Chương trình nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu hơn phong tục, văn hóa đón Tết thông qua việc trải nghiệm các hoạt động tại Bảo tàng Dân tộc học.
Tại chương trình, các em đã được trải nghiệm các hoạt động như: gói bánh chưng, làm giò truyền thống, viết thư pháp, in tranh Đông Hồ, làm pháo đất, múa sạp…
Bên cạnh đó, các nghệ nhân dân gian sẽ hướng dẫn một số hoạt động truyền thống như: nặn tò he 12 con giáp, tô vẽ tranh 12 con giáp; các trò chơi dân gian của các dân tộc như bịt mắt đập dừa (Khơme), giấu khăn, ném khăn (Khơme), Lăn bưởi (Si La), Chạy ró (Việt), Kéo co (Thái, Việt), Đánh cây (Mnông), Tó má lẹ (Thái), đi cà kheo (Thái, Sán Chay), đi cầu đôi (Cao Lan), chơi quay (Hmông, Dao), đẩy gậy, đánh cầu lông gà, ném pao (Hmông), cờ ngũ hành, cờ gánh (Việt), ấp trứng rùa (Lào), tung còn (Thái, Tày), nhảy bao bố (Việt)...
Đặc biệt, trong ngày cúng “ông Công, ông Táo”, các em học sinh và du khách được tìm hiểu về phong tục người Việt thông qua việc dựng cây nêu của người dân đến từ Cổ Loa (Hà Nội).
PGS.TS Võ Quang Trọng, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho biết: Với nội phong phú, mang tính giáo dục cao, chương trình Tết Việt tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí, mà còn giúp du khách, đặc biệt là thế hệ trẻ nâng cao hiểu biết về giá trị văn hóa cũng như góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Dưới đây là một số hình ảnh được ghi lại tại chương trình:
Múa sạp
Làm pháo đất
In tranh Đông Hồ
Viết thư pháp
Đánh đu
Gói bánh chưng
Làm giò theo cách truyền thống