Trà Bồng (Quảng Ngãi) 60 năm xây dựng và phát triển

Thứ sáu, 30/08/2019 15:12
(ĐCSVN) – Cách đây tròn 60 năm, ngày 28/8/1959, quân và dân Trà Bồng (nay là hai huyện Trà Bồng và Tây Trà) đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Mờ sáng ngày 28/8/1959, nhân dân và lực lượng thanh niên vũ trang các xã Trà Phong, Trà Lãnh, Trà Quân, Trà Sơn, Trà Nham nhất tề nổi dậy, vây diệt bọn ác ôn, uy hiếp tinh thần binh lính địch.

Vùng cao Trà Bồng bừng bừng khí thế tiến công. Lính địch hốt hoảng lẩn trốn vào các thôn, liền bị bao vây, gọi hàng, bắt sống. Đến chiều ngày 28/8, nhân dân và lực lượng vũ trang tiến công cơ quan ngụy quyền, diệt trừ tận gốc quyền lực độc tài của Mỹ - Diệm ở cơ sở.

Toàn cảnh huyện Trà Bồng (Nguồn: Trang thông tin điện tử Trà Bồng)

Ngày 28/8/1959, cuộc khởi nghĩa Trà Bồng đã nổ ra và sau đó lan rộng cả miền Tây Quảng Ngãi. Nhân dân các dân tộc cùng với các lực lượng vũ trang của ta đã nổi dậy cướp chính quyền địch, tấn công, tiêu diệt địch ở các căn cứ và các hang ổ, đồn bót của địch ở vùng rừng núi; phá trụ sở ngụy quyền, thành lập chính quyền cách mạng, bảo vệ vùng giải phóng; đánh địch bảo vệ quê hương, bảo vệ căn cứ địa cách mạng. Chính ngày 28/8/1959 đã đi vào lịch sử đấu tranh anh dũng của nhân dân Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi. Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi là một chấm son chói lọi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Thắng lợi ấy đã mở đầu trang sử đấu tranh chính trị và vũ trang song song, là đỉnh cao của phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Ngãi lúc bấy giờ.

Đây là một trong những cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên của đồng bào các dân tộc ở vùng căn cứ miền núi Trung Bộ, một cuộc khởi nghĩa có tích chất quần chúng rộng rãi, có sức mạnh cỗ vũ, khích lệ phong trào đấu tranh chống Mỹ trên toàn miền Nam, chứng minh sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng.

Phát huy thắng lợi cuộc khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi, nhân dân Trà Bồng tiếp tục theo Đảng, theo Bác Hồ làm cách mạng. Những ngày đầu tháng 9/1969, cùng với cả nước, nhân dân Trà Bồng vô cùng đau buồn khi nhận được tin Bác đã đi xa. Để biến đau thương thành hành động cách mạng, dân tộc Cor ở Trà Bồng (chiếm 64% số dân ở Trà Bồng lúc bấy giờ) tự nguyện đề nghị và được Trung ương chấp thuận cho người Cor được mang họ Bác Hồ. Từ đó, nhân dân Trà Bồng gửi trọn niềm tin theo Đảng, tiếp tục đóng góp to lớn sức người, sức của cho cách mạng, nêu cao ý chí, truyền thống quật khởi, góp phần cùng cả tỉnh, cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử.

Đoàn công tác của huyện Trà Bồng thăm, kiểm tra và động viên nông dân,
chủ trang trại trên địa bàn huyện.

Đồng chí Võ Văn Rân, Bí thư Huyện ủy Trà Bồng cho biết: Sau 60 năm xây dựng và phát triển, nhất là từ sau ngày chia tách huyện (tháng 01/2004), huyện Trà Bồng mặc dù phải trải qua rất nhiều khó khăn, thách thức, song được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện Trà Bồng đã xác định mặc dù khó khăn đến đâu cũng luôn phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, quyết tâm “biến khó khăn thành cơ hội phát triển”, tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, Ban Thường vụ Huyện ủy qua các thời kỳ, luôn kế thừa, phát triển những thành quả và kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các thế hệ lãnh đạo đi trước trong công tác xây dựng đảng, về phát huy trí tuệ tập thể gắn với nguyên tắc tập trung dân chủ để đưa ra những quyết sách đột phá trên con đường phát triển kinh tế. Trong lãnh đạo, chỉ đạo luôn bám sát sự chỉ đạo cấp trên, phát huy vai trò chủ động sáng tạo của chính quyền, sâu sát cơ sở, luôn có sự đổi mới, năng động, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương trong từng thời kỳ.

Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các dân tộc anh em trên địa bàn huyện, có thể khẳng định trong những năm qua, Trà Bồng đạt được những kết quả hết sức đáng ghi nhận trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Công tác tổ chức xây dựng Đảng luôn được quan tâm đặc biệt, đến nay đã thực hiện thí điểm kiêm nhiệm chức danh của người đứng đầu ở 4 cơ quan, thí điểm hợp nhất Văn phòng Huyện ủy với Văn phòng HĐND và UBND thành Văn phòng giúp việc chung, giảm 05 đơn vị sự nghiệp công lập huyện (chưa bao gồm các trường học); giảm cấp phó cơ quan, đơn vị thuộc huyện, gắn đổi mới tổ chức bộ máy với đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao hoạt động, hiệu lực, hiệu quả; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…

Kinh tế có bước phát triển khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn huyện giai đoạn 2015 - 2020 ước đạt 10,7% vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết đề ra (8%/năm); 100% xã đã có đường ô tô đến trung tâm xã; nhiều đường giao thông nông thôn được bê tông hóa; trên 95% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia, hàng trăm công trình nước sạch phục vụ cuộc sống sinh hoạt của bà con được xây dựng, 7/10 xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế và 100% trạm y tế có từ 1-2 bác sỹ; khoảng 90% phòng học được xây dựng kiên cố... Đến nay, qua đánh giá sơ bộ thì hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so với chỉ tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.

Thu hút đầu tư có nhiều tín hiệu khả quan, ngoài các doanh nghiệp đã và đang hoạt động trên địa bàn huyện; trong thời gian qua, huyện đã vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng để thu hút các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư vào huyện. Đến nay có nhiều dự án đã và đang triển khai như: dự án thủy điện Kà Tinh với tổng mức đầu tư hơn 440 tỷ đồng; trang trại nuôi heo công nghiệp khép kín của Công ty Hải Hà với tổng mức đầu tư khoảng 3,5 tỷ đồng; dự án rau, củ quả của Công ty TNHHMTV Thành Văn với tổng mức đầu tư khoảng 10,6 tỷ đồng; dự án gạch không nung của Công ty Cổ phần Đại Triệu Phát với tổng mức đầu tư khoảng 14,8 tỷ đồng…

Trà Bồng đang tập trung phát triển các mô hình kinh tế nông nghiệp
mang tính đột phá, thu nhập cao, bền vững.


Diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống của đồng bào các dân tộc không ngừng cải thiện và từng bước được nâng cao về mọi mặt. Sau gần 10 năm triển khai, thực hiện chương trình nông thôn mới, đến nay, xã Trà Bình là một trong những xã đầu tiên của huyện miền núi được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; số tiêu chí bình quân trên toàn huyện đạt 11,12 tiêu chí...

60 năm trôi qua, chiến tranh đã lùi vào quá khứ nhưng hào khí của cuộc Khởi nghĩa Trà Bồng và miền Tây Quảng Ngãi vẫn còn in đậm trong tâm khảm của mọi người. Cuộc hành trình đi về phía trước của huyện Trà Bồng vẫn còn không ít những khó khăn, thách thức, song cũng hiện hữu nhiều cơ hội thuận lợi để hứa hẹn những thành công mới. Với những thành tựu đạt được trong suốt chặng đường đấu tranh bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Trà Bồng sẽ luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đổi mới, sáng tạo và phát triển, khai thác mọi tiềm năng thế mạnh, xây dựng quê hương Trà Bồng anh hùng ngày càng văn minh, giàu đẹp./.

Hải Vân

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực