Tranh dân gian - mạch nguồn văn hóa Việt

Thứ bảy, 04/04/2020 08:36
(ĐCSVN) - Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, tranh dân gian có ý nghĩa quan trọng bởi tính chất lâu đời và phổ biến. Với ngôn ngữ đặc thù của mình, tranh dân gian đã trở thành những tư liệu vật chất, cụ thể hóa ý niệm triết học về vũ trụ, nhân sinh quan, về cái đẹp của nhiều thế hệ con người Việt Nam.

Theo các tài liệu nghiên cứu Mỹ thuật dân gian, vào thời Lý (1009-1225) dân ta đã có nghề khắc ván in kinh phật. Năm 1396, vua Hồ Quý Ly cho phát hành đồng tiền giấy Thông bảo hội sao, dùng các ván gỗ in chữ và các hình trang trí. Giữa thế kỷ XV thời Lê sơ, thám hoa Lương Nhữ Hộc người Hải Dương truyền dạy nghề khắc in trên ván cho người dân hai làng Hồng Lục – Liễu Tràng (tỉnh Hải Dương).

Sang thế kỷ XVI, XVII, XVIII nghệ thuật dân gian vươn tới đỉnh cao, ra đời các dòng tranh khắc gỗ dân gian như: Tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng... Khoảng thế kỷ XIX xuất hiện dòng tranh Làng Sình ở Huế. Dòng tranh khắc Đồ Thế ở Huế ra đời muộn hơn khoảng cuối thế kỷ XIX cùng với những dòng tranh sử dụng chất liệu mới và cách làm khác nhau ở Nam Bộ như: Tranh kính, tranh gói vải, tranh vải. Ít được nghiên cứu nhất là dòng tranh thờ miền núi phía Bắc của các thày cúng người dân tộc Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Giáy, Sán Dìu... với các tranh vẽ tay xen lẫn tranh khắc in, nhưng những dòng tranh này xuất hiện chậm nhất vào thời Lê Trịnh (Thế kỷ XVII, XVIII). Thời kỳ này tranh khắc Thập vật trong các chùa Việt cũng có nội dung rất hấp dẫn.

 Một dòng tranh cổ ở Nam Bộ những năm 1940.

Nhìn chung, mỗi dòng tranh dân gian mỗi nơi lại có những sắc thái, kỹ thuật thể hiện, chất liệu riêng mang đặc trưng mỗi trung tâm, mỗi làng nghề. Tiến trình phát triển của dòng tranh khắc dân gian Việt đến nay còn lưu dấu ở nhiều dòng tranh, làng tranh cổ như: Tranh thờ Hàng Trống (Hà Nội), tranh Đồng Hồ (Bắc Ninh), Tranh thờ (vùng đồng bằng Bắc bộ), Tranh thờ miền núi, Tranh kính Huế, Tranh kính Nam Bộ, Tranh Đồ thế Nam bộ, Tranh gói vải, Tranh vải, Tranh Thập vật, Tranh Kim Hoàng.

Những mạch nguồn văn hóa dân gian

Theo các nhà nghiên cứu mỹ thuật, tranh khắc dân gian Việt Nam gồm ba loại cơ bản: Tranh thờ phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của cộng đồng qua các hoạt động như: Lễ tang, lễ cúng, lễ cấp sắc, phong sắc... theo phong tục nghi lễ truyền thống. Tranh đồ thế, người dân thường sử dụng để đốt vào dịp đầu năm, hay để cúng sao, giải hạn vào những thời kỳ không may mắn trong cuộc sống. Loại tranh này phổ biến ở các vùng miền cả nước, có chăng chỉ khác nhau tên gọi và cách tạo hình.

Tranh Tết, tranh trưng bày thể hiện tình cảm, ước mơ của người dân, thường phát hành trong dịp Tết Nguyên đán hàng năm. Chủ để tranh Tết thường là cầu mong cho con cháu phấn đấu học hành giỏi giang, đỗ đạt, gia đình hạnh phúc, làm ăn phát đạt, quốc gia thịnh trị. Đồng thời người ta không quên bày tỏ công ơn với tổ tiên, với các bậc vĩ nhân hay anh hùng dân tộc.

Trong số các dòng tranh dân gian cổ của Việt Nam, tranh Đông Hồ làng Đông Hồ, xã Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) là một dòng tranh tiêu biểu. Tranh được in từ ván gỗ, tranh có bao nhiêu màu thì có bấy nhiêu mẫu ván khắc gỗ với màu tương ứng. Trước đây vào mỗi dịp tết đến xuân về thì tranh Đông Hồ được bầy bán khắp nơi để người mua về trang trí trong nhà dịp Tết.

Nét đặc trưng của dòng tranh này nằm ở đường nét vẽ, bố cục, giấy vẽ và màu sắc. Giấy vẽ tranh đông hồ được làm từ vỏ con điệp trộn với hồ, tạo nên loại giấy trắng sáng, lấp lánh khi để ngoài ánh sáng. Màu vẽ được lấy hoàn toàn từ tự nhiên với 4 màu cơ bản là xanh (lấy từ lá chàm hoặc gỉ đồng), đen (han lá che)  vàng (lấy từ hoa hòe  và đỏ (từ gỗ vang, sỏi son). Nội dung tranh phác họa mong muốn về cuộc sống gia đình thuận hòa , yêu thương con người, cuộc sống sung túc, an nhàn, ấm no, hạnh phúc.

Nhắc về dòng tranh dân gian Việt Nam, nhiều người thường biết tới dòng tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống nhưng ít ai biết rằng, chúng ta đã từng có dòng tranh Thập vật mang tính “bác học” của văn hóa dân gian. Tranh Thập vật được chế tác từ các làng, chùa Việt Nam. Nội dung tranh Thập vật thể hiện đời sống tín ngưỡng của người Việt trong chế độ phong kiến.

Theo các tư liệu Bảo tàng Mỹ thuật, tranh Thập vật rất thịnh vào giai đoạn từ thời Lê - Trịnh qua Nguyễn đến thời Pháp thuộc, suy thoái vào khoảng thập niên 60 của thế kỷ XX. Vào đầu thế kỷ XXI, trong bối cảnh đất nước bước vào thời kỳ hội nhập, đời sống văn hóa phát triển, nâng cao, những người làm công tác văn hóa, nhất là các họa sỹ và các nhà nghiên cứu có điều kiện để nhìn nhận, đánh thức dòng tranh dân gian cổ này, giúp công chúng cảm nhận vẻ đẹp văn hóa, những thông điệp về đạo đức, luân lý và tín ngưỡng của tiền nhân.

 Một bức tranh Thập vật thập niên 60 của thế kỷ XX.

Trong số các dòng tranh dân gian tiêu biểu, Tranh Kiếng Nam Bộ là một sản phẩm in đậm dấu ấn người dân Nam bộ, tranh Kiếng Nam Bộ xuất hiện trong cung đình Huế từ thời Nguyễn (triều Minh Mạng, Thiệu Trị). Những năm 1920 nghề làm tranh Kiếng rất được ưu chuộng tại khu vực miền Trung, sau đó cùng với các ngành nghề thủ công mỹ nghệ khác, tranh Kiếng đã có những bước phát triển vượt bậc. Khoảng năm 1940-1950 dòng tranh này đã có mặt tại khắp lục tỉnh Nam kỳ và nhiều vùng miền cả nước. Trong hơn một thế kỷ phát triển loại hình nghệ thuật này đã hình thành nhiều dòng tranh nổi tiếng với phong cách và đặc điểm riêng biệt, tiêu biểu là các dòng tranh Kiếng Khơ Me – Nam bộ (tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng), dòng tranh Lái Thiêu (Thủ Dầu Một - Bình Dương), dòng tranh Chợ Lớn (Sài Gòn).

 Một bức tranh kiếng Nam Bộ vui tươi, mang đậm dấu ấn của người dân Nam Bộ, những năm 1940.

Dòng tranh Kiếng có nhiều chủng loại đa dạng: Tranh thờ tổ tiên, tranh Thần, Phật, tranh chúc tụng, tranh cảnh vật trang trí nội thất... Ở đó có loại vẽ thuần bằng sơn màu đa sắc (thêm ngân nhũ và kim nhũ) hoặc kết hợp với kỹ thuật tráng thủy, độc đáo nhất là tranh Kiếng gắn ốc xà cừ.

Tranh Kiếng đã đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và mĩ thuật của công chúng khắp các thôn xã từ miền Đông Nam bộ đến miền Tây Nam bộ và trở thành loại hình nghệ thuật dân gian phát triển cùng nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước. Các dòng tranh dân gian Việt Nam như tranh Đông Hồ, làng Sình, hàng Trống, Kim Hoàng, tranh Thập vật…tạo nên bức tranh văn hóa Việt. Ngày nay, nghệ thuật vẽ tranh Kiếng dân gian Nam Bộ không còn được ưa chuộng và phát triển như xưa, vì vậy cần có các phương án bảo tồn, phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống này để lưu giữ một vốn quý trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam, góp phần vào việc bảo tồn, phát huy băn sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập với các nền văn hóa thế giới./.

Bài, ảnh: Thế Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực