Tiếp tục gìn giữ và phát huy giá trị di tích cố đô Huế

Thứ hai, 13/11/2023 16:01
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ghi nhận những kết quả đạt được của tỉnh Thừa Thiên Huế thời gian qua, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị tỉnh cần tháo gỡ khó khăn, tăng cường nguồn lực cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, di sản cố đô Huế...

Sáng 13/11, tại thành phố Huế, Đoàn công tác của Ban Tuyên giáo Trung ương do đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích cố đô Huế.

 Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Cùng đi trong đoàn có các đồng chí: Vũ Thanh Mai, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Thanh Lâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và các đồng chí lãnh đạo các vụ, đơn vị thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tiếp đoàn, về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng chí Lê Trường Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng chí Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Báo cáo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 7-7,5%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 874,2 triệu USD, giảm 9,4% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 46.000 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ. Tổng lượng khách ước đạt 2,6 triệu lượt khách, gấp 1,5 lần so với cùng kỳ; trong đó, khách quốc tế ước đạt 824 nghìn lượt, gấp 6 lần so với cùng kỳ.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền thông tăng cường công tác thông tin đối ngoại, hợp tác quốc tế; quảng bá, tuyên truyền di sản văn hóa Huế và Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

 Quang cảnh buổi làm việc.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, Di sản văn hóa Huế là một hệ thống bao gồm cả quần thể di tích cố đô đồ sộ; hệ thống kiến trúc cộng đồng, tôn giáo và kiến trúc dân gian; các giá trị văn hóa phi vật thể phong phú; các giá trị cảnh quan môi trường độc đáo. Huế cũng là nơi có di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, hệ thống di tích lịch sử cách mạng vô cùng quý giá. Huế có 5 di sản được UNESCO vinh danh.

Với những nỗ lực không mệt mỏi, công tác tu bổ, trùng tu di tích cố đô Huế đã đạt được nhiều thành tựu thể hiện trên các mặt: bảo tồn, trùng tu di tích; bảo tồn văn hóa phi vật thể; bảo tồn, tôn tạo cảnh quan môi trường các khu di sản; hợp tác quốc tế, ứng dụng thành tựu khoa học bảo tồn và đào tạo nguồn nhân lực; phát huy giá trị di sản.

Nhiều công trình khi tu bổ xong đã phát huy tốt hiệu quả kinh tế, xã hội. Công tác bảo tồn, trùng tu di tích đã đem lại những hiệu quả tích cực về mặt kinh tế và xã hội, góp phần quan trọng trong việc thu hút du khách đến Huế, đồng thời, biến di sản thành lợi thế cho sự phát triển, tăng các nguồn doanh thu du lịch và dịch vụ, tạo được sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân Huế trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di tích, di sản, sự quan tâm các tầng lớp xã hội và nhân dân cả nước đối với di sản văn hóa truyền thống. Nhờ những thành tựu của công tác bảo tồn mà di sản văn hóa Huế đã được quảng bá rộng rãi trên toàn thế giới, tạo nên sức hút to lớn của Huế đối với du khách.

Với tiềm năng và quỹ di sản văn hóa dồi dào được bảo tồn và phát huy tốt, du lịch, dịch vụ của tỉnh Thừa Thiên Huế trong những năm qua đã có những bước phát triển nhanh chóng và thực sự đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Khai thác du lịch, dịch vụ từ di sản đã đóng vai trò chủ đạo, doanh thu toàn xã hội từ du lịch, dịch vụ dựa trên nền tảng khai thác di sản văn hóa chiếm tỷ trọng cao. Việc khai thác và phát huy giá trị di sản còn tạo điều kiện cho công tác phục hồi các ngành nghề thủ công, các nghi lễ và nghệ thuật truyền thống. Nhiều năm liền, Thừa Thiên Huế luôn được bình chọn là điểm đến thu hút, an toàn, thân thiện của du lịch Việt Nam.


Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương thăm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. 

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế cần cần tiếp tục học tập, nghiên cứu, quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Trung ương về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Hoạt động bảo tồn và phát huy chính là để giữ gìn những vốn quý của cha ông, đồng thời thổi luồng sinh khí mới tiếp sức cho di sản tồn tại trong cuộc sống đương đại. Bên cạnh đó, tỉnh phải đẩy đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, năng lực tốt về quản lý, bảo tồn di sản văn hóa. Phân bổ hợp lý và quản lý tốt các nguồn lực đầu tư trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Để công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản gắn với phát triển bền vững đạt được hiệu quả, tỉnh cần huy động trí tuệ, công sức, sáng kiến của toàn xã hội từ nhiều phía: nhà quản lý, cộng đồng, các cơ quan truyền thông, các nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản.

Để góp phần tháo gỡ khó khăn, tăng cường nguồn lực cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích, di sản cố đô Huế, đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để đề xuất tháo gỡ về cơ chế, chính sách cho bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản, tăng cường và triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án đã được Chính phủ phê duyệt. Đồng chí cũng đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến hợp lý của tỉnh, của các chuyên gia, sớm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa, từng bước tháo gỡ những vướng mắc.

Với những kết quả, bài học kinh nghiệm quan trọng đã đạt được trong thời gian qua; bằng quyết tâm chính trị cao của lãnh đạo tỉnh, sự chung tay vào cuộc đồng bộ của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tin tưởng công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục gặt hái những thành công quan trọng trong thời gian tới.

Cũng trong sáng nay, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã đến thăm Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh; thăm triển lãm ảnh, hội chợ tại “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023" do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp cùng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, diễn ra từ ngày 11 - 15/11.

 Đồng chí  Nguyễn Trọng Nghĩa thăm triển lãm ảnh tại “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023” . 

Tham quan khu vực triển lãm ảnh và gian hàng tại Ngày hội, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa tái khẳng định mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào. Kể từ khi thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam - Lào (năm 1962), hai nước đều đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về phát triển kinh tế, xã hội, đối ngoại, sự hợp tác giữa hai nước ngày càng hiệu quả trên tất cả lĩnh vực. Đồng chí lưu ý các đơn vị báo chí truyền thông, trong đó có Thông tấn xã Việt Nam cần làm tốt hơn nữa công tác thông tin đối ngoại để quảng bá lan tỏa hình ảnh về văn hóa, con người Việt Nam giàu bản sắc, một Việt Nam đang phát triển năng động, mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng với thế giới.

Triển lãm ảnh tại “Ngày hội thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào năm 2023” trưng bày hơn 200 bức ảnh, được chia thành 4 chủ đề gồm: Lịch sử 61 năm quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam - Lào; Việt Nam và Lào trên đường phát triển; Thành tựu nổi bật về hợp tác Việt Nam - Lào trong lĩnh vực thông tin và truyền thông; Thừa Thiên - Huế đồng hành cùng sự phát triển của đất nước.

 
Khu vực hội chợ của Ngày hội có gần 60 gian hàng, được tổ chức với điểm nhấn là các gian hàng ấn phẩm thông tin, chương trình truyền thông bằng tiếng Lào của Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cổng thông tin đối ngoại quốc gia Vietnam.vn. Bên cạnh đó, còn có sự đồng hành của các doanh nghiệp công nghệ thông tin và viễn thông như Viettel, VNPT, VTC; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, thương mại… với những sản phẩm OCOP đặc trưng của Thừa Thiên - Huế và các tỉnh, thành phố miền Trung./.
Tin, ảnh: Hoàng Oanh - Quốc Cường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực