Chúng tôi đến thăm CCB Trần Ngọc, nguyên Chủ nhiệm Nhà văn hóa, Cục Chính trị Quân khu 5 – Người chiến sĩ đã dành phần lớn thời gian trong cuộc đời để vẽ tranh Bác Hồ đúng lúc ông vừa hoàn thành bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với câu nói nổi tiếng: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công”. Vừa say sưa ngắm bức chân dung của Bác, ông vừa sửa đi, sửa lại từng chi tiết nhỏ để bức tranh thêm hoàn thiện. Việc hoàn thành tác phẩm về Bác đúng dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 131 của Người (19/5), khiến CCB Trần Ngọc rất tâm đắc.
|
Thượng tá, cựu chiến binh Trần Ngọc (trái) trao kỷ vật tập tranh Bác Hồ tặng Bảo tàng Quân khu 5. (Ảnh: Thanh Tuấn) |
CCB Trần Ngọc sinh năm 1946, tại xã Yên Phú (Yên Định, Thanh Hóa). Tháng 10/1966, ông viết đơn xung phong nhập ngũ. Đầu tháng 9/1969, đang trên đường hành quân vào chiến trường B1, Quân khu 5, đơn vị của ông nhận được tin Bác Hồ mất. Nỗi đau quá lớn cùng tấm lòng thương nhớ Bác khôn nguôi đã thôi thúc chiến sĩ trẻ Trần Ngọc cầm bút ký họa chân dung vị Cha già dân tộc ngay giữa chiến trường. Cũng từ đây, trên mọi nẻo đường hành quân, chiến đấu, đi đến đâu, Trần Ngọc cũng vẽ chân dung Bác, kèm những lời dạy của Người để cổ vũ tinh thần bộ đội, dân công trên khắp các chiến trường, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Những năm 1969 -1972 là khoảng thời gian vô cùng cam go, ác liệt. Bộ đội ta vừa phải chiến đấu với mưa bom, bão đạn của quân thù, vừa khắc phục điều kiện thời tiết khắc nghiệt của chiến trường khu 5. Trong hoàn cảnh đó, càng nhớ thương Bác, Trần Ngọc càng ra sức bảo quản các bức tranh về Người. Đầu năm 1970, Trần Ngọc được điều động về làm Trợ lý Câu lạc bộ, Ban Tuyên huấn, Cục Hậu cần Quân khu 5. Môi trường mới càng giúp ông có điều kiện vẽ tranh về Bác nhiều hơn.
Ông tâm sự, trong hàng nghìn bức họa về Bác, ông nhớ nhất là bức tranh được vẽ ngay trên đường tiến quân về Đà Nẵng, đầu tháng 4/1975. Trong khí thế như vũ bão của quân ta khi tiến vào giải phóng miền Nam, khi đơn vị ông hành quân đến huyện Thăng Bình (Quảng Nam), nơi vừa được giải phóng, ông tranh thủ vẽ chân dung Bác Hồ trên tấm ván ép khổ lớn, sau đó, treo trang trọng ngay cửa ngõ TP Đà Nẵng, khiến đông đảo bộ đội, nhân dân hết sức ngưỡng mộ.
Sau ngày thống nhất đất nước, Trần Ngọc về công tác tại Nhà văn hóa, Cục Chính trị Quân khu 5. Tại đây, ông đảm nhiệm vẽ chân dung Bác Hồ để trang trí, tuyên truyền trực quan phục vụ các sự kiện chính trị trọng đại. Đây cũng là khoảng thời gian ông vẽ Bác nhiều nhất, với đủ các chất liệu, kích cỡ. Đặc biệt, tại những sự kiện đón tiếp đoàn các khách đến tham quan Quảng Nam - Đà Nẵng sau ngày giải phóng, thần thái của Bác Hồ kính yêu do Trần Ngọc phác họa đã tạo dấu ấn khó quên trong lòng du khách và bạn bè quốc tế.
Với lòng kính trọng và biết ơn vô hạn đối với Bác Hồ, CCB Trần Ngọc đã vẽ hàng nghìn bức chân dung về Người, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng cho thế hệ trẻ./.