Tín ngưỡng thờ Mẫu: Nét văn hóa cần lưu giữ

Thứ sáu, 31/10/2014 23:16

(ĐCSVN)- Tín ngưỡng thờ Mẫu, còn được biết dưới cái tên Đạo Mẫu không chỉ là một tín ngưỡng tôn giáo đơn thuần. Thông qua các truyền thuyết, câu truyện lịch sử cùng những nghi lễ và lễ hội, đặc biệt trong hình thức diễn xướng vô cùng độc đáo, Đạo Mẫu thực sự là một bảo tàng sống của văn hóa truyền thống, cần thiết được lưu truyền.

Lịch sử hình thành

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian mang sắc thái nguyên thủy và có chiều dài lịch sử hàng ngàn năm. Nói về nguồn gốc hình thành, một số nhà nghiên cứu cho rằng, tục thờ Thánh Mẫu có từ thời Tiền sử khi người Việt thờ các thần linh thiên nhiên kết hợp với tín ngưỡng thờ nữ thần rất phát triển trong xã hội mẫu hệ (gọi nữ thần là Mẹ-Mẫu-Mế). Qua quá trình tiếp biến văn hóa, tín ngưỡng thờ mẹ thiên nhiên ban đầu đã hòa cùng các tôn giáo khác để trở thành một tín ngưỡng bản địa riêng có của Việt Nam. Việc tôn thờ Mẫu (Mẹ) làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trữ và che chở cho con người của Đạo Mẫu đã dễ dàng đi vào đời sống dân gian, bắt rễ sâu vào xã hội và đời sống tâm linh của mỗi con người.

Tín ngưỡng thờ Mẫu được xây dựng và bảo tồn trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta bởi các câu truyện lịch sử cũng như truyền thuyết về các vị anh hùng dân tộc. Tinh thần yêu nước, thương dân ấy được sử sách ghi lại bởi những thần tích, để rồi nhân dân dựa vào đó mà sáng tạo nên các lễ hội, và hình thức diễn xướng “hầu đồng” (hay còn gọi là “hầu bóng”). Niềm tin bất diệt vào sự chiến thắng của cái thiện trước cái ác, niềm tôn kính vô bờ với các vị anh hùng dân tộc (khi sinh là tướng, khi khác hiển thần) đã khiến tín ngưỡng thờ Mẫu tồn tại lâu dài trong đời sống tinh thần của người dân đất Việt. Thông qua hình thức “hầu đồng” tín ngưỡng thờ Mẫu hướng con người đến với những ước vọng về một cuộc sống tốt hơn, hạnh phúc hơn đồng thời mang lại cho họ sức mạnh niềm tin với cái thiện.

Tuy vậy trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, tín ngưỡng thờ Mẫu mà tiêu biểu cho nó là nghi lễ hầu đồng dần bị thay đổi, thậm chí đến biến dạng cả về bản chất, không còn giữ được quy chuẩn của thuở ban đầu, một bộ phận không nhỏ trong xã hội đã cố tình hoặc vô ý khoác lên nó một lớp áo huyền bí, đầy nghi hoặc cùng với những định kiến mang tính thiếu khách quan để từ đó một tín ngưỡng dân gian bản địa có lịch sử tồn tại hàng trăm năm trở thành “một đứa trẻ bị bỏ rơi lấm lem bùn đất” như đánh giá của GS. Ngô Đức Thịnh – một nhà nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam về đạo Mẫu. GS Ngô Đức Thịnh cũng đồng thời khẳng định “Đã đến lúc cần đánh giá đúng và công bằng về tín ngưỡng thờ Mẫu, cần biết cách gột rửa hết đất cát, bụi bặm mà thời gian đã khoác lên mình nó để Di sản được bảo tồn và phát huy hết giá trị vốn có ”.

 

 Tín ngưỡng thờ Mẫu xứng đáng trở thành Di sản văn hóa Phi vật thể của nhân loại.


Giá trị đặc sắc của tín ngưỡng thờ Mẫu

Là một trong những nhà nghiên cứu đã dành gần như cả cuộc đời nghiên cứu đạo Mẫu, GS. TS Ngô Đức Thịnh cho rằng tín ngưỡng thờ Mẫu hay đạo Mẫu có nhiều giá trị, trong đó có 4 giá trị lớn: Đạo Mẫu coi tự nhiên là một người mẹ và tôn thờ; đạo Mẫu mang cho con người sống ở trên đời này ba điều: Phúc – Lộc – Thọ. Đó là những ước muốn vĩnh hằng của con người; Đạo Mẫu thể hiện đậm nét chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa. Điều này thể hiện rất rõ qua việc hầu hết khoảng 50 vị thần mà Đạo Mẫu tôn thờ là những nhân vật lịch sử có công với dân tộc hay đã được dân tộc lịch sử hóa; Đạo Mẫu là một tín ngưỡng đa văn hóa. Đây là một ý nghĩa duy nhất chỉ có ở tín ngưỡng của Việt Nam. Và quan trọng, trong Đạo Mẫu không phân biệt dân tộc, đa số cũng như thiểu số, rất bình đẳng. Điều này thể hiện ở việc có rất nhiều các vị thần linh trong Đạo Mẫu là những người dân tộc thiểu số. Do đặc trưng này nên Đạo Mẫu thể hiện của tinh thần người Việt luôn sẵn sàng mở cửa để tiếp nhận đa văn hóa. Đây là vấn đề của cả nhân loại, cả thế giới đang kêu gọi.

Trong tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu còn ẩn chứa những giá trị văn hoá nghệ thuật rất phong phú. Đó là kho tàng truyền thuyết, thần tích, huyền thoại về các thần linh, đó còn là các hình thức diễn xướng với âm nhạc, ca hát, nhảy múa, các bức tranh thờ, nét nghệ thuật trang trí, kiến trúc,...Nhiều người đã nói tới Diễn xướng Đạo Mẫu như là một hình thức sân khấu tâm linh trong văn hóa của Đạo Mẫu. Chỉ riêng nghi lễ Hầu bóng - Lên đồng của Đạo Mẫu đã sản sinh ra loại hình âm nhạc - hát văn, mà theo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, đó là một trong hai loại hình dân ca tiêu biểu của người Việt đóng góp vào kho tàng âm nhạc thế giới. Chính những giá trị nhận thức, giá trị lịch sử, truyền thống, đạo đức văn hoá kể trên mà Đạo Mẫu cần thiết phải được đối xử với vị trí như những tôn giáo tín ngưỡng bản địa hàng đầu của các dân tộc Việt Nam.

Tích cực phát huy giá trị di sản

Bản thân tôn giáo tín ngưỡng đều hướng về cái thiện, cái đẹp đẽ, cao cả - Chân, Thiện, Mỹ. Tuy nhiên không thể phủ nhận, tình trạng thương mại hóa Đạo Mẫu đang là một thực tế nặng nề và nhức nhối, khiến cho tín ngưỡng này ngày càng bị xói mòn những giá trị tốt đẹp như đã nêu ở trên. Nhiều chủ đền, các ông đồng, bà đồng đã lợi dụng lòng tin, lợi dụng các di tích đền phủ, lợi dụng các sinh hoạt nghi lễ và lễ hội không phải là để truyền bá những điều tốt đẹp mà chủ yếu là để kiếm tiền, khiến nhiều người giàu lên nhanh chóng do lợi dụng và lừa bịp nhiều người khác

Đối diện với thực trạng kể trên, ông Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội, cho rằng: “Đảng và Nhà nước luôn tôn trọng tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của dân, đồng thời có chính sách bảo đảm cho các tôn giáo hoạt động bình thường trên cơ sở tôn trọng pháp luật. Tín ngưỡng thờ Mẫu là một nét sinh hoạt văn hóa truyền thống chứa đựng nhiều giá trị nhân văn. Trước những biến tướng làm méo mó đi nét đẹp trong sáng vốn có của tín ngưỡng, Sở đang tích cực phối hợp với các bên trong đó có các nhà nghiên cứu và các thanh đồng để đưa ra những kế hoạch bảo tồn, quản lý tín ngưỡng một cách hiệu quả.

Liên hoan văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu 2014 đang diễn ra trên địa bàn Tp. Hà Nội, là một trong những hoạt động cụ thể nhằm tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu, đem đến cho quần chúng nhân dân một cái nhìn đúng đắn, sâu sắc hơn về tín ngưỡng này, đẩy lùi những quan điểm lệch lạc. Ngoài ra, Liên hoan còn nhằm mục đích kiểm kê các số liệu về đền-phủ-điện thờ Mẫu; Thanh đồng, Cung văn, các làng nghề truyền thống nằm trong hoạt động cộng đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu, để từ đó lên phương án quản lý, bảo tồn không gian và di tích tín ngưỡng thờ Mẫu tại Hà Nội.”

Trong khi đó, với vai trò là nhà nghiên cứu lâu năm về Đạo Mẫu, GS, TS Ngô Đức Thịnh cho hay: “Trong những thanh đồng cùng hợp tác với Trung tâm nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam, không phải ai cũng hiểu hết ý nghĩa sâu xa của đạo Mẫu. Chúng tôi đã làm được việc là vận động các chủ đền, phủ để họ có ý thức trong việc hành lễ. Khi họ ý thức được thì sẽ hạn chế được những việc lợi dụng bởi khi được làm chủ, được tin cậy thì người ta cũng sẽ có ý thức và ứng xử khác. Chính trong nội bộ họ sẽ có sự đấu tranh với những kẻ lợi dụng, làm xấu đi hình ảnh của đạo Mẫu.”

Hiện, “Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể Quốc gia, đồng thời đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2015. Việc di sản của dân tộc được đánh giá đúng mực là điều đáng mừng, tuy vậy, quan trọng nhất vẫn là nhận thức của cộng đồng đối với di sản, cần có một cái nhìn khách quan và công bằng đối với tín ngưỡng thờ Mẫu, để nó thực sự là niềm tự hào của dân tộc Việt, hơn thế là trở thành Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực