi đua với 3 giai đoạn, với gần 50 nội dung, trong đó, có cả các hoạt động tại các tỉnh, TP khác.

Gần 50 hoạt động được tổ chức từ cấp địa phương đến TP. Nổi bật, có nhiều hoạt động hướng về người dân như xây dựng, sửa chữa 724 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo thuộc 15 huyện, thị xã với tổng kinh phí 61,98 tỷ đồng.

Mặt trận TP cũng tham mưu với TP dùng ngân sách sửa chữa, xây mới nhà cho những hộ dân bị ngập úng lâu ngày, cố gắng hoàn thành xong trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; đồng thời, đẩy nhanh tiến độ công trình hạ tầng giao thông trọng điểm phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an sinh xã hội.

Vừa qua, TP đã khánh thành công trình Cung thiếu nhi, có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, hiện đại và được đầu tư lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại buổi gặp mặt.

Theo Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong, sự kiện ngày 10/10/1954 là một dấu mốc lịch sử, mở ra một thời kỳ mới của Thủ đô, thời đại Hồ Chí Minh. Trong suốt 70 năm qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều sự kiện, nhiều dấu ấn sâu đậm trong quá trình phát triển của Thủ đô, thể hiện bản sắc văn hóa, tính cách đặc trưng của người Hà Nội, thể hiện chiều sâu văn hóa thấm đẫm trong những người con Thủ đô, kể cả những ai không sinh ra, lớn lên ở Hà Nội nhưng trưởng thành ở mảnh đất này.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, trong 70 năm qua, về cơ bản, chúng ta được sống trong hòa bình nhưng cũng trải qua nhiều giai đoạn thử thách, cam go mà Hà Nội đã bản lĩnh, tự tin vượt qua. Có được điều đó là nhờ có sự quyết tâm, đồng lòng, nhất trí của tất cả người dân, trong đó, có vai trò quan trọng của các nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ, chức sắc tôn giáo đã góp phần vào khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin vào Đảng, chính quyền.

Cảm ơn, ghi nhận những đóng góp to lớn, quan trọng của các nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ, chức sắc tôn giáo đối trong quá trình phát triển của Thủ đô, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh chưa bao giờ Hà Nội có đầy đủ các điều kiện để phát triển như hiện nay, khi Luật Thủ đô vừa được Quốc hội thông qua; Quy hoạch Thủ đô cũng xác định 5 trụ cột phát triển, trong đó, có 2 trụ cột rất quan trọng, thứ nhất là văn hóa và con người, thứ hai là đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ và chuyển đổi số.

Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong mong các nhân sỹ, trí thức, văn nghệ sỹ, chức sắc tôn giáo tiếp tục tư vấn, phản biện, đóng góp cho TP để sớm hoàn thiện các cơ chế chính sách Luật Thủ đô cho phép HĐND TP được ban hành.

MTTQ TP tiếp tục đóng góp ý kiến, phản biện để khi Quốc hội thông qua Quy hoạch Thủ đô sẽ giữ đúng quy hoạch, định hướng lớn để Thủ đô có điều kiện phát triển trong thời gian tới; xứng đáng là Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, người dân hạnh phúc, kết nối toàn cầu./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực