Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện lòng tự hào về cội nguồn

Thứ bảy, 29/04/2023 10:11
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - “Cây có gốc. Nước có nguồn. Chim tìm tổ. Người tìm tông”. Trải mấy nghìn năm, với bao biến động thăng trầm, trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên. Trở về Đền Hùng, chúng ta như giọt máu trở về tim.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là dịp để chúng ta tưởng nhớ về công ơn dựng nước của Vua Hùng, đồng thời thêm hiểu và tự hào về nguồn cội, về dân tộc và tổ tiên. Thờ cúng Hùng Vương có một tầm quan trọng trong tâm thức của người Việt, khẳng định người Việt có chung một thủy tổ, nguồn gốc - đó là “sợi chỉ đỏ” tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm với gia đình, làng xã và dân tộc.

Trong hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là Di sản Văn hoá Thế giới đã nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Vì vậy, ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam, là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Việc ghi danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã góp phần vào việc công nhận tầm quan trọng của nghi lễ thờ cúng tổ tiên ở nhiều nước khác, qua đó khuyến khích cộng đồng quốc tế thừa nhận sự tương đồng trong tín ngưỡng của các dân tộc trên thế giới, đồng thời thúc đẩy sự tôn trọng bản sắc của văn hóa của người Việt.

 “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam. (Ảnh: H.N)

Hơn 10 năm sau ngày UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chúng ta càng nhận ra sức mạnh của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đang được phát huy trong hiện tại và tương lai. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chính là lòng tự hào về cội nguồn và khát vọng thống nhất, minh triết độc đáo của quốc gia, dân tộc Việt Nam, gắn liền truyền thống nông nghiệp lúa nước, ý chí tự cường và tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm, thiên tai, làm nên sức mạnh Việt Nam. Đó cũng là sức mạnh cội nguồn, quy tụ được sự đoàn kết các thế hệ người dân Việt Nam sinh sống ở mọi miền đất nước, kể cả kiều bào ta ở nước ngoài tham gia vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bất kỳ dân tộc nào trên thế giới đều có nguồn cội của mình nhưng người Việt Nam có sự khác biệt ở chỗ, cùng thờ chung một ông Tổ - Vua Hùng. Có thể nói, hiếm có nơi nào lại có được hình thức thờ Tổ độc đáo như vậy. Nó đã trở thành một hiện tượng xã hội mang bản sắc riêng của Việt Nam; góp phần tạo ra hệ giá trị tinh thần và bản lĩnh văn hóa Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương xuất phát từ mạch nguồn dân tộc, từ sự tôn vinh những nhân vật lịch sử có công dựng nước đã tạo lập ra một quốc gia, dân tộc. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, trong tâm thức của nhân dân ta vua Hùng là vị vua Thủy Tổ dựng nước, là tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Do đó dân tôn vinh Vua Hùng là Thánh Tổ và dựng lên các ngôi đền trên núi Nghĩa Lĩnh để thờ tự từ bao đời nay. Thái độ tôn kính Hùng Vương với tư cách là Thủy Tổ của dân tộc, theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của các thế hệ người dân Việt Nam, khiến cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng linh thiêng và sức lan tỏa sâu rộng ra mọi miền đất nước, kể cả đối với kiều bào ta đang sinh sống ở nước ngoài.

Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã ăn sâu

vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt. (Ảnh: congluan.vn)

Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt. Đây là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa độc đáo và tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Về Đền Hùng là về nơi trung tâm của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, mỗi người dân Việt Nam được về nơi cội nguồn dân tộc, về với hồn đất nước và tỏ lòng biết ơn của con dân Việt Nam với công lao lập nước của các đời vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc Việt. Người người tham gia lễ hội Giỗ tổ với sự thành kính tôn nghiêm và lòng biết ơn nơi cội nguồn của dân tộc. Vua Hùng là biểu tượng của linh nghiêm và tôn kính. Và dịp này, tất thảy chúng ta đều cùng nhau nhớ rằng, dân tộc này, đất nước này có chung nguồn cội: nguồn cội linh thiêng, thần thánh và gắn bó với toàn dân tộc.

Việc thờ cúng các Vua Hùng đã ăn sâu, lan tỏa rộng khắp, nơi đâu có người Việt sinh sống là có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên - thờ các Vua Hùng. Các di tích và địa điểm thờ tự Vua Hùng ở khắp nơi luôn được người Việt bảo tồn, gìn giữ và xây dựng. Những không gian Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ấy chính là bằng chứng sinh động, đầy sức thuyết phục về sự bảo lưu và phát triển của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong cộng đồng người Việt.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, hiện nay, trên cả nước đã xây dựng 1.417 di tích thờ cúng các Vua Hùng và vợ con, tướng lĩnh thời Hùng Vương; tổ chức Giỗ Tổ hàng năm để bày tỏ lòng biết ơn tổ tiên. Đây là một minh chứng khẳng định Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là một di sản văn hóa độc đáo, trường tồn cùng lịch sử dân tộc; đồng thời cũng là dịp quan trọng để chúng ta giới thiệu ra thế giới một di sản đã thấm đẫm vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của mỗi người dân Việt Nam./.

Hồng Ngọc (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực